Xuất khẩu kỷ lục hơn 400 tỷ USD, Bộ Công Thương muốn 'thừa thắng xông lên'
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm nay vượt mốc kỷ lục hơn 400 tỷ USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi, Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2025 xuất khẩu tăng trên 10-12% và xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, năm nay xuất khẩu của nước ta đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm ngoái; nhập khẩu đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3%. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15%.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Cả năm nay, xuất siêu đạt 24,1 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế
Đáng chú ý, hầu hết các thị trường xuất khẩu đều tăng trưởng tốt như ASEAN, châu Âu, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ. Xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều đạt tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khi vẫn tập trung đa phần vào một số thị trường lớn, các thị trường này có khả năng thay đổi chính sách hoặc ảnh hưởng biến động kinh tế, đòi hỏi phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn để duy trì kim ngạch cao.
Đặc biệt, hiện các thị trường đều yêu cầu sản xuất xanh và truy xuất nguồn gốc từ các thị trường quốc tế ngày càng tăng cao, trong khi không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị.
Về mục tiêu năm 2025, Cục Xuất nhập khẩu đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10-12% so với năm 2024 và cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA để đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Đồng thời, việc đầu tư vào công nghệ và hạ tầng logistics là điều kiện tiên quyết để nâng cao sức cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, để đạt được mục tiêu trên cần ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khuyến khích triển khai các kênh thương mại điện tử theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).
Các cơ quan Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, địa phương mở rộng hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như hợp tác chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng qua biên giới.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị phải có sự kết nối với các đơn vị trong Bộ, thông qua các kênh, trong đó xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, hoạt động xúc tiến thương mại cũng phải đổi mới, hoạt động logistics thông suốt, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển và thúc đẩy xuất khẩu.