Xuất khẩu chính ngạch sang châu Âu, DN cần lưu ý gì?

Mặc dù cần thủ tục phức tạp, nhiều giấy tờ hơn; chi phí cao hơn do phải chịu các loại thuế, phí nhưng xuất khẩu chính ngạch lại giúp chất lượng hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, nâng cao uy tín của DN và hàng hóa Việt Nam.

Tại hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu mới đây, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết thống kê từ số liệu Hải quan Việt Nam, sau 4 năm EVFTA có hiệu lực (từ 8-2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12-15%.

Các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu mạnh vào EU gồm máy móc và thiết bị điện, giày dép, thiết bị, lò phản ứng, thiết bị cơ khí, hàng may mặc và phụ kiện, sắt thép, cà phê, trà, gia vị…

Tín hiệu đáng mừng là người tiêu dùng châu Âu ngày càng cởi mở, ưa chuộng hàng châu Á chất lượng. Việc thực thi EVFTA là cơ hội gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa cùng loại của các nước trong khu vực châu Á đặc biệt về giá tại thị trường quan trọng này. Tuy nhiên, ông Lăng lưu ý, các DN nên chú trọng tuân thủ các nguyên tắc để tập trung xuất khẩu sản phẩm chính ngạch. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho DN.

Nguyên nhân, xuất khẩu không chính ngạch thủ tục đơn giản, nhanh gọn; chi phí thấp hơn, không phải chịu nhiều loại thuế, phí nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất lợi như: chất lượng hàng hóa khó kiểm soát, chất lượng không đồng đều, ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam; rủi ro cao hơn, dễ xảy ra tranh chấp, vi phạm pháp luật; hàng hóa chủ yếu tập trung vào các thị trường nhỏ lẻ, biên giới; không được hỗ trợ; khó đảm bảo tính bền vững, dễ bị cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi đó, mặc dù cần thủ tục phức tạp, nhiều giấy tờ hơn; chi phí cao hơn do phải chịu các loại thuế, phí nhưng xuất khẩu chính ngạch lại giúp chất lượng hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng; nâng cao uy tín của DN và hàng hóa Việt Nam.

Cũng theo ông Lăng, muốn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường châu Âu, DN cần nghiên cứu thị trường để xác định thị trường mục tiêu, các tiêu chuẩn, quy định của thị trường, đánh giá năng lực hiện tại và lập kế hoạch. Ngoài ra, cần chọn tiêu chuẩn phù hợp với sản phẩm và thị trường mục tiêu (ISO 9001, HACCP).

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn đã chọn, đào tạo nhân viên; đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Cùng đó, cải tiến công nghệ, nâng cao kỹ năng nhân viên, kiểm soát chất lượng chặt chẽ; sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/xuat-khau-chinh-ngach-sang-chau-au-dn-can-luu-y-gi-post118534.html
Zalo