Xuất khẩu năm nay có thể phá vỡ kỷ lục năm 2024?
Năm nay, Cục Xuất nhập khẩu đề ra chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục lập kỷ lục mới khi tăng 10-12% so với năm 2024 và cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Xuất khẩu năm 2024 cao kỷ lục
Năm 2024, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu. Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối.
Hầu hết thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt với kết quả xuất khẩu sang ASEAN và các nền kinh tế như EU, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu xuất khẩu sang Mỹ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% (năm 2023 giảm 11,6%); thị trường EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% (năm 2023 giảm 5,9%).
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu của nước ta do các doanh nghiệp FDI mang lại (khoảng trên 70%) nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Mỹ, ASEAN, EU (kim ngạch xuất khẩu tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng, phần lớn hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng gia công, chế biến và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp FDI (như dệt may, da giầy, điện tử), tỷ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Toàn bộ thặng dư trong cán cân thương mại do các doanh nghiệp FDI mang lại; cán cân thương mại của doanh nghiệp trong nước liên tục thâm hụt với xu hướng tăng.
Hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực phần nhiều còn dưới dạng nguyên liệu thô, sơ chế, khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường thế giới hạn chế.
Mục tiêu 2025 tăng trưởng xuất khẩu 10 - 12%
Năm nay, Cục Xuất nhập khẩu đề ra chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục lập kỷ lục mới khi tăng 10-12% so với năm 2024 và cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Báo cáo Chiến lược đầu tư 2025 của Trung tâm Phân tích – CTCP Chứng khoán Rồng Việt nhận định, năm 2025, xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng khoảng 10-12%. Con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng 14% của năm trước.
Chia sẻ với chúng tôivề tính khả thi của mục tiêu này, ông Trần Thanh Hải -Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết việc tăng trưởng hai con số là điều rất thách thức trong năm 2025.
“Bối cảnh hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu như môi trưởng kinh doanh, vĩ mô tương tự như năm 2024 thì có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng này. Tuy nhiên, nếu có những những bất ổn dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng những thị trường lớn, làm giảm nhu cầu, sức mua hàng hóa thì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trở thành thách thức rất lớn”, ông nói.
Theo ông, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang là một biến số lớn không chỉ Việt Nam mà còn cả thế đang theo dõi. Trong thời gian tranh cử hồi cuối năm ngoái, ông Donald Trump đã đưa ra lời cảnh báo áp thuế 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, riêng với hàng Trung Quốc mức áp thuế có thể lên tới 60%. Nếu điều này xảy ra, tác động đối với xuất khẩu của Việt Nam sẽ đa chiều.
Ông Hải phân tích ông Trump đang sử dụng một công cụ rất cổ điển là thuế quan nhằm hỗ trợ ngành sản xuất trong nước. Đối với Việt Nam, ở nhiệm kỳ trước của ông Trump, ảnh hưởng của các lệnh thuế là chưa lớn. Trong nhiệm kỳ tới, nếu những đe dọa của việc áp thuế thành hiện thực, sẽ có hai kịch bản tác động đến xuất khẩu của Việt Nam.
Trong kịch bản tịch cực, Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với Việt Nam giống như nhiệm kỳ trước, từ đó, xuất khẩu sẽ có lợi thế so với các nước khác. Ngoài ra, trong xu thế đứt gãy và chuyển dịch chuỗi cung ứng kéo dài từ dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam cũng có có thể đón nhận những đơn hàng mới cho xuất khẩu, cũng như dòng tiền đầu tư từ nước ngoài.
Kịch bản tiêu cực, nếu Trung Quốc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chính sách thuế, họ có thể sẽ tìm đường xuất khẩu sang các thị trường khác và sức ép cạnh tranh đối với hàng Việt Nam càng trở nên lớn hơn. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đặc biệt là nông sản có thể trở nên khó khăn hơn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ đang là vấn đề mà ngành rau quả quan tâm. Nếu cuộc xung đột này ảnh hưởng đến nền kinh tế của Trung Quốc, sức tiêu thụ của rau quả nhập khẩu tại thị trường này cũng sẽ ảnh hưởng. Thay vào đó, họ sẽ ưu tiên thụ hàng nội địa.
Còn đối với thị trường Mỹ, việc cước tàu tăng cao do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột địa chính chị và thương mại cũng vẫn là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả khi bán hàng sang các thị trường châu Âu, Mỹ.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ nhiều rau quả nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 67%.
Theo ông Hải để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cho năm 2025, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng chính sách đối ngoại và ký kết các hiệp định thương mại tự do mới. Bên cạnh đó, khối FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này.
“Khối FDI chiếm cơ cấu lớn trong xuất khẩu nhưng họ ít chịu tác động thị trường. Bởi, khi sang Việt Nam đầu tư họ đã có chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín tương đối tốt. Do vậy, ở một góc độ khác việc FDI chiếm tỷ trọng lớn sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định hơn trong trường hợp gặp biến cố. Còn nếu không gặp biến cố thì tăng trưởng rất tốt ở cả doanh nghiệp FDI và trong nước”, ông Hải nhận định.