Tăng đầu tư cho vận tải đường thủy
Phí vận tải hiện vẫn ở mức cao trong tổng chi phí logistics, do vậy việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics đáp ứng nhu cầu vận tải là hết sức cần thiết nhằm giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Kết nối phương thức vận tải còn yếu
Số liệu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, toàn quốc hiện có khoảng 595.000km đường bộ (2.021km cao tốc) và 3.143km đường sắt. Riêng trong năm 2023 và 2024, Việt Nam có thêm 312km đường bộ cao tốc dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu 3.000km. Lĩnh vực đường thủy nội địa đã hoàn thành, đưa vào khai thác kênh Nghĩa Hưng nối sông Đáy với sông Ninh Cơ, hiện đang thực hiện ký hiệp định vay vốn Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (dự kiến khởi công trong quý III/2025)…
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, hiện trạng cơ sở hạ tầng logisitics nêu trên cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên tính kết nối giữa các phương thức vận tải chưa tốt, nhất là giữa các phương thức đường bộ - đường thủy - cảng biển. Trong khi hầu như không có tuyến đường sắt kết nối đến cảng biển thì kết nối giữa đường bộ với cảng biển lớn (Hải Phòng, Quảng Ninh, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu) đang rất tắc nghẽn, nhất là tại cảng khu cảng Cát Lái - TPHCM.
Và theo một nghiên cứu của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID): Năm 2021, trung bình có khoảng 16.400 xe tải tới cảng Cát Lái mỗi ngày, xe tải có thể phải chờ đến 3 giờ trước khi tới cổng, gây ùn tắc giao thông dọc tuyến đường kết nối đến cảng. Nếu xếp thành một hàng, 16.400 xe tải đến cảng sẽ trải dài đến 322km… USAID còn đưa ra dự đoán, đến năm 2030 lượng container đi qua cảng Cát Lái sẽ tăng gấp đôi.
Cũng theo dự báo của USAID, hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 được dự báo sẽ tăng gấp đôi lượng hàng hóa thông qua so với thời điểm hiện tại. Cụ thể, cảng biển Hải Phòng tăng 2,2 lần (năm 2023 đạt 67,6 triệu tấn, dự báo 2030 đạt 215 triệu tấn); cảng biển TPHCM tăng 1,5 lần (năm 2023 đạt 165,4 triệu tấn, dự báo 2030 đạt 253 triệu tấn); cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 2,1 lần (năm 2023 đạt 112,7 triệu tấn, dự báo 2030 đạt 236,9 triệu tấn).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, logistics không chỉ là ngành dịch vụ mà còn là trụ cột trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Lợi thế của ngành logictics Việt Nam là có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, tiếp giáp với Trung Quốc và có đường bờ biển dài, thuận lợi cho hoạt động logistics. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiếu các trung tâm logistics kết nối với cảng biển và sân bay lớn. Do vậy, việc hình thành các hành lang vận tải đa phương thức là rất cần thiết.
Phát triển tiềm năng tự nhiên
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Việt Nam, hiện chi phí logistics trung bình ở mức tương đương 16,8 - 17% GDP và là mức khá cao so với mức bình quân chung của thế giới (khoảng 10,6%). Với tốc độ tăng lượng hàng hóa nêu trên, nếu cơ sở hạ tầng logistics và tính kết nối giữa các phương thức vận tải không được cải thiện sẽ khó đáp ứng được nhu cầu vận tải. Hiện ngành logistics Việt Nam hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp (DN), chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, phụ thuộc lớn vào vận tải đường bộ và thiếu hụt các cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng nước sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những rào cản lớn mà Việt Nam phải đối mặt là chi phí logistics cao, chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm.
Giới chuyên gia cho rằng, yêu cầu đặt ra với ngành giao thông hiện nay không chỉ là đầu tư xây dựng đường, mà phải khai thác tốt hơn tiềm năng hệ thống hạ tầng giao thông tự nhiên hiện có. Đó là hệ thống sông ngòi, kênh rạch chẳng chịt hiện nay. Khai thác tốt vận tải đường thủy sẽ mang lại hiệu quả hơn so với đường bộ về kinh tế, môi trường và an toàn giao thông, kéo giảm chi phí vận tải, góp phần kéo giảm chi phí logistics.
Lãnh đạo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, theo tính toán, vận chuyển 1 container hàng 20 feet từ cảng nước sâu Lạch Huyện - Hải Phòng lên ICD Quế Võ - Bắc Ninh bằng sà lan tải trọng 96 TEU tốn khoảng 10 lít dầu, trong khi vận chuyển bằng xe đầu kéo mất khoảng 45 lít dầu. Với sản lượng 30.000 TEU trong năm 2022, việc vận chuyển bằng sà lan của công ty trên đường thủy góp phần giảm tới 80% lượng khí phát thải, chính vì thế, việc phát triển vận tải thủy góp phần phát triển logistics xanh tại Việt Nam.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2025 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh đã nhấn mạnh tới việc tăng cường kết nối đường thủy với các phương thức vận tải khác, theo quy hoạch tổng thể các phương thức vận tải khác và lộ trình đầu tư để phát huy hiệu quả, giảm chi phí logistics vì vận tải thủy giá thấp nhất.