Liệu chính sách năng lượng của ông Trump có giúp giảm giá khí đốt?
Hôm thứ Năm 20/2, Giám đốc điều hành công ty dầu mỏ Tây Ban Nha Repsol cho biết ông kỳ vọng các chính sách năng lượng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có tác động tích cực đến ngành khí đốt bao gồm tăng sản lượng và giảm giá.

Ảnh minh họa
Josu Jon Imaz, CEO Repsol - công ty đang khai thác khí đốt tại Hoa Kỳ, cho biết trong cuộc họp với các nhà đầu tư rằng: "Các giấy phép xuất khẩu LNG mới sẽ làm tăng nhu cầu".
Ông cho biết nguồn cung tăng sẽ giúp hạ giá khí đốt trên toàn cầu, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp nặng của châu Âu vốn phụ thuộc vào khí đốt để lấy năng lượng.
Ông Trump đã thu hồi lệnh đóng băng phê duyệt xuất khẩu LNG ngay khi ông nhậm chức lần thứ hai vào ngày 20/1, và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã bắt đầu cấp giấy phép mới vào tuần trước.
Cựu Tổng thống Joe Biden đã tạm dừng việc cấp giấy phép mới vào đầu năm ngoái.
Ông Imaz cho biết giá khí đốt rẻ hơn cũng sẽ dẫn đến lượng khí thải carbon thấp hơn, vì nó sẽ giúp các quốc gia ở Nam Bán cầu chuyển đổi từ nhà máy điện chạy bằng than sang nhà máy điện chạy bằng khí đốt.
Hoa Kỳ đang cố gắng tăng xuất khẩu LNG để giúp giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine ba năm trước.
Trong bối cảnh giá khí đốt tại Hoa Kỳ thấp hơn châu Âu khoảng 4 lần, Tổng thống Donald Trump đã khẳng định cam kết cấp phép cho các dự án hạ tầng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng từ châu Âu.
Tuyên bố này được ông Trump đưa ra trong phát biểu trực tuyến cuối tháng 1 vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ).
Hiện tại, giá khí đốt tự nhiên tại Hoa Kỳ chỉ bằng 1/4 so với châu Âu. Điều này đã thúc đẩy nhiều nhà khai thác khí đốt tại Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô xuất khẩu LNG sang thị trường châu Âu
Việc ông Trump cam kết thúc đẩy xuất khẩu LNG mang đến kỳ vọng lớn cho châu Âu, nhưng nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với thị trường năng lượng nội địa Hoa Kỳ. Giá khí đốt thấp tại nước này hiện nay là do nguồn cung dồi dào, nhưng sự gia tăng tiêu thụ nội địa - đặc biệt từ các nhà máy điện khí phục vụ các dự án liên quan đến trí tuệ nhân tạo - có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Nếu kết hợp với việc tăng xuất khẩu, điều này có thể đẩy giá khí đốt trong nước lên cao, gây áp lực cho người tiêu dùng Hoa Kỳ.