Xuất khẩu giày dép đạt kỷ lục mới
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt khoảng 27 tỷ USD, tăng khoảng 3 tỷ USD so với năm trước đó. Từ cuối năm 2023, xuất khẩu giày dép đã có sự phục hồi rõ nét. Có được kết quả trên là do các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt để giữ được thị trường truyền thống và mở thêm các thị trường mới. Do đó, các doanh nghiệp ngành giày dép đã giữ mức tăng trưởng hơn 12%. Hiện Việt Nam giữ vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép (chỉ sau Trung Quốc).
Đồng Nai hiện là một trong 3 tỉnh, thành có xuất khẩu giày dép lớn nhất Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh đạt gần 4,6 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai năm 2024 đạt kỷ lục mới, đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tỉnh và xuất siêu trên 3 tỷ USD. Do đó, Đồng Nai đóng góp rất lớn trong sản xuất, xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam. Hiện nay, giày dép sản xuất tại Đồng Nai đã xuất sang gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy giày dép sản xuất tại Đồng Nai xuất qua nhiều nước, nhưng thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Theo các doanh nghiệp sản xuất giày dép trên địa bàn tỉnh, tay nghề của người lao động trong ngành giày dép tại Đồng Nai khá cao, có thể thực hiện được những đơn hàng khó trong thời gian ngắn. Vì thế, nhiều đơn hàng giày dép lớn của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Nike, Adidas, Puma, Reebok… đã đặt hàng các nhà máy tại Đồng Nai. Do đó, các nhà máy sản xuất giày tại Đồng Nai đa số gia công cho các thương hiệu lớn. Năm 2025, sản xuất, xuất khẩu giày dép của Đồng Nai có nhiều thuận lợi vì nhiều nhà máy đã nhận được đơn hàng đến cuối năm 2025.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, ngành giày dép cũng đối mặt với thách thức là phải chuyển đổi xanh. Bởi, các nhãn hàng quốc tế yêu cầu các nhà máy phải chuyển đổi qua dùng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, nguyên liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc sản xuất nguyên liệu rõ ràng. Trong cuộc cạnh tranh để giữ vị trí xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, bắt buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số đảm bảo sản xuất xanh để phát triển bền vững.