TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy giao lưu và hợp tác đa lĩnh vực giữa Trung Quốc và Việt Nam
Ngày 17/12/2024, Diễn đàn Đầu tư - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao được tổ chức nhằm thúc đẩy giao lưu và hợp tác đa lĩnh vực giữa Trung Quốc với Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Sự kiện có sự tham dự của ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; ông Ngụy Hoa Tường - Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo các sở, ban, ngành TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận. Ngoài ra, có 200 đại diện cấp cao của nhiều hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và đoàn 60 lãnh đạo doanh nghiệp từ vùng Vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao (GBA).
Sự kiện được xem là cơ hội để doanh nghiệp hai bên kết nối, trao đổi và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như đầu tư, tài chính, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, sản xuất, logistics, nông sản, thực phẩm, v.v
Dòng vốn Trung Quốc hiện đang chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh,... Xét về địa phương nhận đầu tư, theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều dự án đầu tư Trung Quốc nhất, với 731 dự án.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Về đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, với 540 dự án, tổng vốn đăng ký mới 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới của cả nước. Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam thường tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, giày da, may mặc,...
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
“TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, với mức tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,17% và đóng góp 27% vào ngân sách quốc gia. Với dân số gần 10 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, TP. Hồ Chí Minh là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc” - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) chia sẻ, TP. Hồ Chí Minh là thành phố hạt nhân, cực tăng trưởng của khu vực Đông Nam Bộ được trang bị đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố kết nối tốt hơn trong trục hành lang trong khu vực và quốc tế. Thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất nước, gần 60 tỷ USD, bên cạnh đó, đây cũng là nơi tập trung nhiều nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao với nhiều thành phần đến sinh sống, học tập và nghiên cứu.
Khi đến TP. Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư không chỉ có cơ hội tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiêu thụ sản phẩm, mà còn nhận được sự cam kết đồng hành xuyên suốt quá trình đầu tư và kinh doanh từ chính quyền thành phố.
TS. Jonathan Choi - Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hồng Kông và Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, bày tỏ: “ Tôi rất vui được dẫn đầu đoàn đại biểu gồm 60 lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau từ vùng Vịnh lớn sang Việt Nam để tìm hiểu môi trường kinh doanh, đầu tư và tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Một số thành viên trong đoàn đã và đang đầu tư tại Việt Nam và số còn lại thì đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại đây”.
Bà Trần Khiết Linh - Ủy viên Phát triển khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao, Cục Hiến pháp và các vấn đề đại lục, đã chia sẻ tính riêng trong năm 2023, Hồng Kông (Trung Quốc) đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,68 tỷ USD, chỉ đứng sau Singapore và Nhật Bản. Xu hướng này tiếp tục được duy trì trong 7 tháng đầu năm 2024, khi Hồng Kông trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 của Việt Nam, với hơn 2,19 tỷ USD. Một bước tiến quan trọng nữa phải kể đến là việc Hồng Kông chính thức mở thị thực cho lao động có kỹ năng của Việt Nam từ ngày 25/10/2023, cũng như nới lỏng hạn chế đối với việc cấp visa du lịch cho công dân Việt Nam.
Kết thúc phiên họp, ông Jesse Choi - Chủ tịch Liên minh Doanh nhân vùng vịnh Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao tại Việt Nam (GBA Alliance), cho biết Liên minh GBA đã và đang tận dụng thế mạnh về công nghệ, tài chính, sản xuất và đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc và xây dựng quan hệ đối tác lâu dài.
Thông qua chi nhánh Việt Nam, Liên minh GBA cũng đã tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư - thương mại mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam những thông tin giá trị về xu hướng thị trường, chính sách và cơ hội; đồng thời, thúc đẩy đầu tư song phương, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác chiến lược và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển đô thị thông minh. Bằng cách tích hợp nguồn lực và chuyên môn từ khu vực Vịnh lớn, Liên minh GBA cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức, ứng dụng công nghệ tiên tiến và mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường toàn cầu./.