Xuất khẩu kỷ lục, ngành gỗ vẫn chật vật duy trì lợi nhuận
Dù kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở mức ấn tượng, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn chật vật với bài toán lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh trong năm 2024.
Bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, ngành lâm nghiệp Việt Nam vẫn ghi nhận kim ngạch xuất khẩu ấn tượng trong năm 2024. Theo Cục Lâm nghiệp, tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước tính đạt mức cao nhất từ trước đến nay, lên tới 17,3 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chiếm phần lớn với 16,3 tỷ USD, còn lại là 1 tỷ USD từ lâm sản ngoài gỗ. Nhờ đó, giá trị xuất siêu toàn ngành đạt khoảng 14,4 tỷ USD, khẳng định vai trò quan trọng của ngành lâm nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam.

Dù kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở mức ấn tượng, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn chật vật với bài toán lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh trong năm 2024.
Dù đạt kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu, nhưng thực tế, không phải doanh nghiệp nào trong ngành cũng hưởng lợi từ xu hướng này, nhiều công ty trong ngành vẫn đang chật vật với bài toán lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Không ít doanh nghiệp vì vậy mà buộc phải tối ưu hóa chi phí, tái cơ cấu bộ máy hoặc chuyển hướng đầu tư để thoát lỗ.
TTF, Vinafor ngược dòng nhờ đâu?
Trong bối cảnh ngành gỗ đối mặt với nhiều thách thức, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang có sự phân hóa rõ nét. Nếu như Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) vừa thoát lỗ nhờ lãi chứng khoán và thanh lý đầu tư, thì Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần (Vinafor; HNX: VIF) lại đảo chiều lợi nhuận, bất chấp doanh thu suy giảm.
Tại Gỗ Trường Thành, doanh thu thuần trong quý IV/2024 giảm mạnh 36,8% xuống còn 288,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp đáng kể từ 21% xuống 2%, kéo lợi nhuận gộp giảm tới 93%, chỉ còn 6,32 tỷ đồng.
Dù hoạt động kinh doanh suy giảm, doanh thu tài chính lại tăng đột biến gần 18 lần lên 81,1 tỷ đồng nhờ lãi từ chứng khoán và thanh lý đầu tư. Khoản lợi nhuận khác cũng được cải thiện đáng kể, đạt 6,58 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 78 tỷ đồng.
Nhờ đó, Gỗ Trường Thành đã thoát lỗ và báo lãi 39 tỷ đồng trong quý IV/2024, đánh dấu sự cải thiện rõ rệt so với mức lỗ 90,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần của Gỗ Trường Thành đạt 1.224 tỷ đồng, giảm 21%. Lợi nhuận sau thuế đạt 12,5 tỷ đồng, chuyển từ lỗ sang có lãi so với khoản lỗ 133,6 tỷ đồng năm trước.
Tương tự Vinafor cũng ghi nhận tình hình kinh doanh cải thiện, dù doanh thu sụt giảm. Theo đó, năm 2024, Vinafor ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.600 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lợi nhuận gộp suy giảm còn 245 tỷ đồng, công ty vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ từ hoạt động liên doanh, liên kết.
Đáng chú ý, khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết đạt 297 tỷ đồng, tăng tới 70% so với năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của Vinafor đảo chiều tăng 30%, đạt 358 tỷ đồng, giúp công ty hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đề ra trong năm 2024.
Đóng cửa chi nhánh để tái cơ cấu
Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với mức tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Cụ thể, quý IV/2024, Phú Tài ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.936 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá vốn hàng bán có xu hướng tăng, lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 310 tỷ đồng, cao hơn 9% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ các chi phí, Phú Tài báo lãi 93 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần kết quả của quý IV/2023.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính là khoản thu nhập khác tăng đột biến. Riêng trong quý IV/2024, khoản này đạt 114 tỷ đồng, cao gấp 16 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, thu nhập khác của Phú Tài lên tới 124 tỷ đồng, cao gấp 6 lần năm 2023.
Lý giải về sự tăng trưởng này, Phú Tài cho biết sản lượng tiêu thụ ở hai ngành chủ lực – đá và gỗ – tăng mạnh trong quý cuối năm, cùng với lợi thế từ chi phí tài chính giảm và chênh lệch tỷ giá ngoại tệ. Ngoài ra, kết quả quý IV/2023 từng bị ảnh hưởng tiêu cực do trích lập dự phòng công nợ khó đòi liên quan đến khách hàng Noble House Home Furnishings LLC, khiến nền lợi nhuận thấp hơn đáng kể.
Tính lũy kế cả năm 2024, Phú Tài đạt doanh thu hợp nhất 6.466 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 472 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 379 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với năm 2023.

Sau khi đóng cửa các chi nhánh tại Khánh Hòa, Đắk Nông, Phú Tài tiếp tục tái cơ cấu với quyết định chấm dứt hoạt động nhà máy tại Bình Định trong tháng 2/2025.
Không chỉ mở rộng quy mô tiêu thụ, Phú Tài còn chủ động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh bằng cách dừng hoạt động một số chi nhánh và nhà máy gỗ. Đáng nói là một doanh nghiệp gỗ lớn khác là Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (HoSE: ACG) cũng có những điều chỉnh tương tự. Tuy nhiên, trái ngược với Phú Tài, Gỗ An Cường lại đối mặt với nhiều thách thức trong quý IV/2024.
Theo đó, doanh thu trong quý IV/2024 của Gỗ An Cường đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại sụt giảm mạnh, chỉ đạt 90 tỷ đồng, giảm tới 44%.
Nguyên nhân chính là doanh thu tài chính giảm 32%, chỉ còn 34 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 3 lần, chạm mức 164 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng vẫn neo ở mức cao, gây áp lực lên lợi nhuận.
Dù quý cuối năm gặp khó khăn, tính chung cả năm 2024, Gỗ An Cường vẫn ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ. Tổng doanh thu đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước, trong khi lợi nhuận ròng đạt 420 tỷ đồng, nhích nhẹ 2%.