Xuất khẩu lao động năm 2025: Những điều cần biết

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, những năm qua đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng dần hàng năm; chất lượng, tín nhiệm đối với lao động Việt Nam không ngừng được nâng cao. Vậy năm 2025 tình hình sẽ ra sao?

Công nhân Việt Nam trên công trường xây dựng ở Tokyo (Nhật Bản). Nguồn: Nikkei Asia,

Công nhân Việt Nam trên công trường xây dựng ở Tokyo (Nhật Bản). Nguồn: Nikkei Asia,

Thống kê của Bộ LĐTBXH, những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (năm 2023 là 159.986 lao động, năm 2024 hơn 158.000 lao động). Hiện có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau hàng năm mang về lượng kiều hối khoảng 4 tỷ USD.

Thêm nhiều quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) có nhiều điểm sáng, trong đó phải kể đến việc mở ra thị trường lao động nông nghiệp ở Úc cùng với việc thúc đẩy nhiều thị trường khác... Tuy nhiên, XKLĐ cũng tồn tại một số khó khăn. Trong đó, một số thị trường mới đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là các nước châu Âu như Đức, Áo… đều yêu cầu trình độ ngoại ngữ B1, B2 khung châu Âu. Nhật Bản cũng yêu cầu người lao động phải đạt trình độ tiếng Nhật nhất định...

Điểm mới về hoạt động XKLĐ năm 2025, ông Hoan cho biết, giữa tháng 1/2025, Việt Nam và Phần Lan đã ký Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ đi làm việc tại nước này.Tiếp theo, sẽ hướng đến ký Bản ghi nhớ với Ba Lan, Hy Lạp, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với Đức, trong đó có diễn đàn lao động Việt - Đức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông Hoan cũng cho biết sẽ tăng cường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời hướng tới đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Khi trở về, người lao động có thể tham gia vào thị trường lao động trong nước, hoặc làm việc với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Diệp - Đại sứ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), thị trường UAE rất tiềm năng đối với lao động Việt Nam. Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan đang triển khai nhiều giải pháp để trong thời gian tới được tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại UAE với số lượng càng nhiều càng tốt. Dự kiến trước mắt có thể đưa 10.000 lao động Việt Nam sang làm việc. UAE rất cần lao động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao, phần mềm, máy tính... UAE có những ưu đãi đặc biệt, trả lương rất cao. Với lao động chất lượng cao thì thu nhập có thể lên đến 200.000 USD/năm/người. Ngoài lương, lao động chất lượng cao cũng còn có những ưu đãi khác về y tế, cho con cái học hành, tiền nhà...

Tuy nhiên, đối với các lao động phổ thông, ví dụ như công nhân xây dựng thì thu nhập hạn chế. Ông Diệp cũng cho biết, phía Việt Nam đang đề nghị UAE tăng lương cho lao động phổ thông trong thời gian tới.

Cánh cửa rộng mở, nhưng không có chuyện “việc nhẹ, lương cao”

Cánh cửa đi lao động nước ngoài có thể nói là tiếp tục rộng mở trong năm 2025. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy có tình trạng nhiều doanh nghiệp XKLĐ cạnh tranh không lành mạnh, như thông tin về công việc, về lương không chính xác làm người lao động ảo tưởng thu nhập cao. Về vấn đề này Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan khẳng định không có việc giản đơn, đào tạo ngắn, không có ngoại ngữ lại được hưởng lương cao khi ra nước ngoài làm việc.

Tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” tổ chức cuối năm 2024, ông Hoan cho biết hiện cả nước có khoảng 450 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, sắp tới có thể lên con số 500 vì thị trường đang rộng mở. Tuy nhiên, nhức nhối nhất hiện nay là nhiều doanh nghiệp không có giấy phép, không có chức năng phái cử lao động nhưng vẫn quảng cáo tuyển dụng, nhận hồ sơ, thậm chí nhận tiền của người lao động rồi không thực hiện hợp đồng mà chuyển cho các đơn vị khác. Từ đó khiến thị trường nhiễu loạn, ảnh hưởng an ninh trật tự và làm tăng mức chi phí cho người lao động khi có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia lao động, một trong những vấn đề lớn nhất của lao động xuất khẩu Việt Nam là thiếu hụt trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Mặc dù có sự nỗ lực trong công việc, nhiều lao động vẫn chưa có đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường lao động quốc tế. Các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao như kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ khí… thì số lượng lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này còn rất ít. Điều này khiến cho lao động Việt Nam chủ yếu bị giới hạn trong các công việc phổ thông, có mức thu nhập thấp hơn và ít cơ hội thăng tiến.

Ngăn chặn tình trạng đưa người lao động đi làm việc trái phép ở nước ngoài

Năm 2025, theo Bộ LĐTBXH, hoạt động XKLĐ dự báo sẽ rất sôi động khi các hoạt động hợp tác về lao động việc làm giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu sắc. Cùng với ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, việc phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam sẽ được đẩy mạnh. Vì thế các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Đảm bảo tất cả người lao động đều được giáo dục định hướng theo quy định về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động. Đặc biệt, tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp.

Vụ việc 150 lao động Việt Nam tại Nhật Bản bị Công ty Nexcel (tỉnh Aichi, Nhật Bản) nợ lương gây xôn xao thời gian qua tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài làm việc không phù hợp với quy định của pháp luật. Đáng chú ý, Công ty Nexcel là dạng doanh nghiệp làm dịch vụ cung ứng nhân lực ngoài (còn gọi là haken) "bắt tay" với các doanh nghiệp tại Việt Nam đưa người lao động sang Nhật Bản rồi cho thuê lại.

Đây cũng chỉ là một trong những trường hợp “rủi ro” đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài. Vì thế, cùng với cảnh báo của Bộ LĐTBXH, Sở LĐTBXH Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đề nghị UBND thành phố, Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan tại địa phương thông tin, tuyên truyền, cảnh báo cho người lao động trước các thông tin giả mạo về XKLĐ.

Văn bản nhấn mạnh: Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) là đơn vị duy nhất được Bộ LĐTBXH giao thực hiện các chương trình phi lợi nhuận đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như: đi làm việc tại Hàn Quốc (chương trình EPS), hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc (chương trình VLMA), đào tạo thực tập kỹ thuật cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản (chương trình IM Japan), thực tập sinh hộ lý Nhật Bản...

Sở LĐTBXH Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chính quyền quận, huyện và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng đưa người lao động đi làm việc trái phép ở nước ngoài; tuyên truyền người dân cảnh giác với các lời mời chào, dụ dỗ đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao; khuyến cáo người lao động tìm hiểu thông tin chính thống, không tin vào cá nhân, tổ chức không có giấy phép hoạt động dịch vụ XKLĐ.

Bên cạnh đó, khuyến khích người dân khi phát hiện các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cho cơ quan công an địa phương.

Cũng cần nhắc lại, cuối tháng 10/2024, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, chỉ trong tháng 10/2024, cơ quan này đã xử phạt hành chính nhiều doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ. Các hành vi vi phạm này chủ yếu liên quan đến việc không tuân thủ đúng quy định về hợp đồng và các yêu cầu về báo cáo tài chính.

Người đi xuất khẩu lao động có được hưởng lương hưu không?

Đó là vấn đề đươc nhiều người XKLĐ quan tâm. Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 và Luật BHXH năm 2024 đều quy định người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác). Đáng chú ý, Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung quy định tính cộng gộp thời gian tham gia BHXH cả ở Việt Nam và nước ngoài cho người lao động; bổ sung quy định tính lương hưu tương ứng với mỗi năm đóng BHXH để làm cơ sở ghi nhận tính cộng gộp thời gian tham gia BHXH cả ở Việt Nam và nước ngoài cho người lao động. Từ đó, người lao động dù ra nước ngoài làm việc cũng có nhiều cơ hội hưởng lương hưu hơn.

Ví dụ: Theo Thỏa thuận hành chính thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về BHXH, trường hợp người lao động đã có 10 năm tham gia BHXH tại Việt Nam, khi sang Hàn Quốc đóng BHXH thêm 5 năm thì có tổng cộng 15 năm đóng bảo hiểm. Khi đó, tới tuổi nghỉ hưu thì người lao động cũng được hưởng lương theo quy định mới. Nói tóm lại, người lao động sang Hàn Quốc XKLĐ sẽ được tính cộng gộp thời gian tham gia BHXH ở cả Việt Nam và Hàn Quốc để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí.

MIÊN THẢO

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xuat-khau-lao-dong-nam-2025-nhung-dieu-can-biet-10299581.html
Zalo