Tái cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững
Chiều 27-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (bên trái) dự và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: baochinhphu.vn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ đánh giá cao và biểu dương những thành quả của ngành nông nghiệp năm 2024. Trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung quyết liệt hơn, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai hiệu quả các quy hoạch, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành theo định hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy mới và các đơn vị trực thuộc Bộ theo nguyên tắc không bỏ sót chức năng nhiệm vụ, không chồng chéo, đảm bảo đầy đủ, toàn diện, hạn chế tối đa tình trạng giao thoa, bảo đảm sau sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu của Trung ương, Chính phủ;
Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, kiến tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật thương mại và mở cửa thị trường, đặc biệt các thị trường còn nhiều tiềm năng, hỗ trợ các địa phương kết nối, tiêu thụ nông sản; tập trung thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng Ủy ban Châu Âu đối với khai thác thủy sản.
Xây dựng nông thôn mới phải đúng thực chất, hiệu quả, gắn phát triển kinh tế nông thôn. Phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị, thực hiện nhân rộng các mô hình có hiệu quả đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Năm 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo tốt cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng khá cao, khoảng 3,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản ước đạt 62,5 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành lập kỷ lục mới đạt 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% so năm 2023.
Năng suất, sản lượng lúa đông xuân, hè thu và một số cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực đều tăng so cùng kỳ năm 2023. Sản lượng lúa cả năm gần 43,7 triệu tấn, năng suất đạt 61,4 tạ/ha, xuất khẩu gạo khoảng 9 triệu tấn. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so năm 2023, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 9,6 triệu tấn, tăng 2,4% so năm 2023. Công tác bảo vệ rừng được đặc biệt quan tâm, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại giảm.
Đến cuối năm 2024, cả nước có 2.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 302 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cả nước có trên 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.