Thoát cảnh nợ tín dụng nhờ lần đầu có thưởng Tết
Dù đã đi làm nhiều năm, một số nhân sự tại TP.HCM và Hà Nội vẫn chưa từng nhận lương tháng 13 và thưởng Tết, cho đến cuối năm nay.
3 năm đi làm nhưng 0 đồng thưởng Tết là tình huống mà Quỳnh Chi (25 tuổi, quận 3, TP.HCM) gặp phải. Năm đầu sau khi ra trường, Chi công tác với vai trò thực tập sinh, chưa nhận được khoản phúc lợi tài chính này.
Đến năm thứ 2, cô quyết định nghỉ việc trước Tết do bất đồng với sếp, chán nản trước môi trường làm việc độc hại. Năm ngoái, nhân viên văn phòng này lại nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của doanh nghiệp, phải ra đi tay trắng dù đã cống hiến cả năm.
“Nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ nhận khoản thưởng Tết đầu tiên vào kỳ lương cuối cùng của năm nay. Tuy chưa biết nhận được bao nhiêu, tôi vẫn rất háo hức, đang lên kế hoạch chi tiêu món tiền này”, Chi nói.
Nhiều địa phương đã công bố mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong đó, tiền thưởng Tết bình quân ở TP.HCM khoảng 12,7 triệu đồng/người, tăng 3,3% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (12,3 triệu đồng/người). Thông tin được Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP.HCM tổng hợp từ 1.570 doanh nghiệp (sử dụng 310.444 lao động) trên địa bàn thành phố đến ngày 20/12.
Quỳnh Chi không phải trường hợp cá biệt. Nhiều nhân sự cũng cho biết chuẩn bị hưởng lương tháng 13 và thưởng Tết đầu tiên, dù đã đi làm nhiều năm.
Trong khi một số thường “nhảy” việc dịp cuối năm, nhiều người khác lại chuyển đổi từ freelancer sang nhân viên văn phòng, lần đầu thoát cảnh “tự do nhưng tự lo”.
Lần đầu được thưởng Tết
Khác với Quỳnh Chi, Trang Nhung (25 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm công việc thiết kế tự do từ khi ra trường đến năm nay. Bắt đầu nhận các dự án cá nhân trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, cô quen dần với môi trường tự do, thời gian linh động.
Song, công việc freelance của Nhung ngày càng khó khăn. Khi kinh tế ảm đạm, khách hàng hạn chế thuê ngoài, thu nhập của cô trở nên bấp bênh, thiếu ổn định.
Hơn nữa, freelancer cũng phải đối mặt với nỗi lo lớn như thiếu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và thưởng Tết.
“Khi mới tốt nghiệp, tôi không có nhiều khoản phải tiêu vào dịp lễ Tết. Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi cần chi trả cho quà cáp, lì xì, đặc biệt cần phúc lợi tài chính như nhân viên văn phòng”, Nhung chia sẻ.
Không chỉ thiếu lương tháng 13, thưởng cuối năm, cô còn từng chịu cảnh khó thu hồi các khoản thanh toán từ khách hàng dịp lễ Tết. Vì vậy, Trang Nhung quyết định ứng tuyển vào một doanh nghiệp truyền thông trong năm nay, gắn bó với vị trí nhân viên thiết kế từ tháng 1.
Sau một năm làm việc tại văn phòng, cô thừa nhận không còn tự do, nhưng cũng bớt tự lo. Cụ thể, năm nay Nhung lần đầu nhận 3 tháng thưởng Tết, đang nóng lòng chờ đợi khoản tiền này.
“Tôi cảm thấy như thành công tiết kiệm một khoản lớn, nhận được vào cuối năm”, Trang Nhung hào hứng nói.
Tương tự, Hồng Phúc (23 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng nhận lương tháng 13 và thưởng cuối năm lần đầu vào Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Phúc bắt đầu đi làm từ năm 20 tuổi, nhưng luôn nhận công việc bán thời gian hoặc làm ở vị trí cộng tác viên để hoàn thành chương trình đại học.
Do đó, anh chưa từng cảm nhận sự háo hức, niềm vui sướng khi nhận thông báo thưởng Tết từ công ty. Các năm trước, thấy đồng nghiệp bàn bạc về phúc lợi tài chính này, hào hứng chờ đợi đến kỳ lương cuối, Hồng Phúc cảm thấy tương đối lạc lõng.
Năm nay, khi đã ký hợp đồng lao động chính thức, anh lọt vào danh sách hưởng lương tháng 13 và 1-2 tháng thưởng thêm.
“Đối với tôi, đây là điều đáng mong chờ sau một năm cống hiến, gia tăng động lực tiếp tục gắn bó. Dù gì, lương thưởng vẫn là phúc lợi quan trọng nhất”, Phúc chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Làm gì với khoản thưởng Tết đầu tiên?
Trong năm đầu cầm thưởng Tết, Hồng Phúc dự định gửi một khoản về quê cho bố mẹ sắm sửa, trang hoàng nhà cửa. Bên cạnh đó, anh cũng tự thưởng cho bản thân một món quà sau cả năm nỗ lực làm việc.
Cụ thể, Phúc lên kế hoạch “độ” hệ thống máy tính tại gia, nhằm phục vụ mục đích làm việc và giải trí. Đây là mong muốn mà anh đã ấp ủ từ lâu, song bây giờ mới có cơ hội thực hiện.
“Tôi luôn tiêu hết lương tháng, không để lại được đồng nào. Nếu không có thưởng cuối năm, tôi khó lòng bỏ ra một khoản lớn”, Hồng Phúc nói.
Trong khi đó, Quỳnh Chi cũng cảm thấy nhẹ gánh khi có thưởng cuối năm nay. Các mùa Tết trước, cô thường phải thanh toán quà cáp, chi phí tiệc tùng bằng thẻ tín dụng, dự định trả dần vào năm mới. Số tiền lên tới chục triệu đồng, gây áp lực không nhỏ.
“Tết năm nay, tôi thoát cảnh nợ ngân hàng”, Chi mừng rỡ chia sẻ.
Bên cạnh quà cáp, tiệc tùng, Quỳnh Chi cũng dự định mua vàng tặng bố mẹ nếu nhận thưởng lớn. Đây có thể là món quà lớn đầu tiên mà cô tặng phụ huynh kể từ khi bắt đầu bước chân vào thị trường lao động.
Hơn nữa, Chi cũng không còn khiến bố mẹ lo lắng khi liên tục mất việc trước Tết, rơi vào cảnh thất nghiệp trong mùa lễ hội cuối năm.
Theo báo cáo Lương và thị trường lao động năm 2023 của Navigos Group, 49,1% nhân sự cho biết nhận được thưởng dịp lễ Tết từ phía doanh nghiệp. Đây cũng là phúc lợi nhận được bình chọn cao nhất từ phía người lao động.
Khảo sát năm 2022 của công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Group với 6.800 người cũng chỉ ra lương tháng thứ 13 hay thưởng Tết là phúc lợi được người lao động quan tâm nhiều nhất. Có đến 53% ứng viên luôn tìm kiếm thông tin về thưởng Tết khi tìm việc.