Sự liên kết chặt chẽ của kinh tế Nga với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ

Sau xung đột Ukraine, Nga mất 35% thị phần xuất khẩu sang châu Âu, nay phụ thuộc 49,5% vào Trung Quốc, Ấn Độ.

Thế giới đã thay đổi kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2/2022. Với Moscow, sự thay đổi rõ rệt nhất có lẽ nằm ở các dòng chảy thương mại và mức độ phụ thuộc ngày càng lớn vào Trung Quốc.

 Quốc kỳ của các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, … từ trái qua phải, Ảnh: Getty

Quốc kỳ của các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, … từ trái qua phải, Ảnh: Getty

Trong ba năm kể từ khi xung đột nổ ra, bức tranh kinh tế của Nga có sự biến chuyển mạnh mẽ, đặc biệt là trong quan hệ thương mại với thế giới. Theo dữ liệu từ tổ chức Observatory of Economic Complexity (OEC), năm 2021, gần 50% kim ngạch xuất khẩu của Nga hướng đến các nước châu Âu, bao gồm cả Belarus và Ukraine. Phần lớn trong số này là dầu thô và khí đốt.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, chỉ chưa đầy hai năm sau khi chiến sự bắt đầu, cục diện đã hoàn toàn thay đổi.

Dữ liệu từ OEC cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ đã vươn lên trở thành hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nga, chiếm lần lượt 32,7% và 16,8% tổng kim ngạch tức một nửa tổng xuất khẩu. Trước đó, vào năm 2021, Trung Quốc chỉ chiếm 14,6% trong khi Ấn Độ đóng góp vỏn vẹn 1,56%.

Thực tế này phản ánh sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường châu Âu. Nếu như năm 2021, gần một nửa hàng xuất khẩu của Nga hướng về châu Âu, thì đến năm 2023, con số này chỉ còn khoảng 15%. OEC chưa công bố số liệu cho năm 2024, nhưng các báo cáo từ nhiều tổ chức khác, bao gồm nhóm nghiên cứu Bruegel tại Brussels, cho thấy xu hướng này vẫn tiếp tục.

Những thống kê trên chủ yếu dựa vào dữ liệu chính thức, trong khi một phần đáng kể dầu mỏ của Nga được vận chuyển thông qua cái gọi là "hạm đội bóng tối" gồm các tàu cũ không có bảo hiểm tiêu chuẩn từ phương Tây.

Nếu tính cả lượng dầu trên, nhiều khả năng thị phần của Trung Quốc và Ấn Độ trong xuất khẩu của Nga sẽ còn cao hơn. Theo Trường Kinh tế Kyiv, khoảng 70% dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga hiện nay nằm trong danh mục này, với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm tới 95% lượng mua.

Xu hướng dịch chuyển từ Tây sang Đông

Sự thay đổi trong dòng chảy thương mại của Nga sau năm 2022 có thể được lý giải bởi hai yếu tố chính: Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm mạnh nhập khẩu dầu khí Nga, và Trung Quốc cùng Ấn Độ nhanh chóng thay thế khoảng trống này.

Cụ thể, EU đã giảm tới 90% lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga kể từ khi chiến sự bắt đầu, đồng thời thu hẹp đáng kể tỷ trọng khí đốt Nga trong tổng nguồn cung - từ 40% vào năm 2021 xuống còn 15% vào năm 2024.

"Đã có một sự chuyển hướng lớn trong thương mại của Nga, từ phương Tây sang các quốc gia này Zsolt Darvas, nhà nghiên cứu thuộc Bruegel, nhận định trên Deutsche Welle (DW).

Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia khác không áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga cũng gia tăng thương mại với Moscow, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Hungary. Theo số liệu của OEC, xuất khẩu của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 4,18% năm 2021 lên 7,86% vào năm 2023, trong khi Kazakhstan và Hungary cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhất định.

Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc

Sự thay đổi quan trọng nhất trong quan hệ thương mại của Nga chính là mối liên kết ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn địa chính trị.

"Giờ đây, Nga giống như một nước chư hầu của Trung Quốc", Elina Ribakova, chuyên gia kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) ở Washington D.C., nhận định trên DW.

Bà cho rằng sự mất cân bằng trong thương mại Nga - Trung khiến Bắc Kinh nắm giữ đòn bẩy lớn đối với Moscow. "Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, nhưng ở chiều ngược lại, Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong thương mại của Trung Quốc", Ribakova phân tích.

Dữ liệu từ OEC cho thấy, năm 2023, Trung Quốc cung cấp đến 53% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nga, tăng mạnh so với mức 25,7% vào năm 2021. Các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và UAE cũng gia tăng xuất khẩu sang Nga, nhưng không đáng kể so với Trung Quốc. Trong khi đó, thị phần hàng hóa châu Âu tại Nga sụt giảm nghiêm trọng, nếu như năm 2021, EU và Anh chiếm hơn một phần ba nhập khẩu của Nga, thì đến cuối năm 2023, con số này chỉ còn dưới 20%.

Trung Quốc cung cấp nhiều loại hàng hóa quan trọng cho Nga, từ thiết bị máy móc (chiếm 38% tổng giá trị hàng xuất khẩu sang Nga, tương đương 110 tỷ USD vào năm 2023) đến phương tiện giao thông như ô tô, xe tải, máy kéo và linh kiện (chiếm 21%). Ngoài ra, Bắc Kinh còn xuất khẩu một lượng lớn kim loại, nhựa, hóa chất và dệt may sang Moscow.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Trung Quốc không chỉ bán sản phẩm của mình mà còn đóng vai trò trung gian trong việc cung ứng linh kiện, công nghệ từ phương Tây cho Nga, đặc biệt là các mặt hàng lưỡng dụng có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Thế giới mới, thách thức mới

Dù đã thích nghi với bối cảnh thương mại mới, Nga không nhất thiết có lợi thế hơn trước.

Theo chuyên gia Zsolt Darvas, nền kinh tế Nga đang "cầm cự" nhưng chất lượng hàng hóa nhập khẩu đã giảm sút đáng kể so với trước đây, điều này có thể tác động tiêu cực trong dài hạn.

Trong khi đó, Ribakova nhận định nền kinh tế Nga chưa rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng như một số người từng lo ngại, nhưng sự thay đổi trong thương mại phản ánh mong muốn của Moscow trong việc thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực.

"Đối với Tổng thống Vladimir Putin, đây có lẽ là một sự dịch chuyển phù hợp với định hướng của ông ấy – một thế giới đa cực, nơi Nga liên kết với Trung Quốc và các đối tác khác. Có thể Moscow chấp nhận trả giá về kinh tế để duy trì chiến lược này", Ribakova đánh giá.

Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc có thể khiến Nga dễ bị tổn thương trong tương lai. "Trung Quốc giống như \'người gác cổng\' của thương mại Nga, nhưng đối với Bắc Kinh, Nga chỉ là một đối tác chiến lược chứ không phải là một đồng minh không thể thay thế", Ribakova kết luận.

Dũng Phan (Theo Deutsche Welle)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/su-lien-ket-chat-che-cua-kinh-te-nga-voi-trung-quoc-an-do-va-tho-nhi-ky-post335599.html
Zalo