Xuất khẩu quay lại thị trường gần
Làm ăn với những thị trường gần không khó như nhiều doanh nghiệp từng nghĩ
Những ngày đầu năm 2025, Công ty TNHH Hòa Mai - chuyên về các sản phẩm đồ gỗ gia dụng - tất bật sản xuất để kịp đáp ứng một số đơn hàng mới. Trong đó, đơn hàng đồ dùng nhà bếp bằng gỗ trị giá hơn 10.000 USD được xem là bước khởi đầu để công ty củng cố hơn việc làm ăn với thị trường Campuchia.
Nhiều cơ hội
Bén duyên với thị trường Campuchia từ năm 2021, thông qua kết nối của một doanh nghiệp (DN) phân phối nước ngoài đang hoạt động tại TP HCM, trong vòng 4 năm, doanh số xuất khẩu của Công ty Hòa Mai ở thị trường này đã tăng gấp 2-3 lần. Tại Lào, cũng thông qua kết nối của đầu mối phân phối, các loại đũa, vá, cối, chày… của công ty đã được thị trường chấp nhận, đơn hàng gửi đến đều đặn hằng tháng.
Ông Nguyễn Lê Thái Hòa, người sáng lập Công ty Hòa Mai, cho biết nhờ hiểu thị trường, công ty đã thiết kế sản phẩm chủ lực là đũa gỗ thốt nốt có giá bán rẻ hơn sản phẩm cùng loại tại Campuchia và thâm nhập thị trường này thành công. Đũa gỗ cùng nhiều loại đồ dùng nhà bếp từ gỗ của công ty đang bán rất tốt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Campuchia và cả Lào. Danh mục hàng hóa xuất khẩu cũng tăng đều hằng năm, mở ra cơ hội tăng trưởng doanh thu lớn hơn ở thị trường này.
"Trung bình mỗi tháng, công ty có khoảng 2-3 đơn hàng sang Campuchia, giá bán cao hơn tại Việt Nam khoảng 15%-20%. Năm 2025, chúng tôi đặt mục tiêu củng cố thị trường Lào, Campuchia và đẩy mạnh sang thị trường Thái Lan, Myanmar, từng bước tiếp cận sâu hơn thị trường khu vực" - ông Thái Hòa tin tưởng.
Cũng phát triển khá nhanh tại các thị trường khu vực trong vòng vài năm trở lại đây, Công ty TNHH May mặc Dony cho biết thành công ở thị trường Đông Nam Á đã góp phần không nhỏ để công ty đưa doanh số xuất khẩu lên gần 20% tổng doanh số năm 2024. Trong đó, doanh thu nhiều nhất là từ thị trường Campuchia, kế đến là Thái Lan và Malaysia. Dòng sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty là áo thun và quần áo đồng phục.
Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty Dony, cho hay công ty có đơn hàng đầu tiên sang Campuchia từ năm 2018 nhưng đến giữa năm 2022 mới có kế hoạch thâm nhập thị trường Đông Nam Á. "Công ty triển khai các hoạt động marketing trên kênh online và offline, lên danh sách những nhóm khách hàng tiềm năng và trực tiếp dành vài tháng đến Singapore, Malaysia, Campuchia… để gặp gỡ họ. Cuối năm 2022, công ty có đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang Malaysia; đến năm 2023 đơn hàng tăng mạnh, sang năm 2024 thì tăng vọt ngoài dự kiến" - ông Quang Anh thông tin.
Theo ông Quang Anh, lợi thế cạnh tranh lớn của công ty là giá và dịch vụ. Ông tự tin: "Chúng tôi đã sản xuất đồng phục trong nhiều năm, chuyên làm sản phẩm theo yêu cầu riêng của khách hàng nên quy trình, đội ngũ, phương pháp, giá cả đều tốt".
Nắm bắt lợi thế
Thực tế, từ sau đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Một bộ phận DN thay vì "đánh bắt xa bờ" ở những thị trường lớn tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ… đã có xu hướng quay về "sân nhà" Việt Nam và các nước ASEAN. Báo cáo năm 2024 của Bộ Công Thương cho thấy Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu nhiều nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng… sang ASEAN, nhất là các nước có đa số người dân theo đạo Hồi (Indonesia, Malaysia…).
Ngành công thương cũng đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực. Tại TP HCM, thông qua đầu mối là Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), nhiều hội nghị kết nối đã diễn ra nhằm cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn DN cách tiếp cận và nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu lẫn đầu tư vào các nước láng giềng.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, cho biết DN Việt Nam đang có cơ hội lớn xuất khẩu vào thị trường ASEAN. Đây được xem là thị trường ngách nhưng giàu tiềm năng, phù hợp với năng lực của các DN nhỏ và vừa trong nước.
Những nỗ lực này đã góp phần nâng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN quay lại con số 80 tỉ USD và lần đầu đạt mức 83 tỉ USD - mốc cao nhất từ trước tới nay và tăng đến gần 10 tỉ USD so với năm 2023.
Phân tích những thuận lợi của việc làm ăn ở ASEAN, ông Phạm Quang Anh chỉ ra thực tế làm ăn với các thị trường gần không khó như nhiều DN từng nghĩ. "Đa số DN chọn làm ăn với những nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc mà bỏ qua thị trường gần, tôi cũng từng như vậy.
Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của việc truyền thông liên tục về những thị trường lớn khiến DN chỉ hướng đến đó. Ngoài ra, tâm lý kinh doanh thường hướng đến những thị trường giàu hơn chứ không nghĩ đến thị trường có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, khi làm mới thấy ngược lại, giá bán cho các thị trường ASEAN còn tốt hơn giá bán sang Mỹ" - ông Quang Anh nhìn nhận.
CEO này cho rằng một khi DN đã xuất khẩu được sang những thị trường lớn, lúc quay về làm ăn với các nước trong khu vực rất thuận lợi. Các nước ASEAN có nhiều nét tương đồng với Việt Nam và có những đặc thù riêng nên vẫn còn đủ chỗ cho DN Việt Nam khai thác.
"Campuchia khá giống với Việt Nam khoảng 15 năm trước, không có những DN nhỏ có khả năng làm trọn gói từ thiết kế, đo, may… để nhận đơn hàng nhỏ vài trăm đến vài ngàn sản phẩm" - ông Quang Anh nêu ví dụ để khẳng định có những vấn đề tưởng là khó nhưng thực tế là dễ.
Ông Thái Hòa cho hay thị hiếu tiêu dùng ở những thị trường ASEAN không khác nhiều so với Việt Nam. Chủ yếu sự khác biệt là ở thiết kế hoa văn trên bao bì cho phù hợp với văn hóa của họ; nhãn mác bao bì 100% bằng tiếng Anh hoặc tiếng Campuchia, Lào, Myanmar…
"Hàng Việt đang có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường Campuchia. Ngay cả ở Lào, hàng Thái áp đảo nhưng không phong phú bằng hàng Việt Nam nên vẫn còn cơ hội cho những DN Việt chịu khó thâm nhập thị trường này" - ông Thái Hòa nhận định.
Đừng chê thị trường nhỏ
Theo các DN, một số thị trường ở ASEAN quy mô nhỏ, đi sau Việt Nam nên DN Việt có nhiều lợi thế để thâm nhập. Hiện nay, điều kiện vận chuyển đã thuận lợi hơn, thanh toán trong khu vực cũng thuận lợi, người tiêu dùng cũng không quá khó tính... đang là những điểm cộng để DN nhỏ và vừa Việt Nam thử sức làm ăn.