Khi người trẻ kể chuyện khởi nghiệp từ sản vật địa phương

Người trẻ kể chuyện khởi nghiệp từ sản vật địa phương

Đối với nhiều bạn trẻ sinh ra ở mảnh đất Gia Lai, câu chuyện khởi nghiệp và thành công bước đầu từ các sản vật địa phương như một giấc mơ cho hành trình dài ngược xuôi tìm kiếm sản phẩm chất lượng, ổn định thị trường. Bằng công sức và sự sáng tạo đã giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công, tạo việc làm, sinh kế cho người dân tại địa phương, nâng cao thu nhập.

Mật ong 100% nguyên chất như Tiệm Phố Núi xuất hiện đã giúp người dân địa phương có thể tập trung tạo ra những loại mật ong chất lượng nhất.

Mật ong 100% nguyên chất như Tiệm Phố Núi xuất hiện đã giúp người dân địa phương có thể tập trung tạo ra những loại mật ong chất lượng nhất.

Khởi nghiệp từ sản vật quê hương

Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu, thổ nhưỡng và đa dạng chủng loại cây trồng, thích hợp cho việc nuôi ong lấy mật. Tận dụng lợi thế này, anh Bùi Quốc Hùng - CEO của Tiệm Phố Núi - đã từng bước tạo ra các sản phẩm mật ong với chất lượng cao. Các sản phẩm của anh còn được người tiêu dùng trên cả nước biết tới nhờ tận dụng xu hướng mua sắm - giải trí trên sàn thương mại điện tử để tiếp cận, chinh phục người tiêu dùng

Nói về cơ duyên với những giọt mật ong ngọt lành, anh Bùi Quốc Hùng cho biết, năm 2021, vì dịch Covid-19, anh bị mắc kẹt lại Gia Lai và không thể trở về Sài Gòn làm việc. Nỗi lo tài chính thôi thúc anh phải tìm ra một hướng kinh doanh mới từ chính những sản vật có sẵn tại tỉnh Gia Lai và rồi anh bén duyên với nghề nuôi ong.

Công nhân lấy mật từ trang trại nuôi ong.

Công nhân lấy mật từ trang trại nuôi ong.

Quá trình khởi nghiệp với mật ong, anh Bùi Quốc Hùng gặp không ít khó khăn. Sau những lần thất bại, anh lại đúc kết thêm được kinh nghiệm để thành công. “Quá trình chăm sóc ong đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ, nắm rõ đặc tính của ong như: Bay đi bay lại, ăn uống, xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật để nâng cao sản lượng và chất lượng của mật ong” - anh Hùng chia sẻ.

Cũng theo anh Hùng, một trong những thử thách lớn nhất mà nghề nuôi ong gặp phải đó chính là tình trạng mật ong thật, giả lẫn lộn trên thị trường khiến người tiêu dùng dần đánh mất niềm tin vào các sản phẩm mật ong nội địa. Các hộ nuôi ong thường phải vất vả xoay sở vừa chăm sóc trại ong, vừa tìm đầu ra cho sản phẩm.

Việc thương hiệu mật ong 100% nguyên chất như Tiệm Phố Núi xuất hiện đã giúp người dân địa phương có thể tập trung tạo ra những loại mật ong chất lượng nhất, doanh nghiệp sẽ trở thành cầu nối giữa người nông dân với người tiêu dùng.

“Mong muốn lớn nhất của tôi là xây dựng được thương hiệu mật ong Gia Lai với sản phẩm đạt chất lượng. Qua đó, nâng cao và lan tỏa giá trị mật ong của mảnh đất nơi mình sinh ra” - anh Hùng bộc bạch.

Anh Nguyễn Vũ Phú Trường chế biến, đưa ra thị trường các loại trà thảo mộc.

Anh Nguyễn Vũ Phú Trường chế biến, đưa ra thị trường các loại trà thảo mộc.

Anh Nguyễn Vũ Phú Trường (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku) lựa chọn hướng đi mới là khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu tại địa phương và nghiên cứu cách chế biến, đưa ra thị trường các loại trà thảo mộc. Đầu năm 2023, anh Trường xây dựng ý tưởng khởi nghiệp chế biến sản phẩm trà tía tô theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để có nguồn nguyên liệu cho chế biến, anh Trường liên kết với 6 hộ trồng tía tô trong thôn với diện tích gần 9 sào theo hướng VietGAP. Đến cuối năm 2023, sản phẩm trà tía tô với thương hiệu Trường Phú được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Anh Trường cho biết, anh đặc biệt chú trọng tới công đoạn sơ chế, hệ thống phơi sấy điều chỉnh lượng nhiệt và tiệt trùng sản phẩm trước khi đóng gói nhằm giữ hàm lượng hoạt chất của dược liệu và giữ màu sắc tươi đẹp của trà. Tất cả sản phẩm trà thảo mộc của anh đều được chế biến thành dạng bột, đóng gói trong túi lọc. Mẫu mã, bao bì dán nhãn QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

“Khi được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm trà tía tô của tôi đã nhanh chóng tiếp cận thị trường. Với giá bán gần 1,3 triệu đồng/kg, mỗi tháng, tôi xuất ra thị trường khoảng 20 -25 kg gồm các loại trà như: Đinh lăng, tía tô, lạc tiên... Thời gian tới, tôi sẽ hoàn thiện thêm một số sản phẩm trà thảo mộc để tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu bền vững” - anh Trường chia sẻ.

Quảng bá, đưa nông sản địa phương vươn xa

Trăn trở với ước mơ nâng cao giá trị cho cây cà phê trên chính mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Hải Phong - Tổng Giám đốc Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên - đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để tìm hiểu và theo đuổi hướng đi hữu cơ. Dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc chuyển đổi, chăm sóc và nhân rộng, song anh vẫn kiên định với lựa chọn của mình và đã đạt được những thành công nhất định.

Tình yêu dành cho cây cà phê của anh được vun đắp qua những năm tháng tuổi thơ phụ giúp gia đình chăm sóc nương rẫy, để rồi mong muốn cải thiện cuộc sống người dân, nâng cao giá trị cà phê Gia Lai và cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế thôi thúc trong anh.

Để từng bước hiện thực hóa mong muốn của mình, anh đã đến từng địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là những người trồng cà phê lâu năm để tìm tòi học tập, rút kinh nghiệm, nghiên cứu rồi mạnh dạn đầu tư, trồng cà phê hữu cơ và phát triển vùng sinh thái tại quê nhà.

Năm 2018, anh Phong thành lập Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên với mục tiêu xây dựng các vùng nguyên liệu sinh thái hữu cơ nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Đồng thời, anh mong muốn tạo nguồn thu nhập tốt và văn hóa làm cà phê sinh thái hữu cơ chất lượng cao cho cộng đồng người dân đang canh tác cà phê.

Vùng nguyên liệu của công ty trải dài trên vùng đất Bắc Tây Nguyên với 2 giống cà phê Arabica và Robusta. Đây là những nơi đã được anh tìm hiểu, khảo sát và đánh giá là có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cho ra những hạt cà phê có thể chất tốt, hương vị đặc trưng.

“Vùng nguyên liệu Arabica nằm trên địa bàn 3 huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đak Glei (tỉnh Kon Tum). Vùng nguyên liệu cà phê Robusta nằm tại TP. Pleiku và các huyện: Đăk Đoa, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Ia Grai. Đây là các vùng trồng cà phê Robusta mà chúng tôi đánh giá tốt nhất và có hương vị đặc trưng rất riêng của vùng đất Gia Lai” - anh Phong cho biết.

Vùng nguyên liệu của Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên trải dài trên vùng đất Bắc Tây Nguyên với 2 giống cà phê Arabica và Robusta.

Vùng nguyên liệu của Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên trải dài trên vùng đất Bắc Tây Nguyên với 2 giống cà phê Arabica và Robusta.

“Giai đoạn đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê cũng như đầu ra cho sản phẩm. Sau nhiều năm nỗ lực, sản phẩm của công ty đã có chỗ đứng trên thị trường. Điều quan trọng nhất là tôi đã góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân, nâng cao giá trị cà phê Gia Lai và cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế” - anh Phong bộc bạch.

Hiện nay, Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên là một trong những đầu mối chính bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân cũng như hợp tác xã tại Gia Lai và Kon Tum với hàng ngàn ha cà phê. Trong những năm qua, Công ty cũng tiến hành xuất khẩu sang thị trường Nga và Oman.

Chưa dừng lại ở đó, anh Phong còn hợp tác thu mua cà phê tươi của các hộ nông dân tại vùng nguyên liệu với mức giá tốt nhất. Sau đó, liên kết với cộng đồng hình thành hệ thống trang trại cà phê sinh thái bền vững trên vùng nguyên liệu, cung cấp giống chất lượng cao được thế giới ưa chuộng và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Anh cũng hỗ trợ về máy móc, kỹ thuật sơ chế cà phê cho người dân.

Khách hàng được trải nghiệm các vị cà phê của Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên.

Khách hàng được trải nghiệm các vị cà phê của Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Ngọc Cường - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai - cho biết: Trong 3 năm (2021 - 2024), tỉnh đã phân bổ gần 46,3 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ nguồn kinh phí này, các ban, ngành, địa phương đã tổ chức một số hoạt động cụ thể như: Tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngày hội thanh niên khởi nghiệp, ngày hội phụ nữ khởi nghiệp và chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản OCOP cho các hợp tác xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai Đỗ Đức Thanh nhận định: Khởi nghiệp nông nghiệp đã trở thành xu hướng, phong trào sôi nổi trong cộng đồng, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan và tổ chức xã hội. Giai đoạn 2021-2024, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ cho 112 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, trong đó có nhiều ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp. Thông qua hoạt động khởi nghiệp, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Thực hiện: Hiền Mai

Bài và ảnh: Hiền Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khi-nguoi-tre-ke-chuyen-khoi-nghiep-tu-san-vat-dia-phuong-367849.html
Zalo