Doanh nghiệp phá sản, ưu tiên thanh toán khoản nợ lương hay bảo hiểm trước cho người lao động?

Chuyên gia nhận định lương là nguồn thu nhập chính để người lao động duy trì cuộc sống; do đó khi doanh nghiệp phá sản cần ưu tiên khoản nợ lương thay vì BHXH, BHYT.

Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đang chủ trì việc sửa đổi Luật Phá sản 2014. Sau hai lần dự thảo, TANDTC cho biết hiện dự luật vẫn còn nhiều vấn đề có đa ý kiến, trong đó có thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản liên quan đến người lao động (NLĐ).

Theo Điều 43 dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, thứ tự phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản có sự thay đổi so với quy định hiện hành; thay đổi này hiện đang có hai phương án.

 Các chuyên gia cho rằng khi doanh nghiệp phá sản cần ưu tiên khoản nợ lương thay vì BHXH, BHYT. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Các chuyên gia cho rằng khi doanh nghiệp phá sản cần ưu tiên khoản nợ lương thay vì BHXH, BHYT. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Cụ thể, thứ tự phương án 1 được sắp xếp như sau: khoản nợ lương; khoản nợ BHXH, BHYT; khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của NLĐ…

Phương án 2: Khoản nợ BHXH, BHYT; Khoản nợ lương; Khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của NLĐ…

Trong khi đó, theo Điều 54 Luật Phá sản 2014, thứ tự phân chia như sau: Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với NLĐ, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.

Như vậy, dự thảo đã thay đổi thứ tự phân chia tài sản, ưu tiên khoản nợ lương, BHXH, BHYT hơn trợ cấp thôi việc; tuy nhiên vẫn chưa thể xác định ưu tiên khoản nợ lương trước hay BHXH, BHYT trước cho NLĐ.

Vì sao có 2 phương án?

Trong Tờ trình về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), TANDTC đã giải thích rõ việc phân chia tài sản theo thứ tự này.

Tùy hoàn cảnh của người lao động mà quyết định thứ tự phân chia?

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Hồng Tiên (ngụ TP Thủ Đức) cho biết từ trước đến nay chị chưa từng gặp doanh nghiệp phá sản, tuy nhiên theo chị khi doanh nghiệp phá sản thì quyền lợi của NLĐ phải được đảm bảo, nhất là vấn đề lương.

“Theo tôi, vấn đề lương cần được ưu tiên giải quyết bởi đó là nguồn thu mà mỗi tháng đã được sắp xếp cho những khoản chi cố định. Khi thiếu hụt khoản lương mà hằng tháng vẫn được nhận, tôi sẽ gặp khó trong vấn đề chi tiêu; còn vấn đề BHXH, BHYT có thể tính sau vẫn được” - chị Tiên nói

Khác ý kiến với chị Tiên, chị Lâm Thị Thanh Tiền cho rằng tùy thuộc vào hoàn cảnh của NLĐ mà quyết định thứ tự phân chia tài sản khi doanh nghiệp phá sản.

“Thực tế lương là yếu tố quan trọng, cần thiết nhất, nhưng theo tôi đối với những thai phụ thì BHXH, BHYT lại quan trọng hơn. Do đó, cần phải cần nhắc thật kỹ để NLĐ không phải chịu thiệt” - chị Tiền nêu ý kiến.

Theo đó, căn cứ Điều 54 Luật Phá sản hiện hành thì các khoản nợ liên quan đến quyền lợi của NLĐ được xếp thành một nhóm và được ưu tiên thanh toán sau chi phí phá sản.

Quá trình xây dựng dự thảo Luật, các ý kiến đều nhất trí bổ sung khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán thành một nhóm riêng.

Tuy nhiên, về thứ tự thanh toán các khoản nợ thuộc nhóm quyền lợi của NLĐ còn có ý kiến khác nhau như sau:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần sửa đổi thứ tự ưu tiên thanh toán theo hướng tách khoản nợ lương và khoản nợ BHXH, BHYT thành 2 nhóm. Trong đó, ưu tiên thanh toán khoản nợ lương của NLĐ trước khoản nợ BHXH, BHYT; cuối cùng là khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động. Bởi các lẽ sau:

Lương là khoản tiền nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của NLĐ và gia đình; khoản nợ BHXH, BHYT là đóng cho Nhà nước và người được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm là NLĐ. Do đó, việc chi trả khoản nợ lương trước tiên cũng sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của NLĐ.

Lương là khoản nợ trực tiếp, đầu tiên của người sử dụng lao động đối với tất cả NLĐ. Các khoản bảo hiểm và chế độ, chính sách khác có thể có NLĐ đang cần đến nhưng không phải tất cả NLĐ đều đang cần được đáp ứng ngay.

Pháp luật kinh doanh bảo hiểm quy định các chế độ bảo hiểm của NLĐ sẽ được chốt sổ và hưởng theo mức đã đóng; trường hợp sau khi chi trả tiền lương cho tất cả NLĐ thì các khoản nợ bảo hiểm và chế độ chính sách khác cũng sẽ được chi trả.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần sửa đổi thứ tự ưu tiên thanh toán theo hướng ưu tiên thanh toán khoản nợ BHXH, BHYT; sau đó là khoản nợ lương và cuối cùng là khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động. Bởi các lẽ sau:

Khoản nợ BHXH, BHYT là nộp cho Nhà nước nhưng NLĐ được hưởng các quyền lợi về BHXH, BHYT (gồm các chế độ: thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động...).

Các chế độ bảo hiểm thường giải quyết cho nhu cầu cấp bách liên quan tính mạng, sức khỏe nên cần được cân nhắc ưu tiên thanh toán trước.

 Nhiều quốc gia hiện nay đều có chính sách ưu tiên thanh toán các khoản lương, BHXH và BHYT khi doanh nghiệp phá sản. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ, đảm bảo họ được thanh toán trước các khoản nợ thiết yếu. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Nhiều quốc gia hiện nay đều có chính sách ưu tiên thanh toán các khoản lương, BHXH và BHYT khi doanh nghiệp phá sản. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ, đảm bảo họ được thanh toán trước các khoản nợ thiết yếu. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Cần ưu tiên khoản nợ lương

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Viện Social Life), cho biết dưới góc độ xã hội học, đặc biệt là nghiên cứu về ngưỡng sinh tồn của NLĐ, ông nghiêng về phương án ưu tiên thanh toán khoản nợ lương trước.

Bởi, nghiên cứu của ông cho thấy, với đặc điểm của lao động phổ thông tại Việt Nam, phần lớn đang sống theo kiểu "thu nhập tháng nào chi tiêu tháng đó". Khi doanh nghiệp phá sản, việc mất đi nguồn thu nhập đột ngột sẽ tác động trực tiếp đến ngưỡng sinh tồn tối thiểu của họ và gia đình.

“Trong khi đó, BHXH hay BHYT tuy quan trọng nhưng về bản chất là các chế độ an sinh mang tính dự phòng, có thể giãn thời gian thực hiện. Thực tế khảo sát của chúng tôi cho thấy, khi rơi vào tình huống khủng hoảng như doanh nghiệp phá sản, nhu cầu cấp thiết nhất của NLĐ là có tiền mặt để trang trải cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới” - TS Nguyễn Đức Lộc cho hay.

Cũng theo TS Lộc, việc xếp trợ cấp thôi việc sau lương và BHXH là hợp lý trong logic thứ tự ưu tiên. Bởi đây là khoản tiền một lần, có tính chất bổ sung, không phải là nguồn thu nhập thường xuyên để duy trì cuộc sống như tiền lương.

Ngoài việc sắp xếp thứ tự ưu tiên, theo TS Lộc thì cần có cơ chế để đảm bảo quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng. Thời gian chờ đợi kéo dài có thể đẩy nhiều gia đình lao động vào tình trạng khó khăn chồng chất.

“Đáng chú ý, kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy việc thành lập quỹ bảo hiểm tiền lương khi doanh nghiệp phá sản là một giải pháp hiệu quả. Đây là vấn đề mà Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng để tăng cường bảo vệ NLĐ trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động” - TS Nguyễn Đức Lộc nói.

Cùng quan điểm với TS Nguyễn Đức Lộc, ThS Đinh Văn Mãi, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, cho biết dự thảo đưa ra hai phương án đều được cân nhắc dựa trên nhiều cơ sở khác nhau. Dưới góc độ lợi ích trực tiếp của NLĐ, đồng thời xem xét tính thực tế của cuộc sống, ông Mãi cũng cho rằng cần ưu tiên thanh toán nợ lương trước BHXH, BHYT.

Ths Đinh Văn Mãi chỉ ra ba lý do để cân nhắc: Một là, lương là nguồn thu nhập trực tiếp hàng tháng của NLĐ, giúp NLĐ và gia đình duy trì cuộc sống. Khi doanh nghiệp phá sản, NLĐ mất việc, nếu không có lương, họ và gia đình sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn ngay lập tức, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Lý do thứ hai, tiền lương là nghĩa vụ trực tiếp của doanh nghiệp với NLĐ được cam kết trong hợp đồng lao động. Trong khi, BHXH, BHYT liên quan đến cơ quan bảo hiểm và quản lý của Nhà nước. Để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, chính sách BHXH có thể được Nhà nước xem xét điều chỉnh sau khi doanh nghiệp thanh toán nợ lương.

Thứ ba, BHXH, BHYT mang tính dài hạn, không cấp bách như tiền lương nếu như NLĐ chưa đủ tuổi để hưởng chế độ hay không có nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, BHXH, BHYT có thể chậm thanh toán hơn so với chậm trả lương.

Không nên đẩy trợ cấp thôi việc quá thấp

Nếu chọn phương án 1, ưu tiên khoản nợ lương trước, dự thảo cần xác định rõ thời gian giải quyết BHXH, BHYT tối đa bao lâu nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài của NLĐ.

Thạc sĩ ĐINH VĂN MÃI

BHXH, BHYT bảo vệ quyền lợi lâu dài cho NLĐ, giúp NLĐ chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT cũng như tiếp tục nhận các chế độ thai sản, hưu trí, tai nạn lao động,…

Việc sắp xếp trợ cấp thôi việc sau khoản nợ lương, BHXH, BHYT có thể hợp lý trong bối cảnh ưu tiên giải quyết các nhu cầu cấp bách.

Trợ cấp thôi việc là điều cần thiết phải thực hiện cho NLĐ dù không cấp thiết ngay như tiền lương. Nếu trợ cấp thôi việc bị đẩy xuống quá thấp trong thứ tự ưu tiên có thể gây thiệt thòi cho NLĐ khi doanh nghiệp không còn đủ tài sản để chi trả.

Vì vậy, cần xác định rõ cơ chế đảm bảo trợ cấp thôi việc không bị bỏ sót hoặc trì hoãn quá lâu cũng như xem xét cơ chế hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo trợ cấp thôi việc không bị mất khi doanh nghiệp phá sản mà không đủ tài sản thanh toán.

ThS ĐINH VĂN MÃI, giảng viên Trường Đại học Văn Lang

Cần bảo vệ quyền lợi trước mắt và trực tiếp của NLĐ

Lương là nguồn thu nhập chính để NLĐ duy trì cuộc sống. Đây không chỉ là quyền lợi, mà còn là điều kiện tiên quyết trong quan hệ lao động, bởi lương chính là cơ sở để tính các khoản bảo hiểm.

Luật sư VŨ DUY NAM

Hơn nữa, theo khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, khi hợp đồng lao động chấm dứt do doanh nghiệp phá sản, tiền lương luôn được ưu tiên thanh toán trước các khoản bảo hiểm và trợ cấp khác. Điều này thể hiện rõ nguyên tắc bảo vệ quyền lợi trước mắt và trực tiếp của NLĐ.

Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi có điều chỉnh thứ tự phân chia tài sản, trong đó xếp trợ cấp thôi việc sau các khoản nợ lương, BHXH và BHYT. Đây là một thay đổi hợp lý, đảm bảo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi thiết yếu của NLĐ.

Trợ cấp thôi việc là quyền lợi của NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động, nhằm hỗ trợ họ trong quá trình tìm việc mới. Tuy nhiên, khoản này không mang tính thiết yếu và khẩn cấp như lương hay bảo hiểm, bởi nó chỉ phát sinh khi NLĐ đã rời khỏi doanh nghiệp.

Mặt khác, không phải ai cũng được hưởng trợ cấp thôi việc. Theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020, chỉ những trường hợp đáp ứng điều kiện nhất định mới được nhận khoản này, chẳng hạn như khi NLĐ không tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Điều này càng khẳng định trợ cấp thôi việc không phải là nhu cầu cấp bách so với lương, BHXH và BHYT.

Luật sư VŨ DUY NAM, Đoàn Luật sư TP.HCM

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-pha-san-uu-tien-thanh-toan-khoan-no-luong-hay-bao-hiem-truoc-cho-nguoi-lao-dong-post832934.html
Zalo