Siết chặt quản lý chất lượng sầu riêng để xuất khẩu
Ngày 10/2, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của các nước nhập khẩu loại mặt hàng này.
Tỉnh Lâm Đồng có trên 20.000ha sầu riêng, trong đó có 9.121ha ở giai đoạn kinh doanh, sản lượng đạt hơn 140.000 tấn. Diện tích sầu riêng ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đạt trên 7.000ha, chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 500ha. Thị trường tiêu thụ sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng phần lớn là nội địa, ăn tươi, chiếm gần 90% tổng sản lượng.
Gần đây, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang chế biến sản phẩm bóc múi và đóng gói đông lạnh hướng tới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã cấp 114 vùng trồng sầu riêng và 13 cơ sở đóng gói sầu riêng.
![Tỉnh Lâm Đồng siết chặt quản lý chất lượng sầu riêng để đảm bảo xuất khẩu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_5_51436906/6c9b28b713f9faa7a3e8.jpg)
Tỉnh Lâm Đồng siết chặt quản lý chất lượng sầu riêng để đảm bảo xuất khẩu.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo ông Võ Hữu Long, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Long Thủy (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm), một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc cho biết, các quy định từ phía Trung Quốc về sầu riêng ngày càng khắt khe. Cuối năm 2024, Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cả nước phải có thêm giấy kiểm định chất vàng O.
Điều này đòi hỏi người trồng, kinh doanh sầu riêng tăng cường tuân thủ các quy định từ khâu chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, kiểm định... để nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các đối tác.
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã mở các đợt tập huấn về quy trình thiết lập, cấp mã số vùng trồng, giám sát, duy trì các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp cho người trồng và kinh doanh sầu riêng.