Xử trí giãn dây chằng lưng

Giãn dây chằng lưng xảy ra rất phổ biến, nhiều trường hợp đau cột sống thắt lưng xuất phát từ tình trạng này. Đây là tình trạng gân, cơ, dây chằng bị tổn thương do căng giãn quá mức, gây đau nhức vùng lưng và các vùng liên quan, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.

Nguyên nhân giãn dây chằng lưng

Một số nguyên nhân chính gây giãn dây chằng lưng có thể kể đến là:

Do vận động, tập luyện sai tư thế

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây giãn dây chằng lưng mà nhiều người mắc phải. Đối với những người thường xuyên tập luyện, việc nâng tạ, chạy nhảy,... nhưng tiếp đất không đúng cách sẽ gây căng cơ, giãn dây chằng. Ngoài ra, việc ngồi học, ngồi làm việc sai tư thế hàng giờ liền cũng khiến cơ lưng bị biến dạng. Dây chằng bị căng cứng, khó chuyển động và không thể thay đổi tư thế ngay lập tức.

Do tuổi tác

Ngoài 50 tuổi, nguy cơ giãn dây chằng lưng ở lứa tuổi trung niên tăng lên nhanh chóng. Nguyên nhân là do sự lão hóa tự nhiên, chức năng chuyển đổi chất dinh dưỡng tới các bộ phận trong cơ thể không còn hiệu quả. Dây chằng lưng không có đủ chất dinh dưỡng sẽ trở nên kém đàn hồi nên chỉ cần một tác động nhỏ cũng gây giãn dây chằng lưng.

Ngoài ra, khi tuổi tác cao, hệ cơ xương khớp cũng dần lỏng lẻo, không còn chắc khỏe, dẻo dai như trước nữa.

Do mang vác quá sức

Một số người làm công việc lao động chân tay như: Bốc vác, thợ xây,... phải vận động nặng mỗi ngày. Việc vác vật nặng trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi sẽ tạo áp lực lớn lên dây chằng lưng, khiến chúng bị thoái hóa sớm. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng, nếu vận động viên luôn tập luyện quá sức và không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, việc bị giãn dây chằng lưng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Phụ nữ mang thai ở những tháng cuối cũng rất dễ bị giãn dây chằng lưng.

Vận động viên tập luyện quá sức rất dễ bị giãn dây chằng lưng. Ảnh minh họa

Vận động viên tập luyện quá sức rất dễ bị giãn dây chằng lưng. Ảnh minh họa

Do chấn thương

Chấn thương thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động sẽ vô tình khiến các khớp xương bị va đập, dây chằng bị kéo căng và giãn cơ, đặc biệt là khi có lực tác động trực tiếp lên vùng thắt lưng. Với một số người gặp phải chấn thương chỉnh hình, sẽ phải mất rất nhiều thời gian để dây chằng lưng hồi phục lại độ dẻo dai như trước.

Nhận diện giãn dây chằng lưng điển hình

Dấu hiệu giãn dây chằng lưng khá giống với các bệnh lý xương khớp ở vùng lưng khác. Thông thường người bệnh sẽ cảm thấy vùng lưng bị đau nhức, mức độ đau sẽ khác nhau tùy mức độ giãn của dây chằng, có thể là âm ỉ hoặc dữ dội. Khi trời lạnh hoặc ẩm thấp, cơn đau nhức sẽ tăng lên. Đôi khi cơn đau lan ra toàn thân, khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi.

Vận động của người bệnh sẽ bị hạn chế hơn, nhất là tư thế cúi gập hoặc xoay người. Tình trạng vận động bị hạn chế rõ nhất là vào buổi sáng, có thể phải xoa bóp mới cử động lại được bình thường.

Cần làm gì khi bị giãn dây chằng?

Khi bị giãn dây chằng, việc sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh không tiến triển nặng hơn. Cụ thể cần lưu ý những điểm sau:

Tránh cử động mạnh, tốt nhất nghi ngờ giãn dây chằng lưng thì người bệnh nên nằm ở tư thế ngửa để vùng lưng được thư giãn.

Không chườm nóng bởi chườm nóng có thể khiến dây chằng bị giãn hơn, làm tăng mức độ của bệnh.

Nên chườm lạnh ngay sau khi nghi dây chằng bị giãn. Chườm lạnh sẽ giúp cơ và dây chằng co lại cũng như giảm đau cho bệnh nhân. Việc chườm lạnh có thể thực hiện hàng ngày, mỗi ngày 30 phút đến khi dây chằng được phục hồi hoàn toàn.

Phương pháp điều trị giãn dây chằng lưng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, thể trạng của bệnh nhân,... Điều trị giãn dây chằng cần kết hợp nhiều biện pháp tùy vào mức độ tổn thương của dây chằng.

Dùng thuốc chủ yếu là điều trị triệu chứng, giúp giảm đau, chống viêm. Việc dùng thuốc cần tuân thủ chặt chẽ theo đơn của bác sĩ để cơn đau được kiểm soát hiệu quả cũng như tăng khả năng đàn hồi của dây chằng.

Các động tác xoa bóp hỗ trợ cải thiện bệnh cần được thực hiện bởi các kỹ thuật viên có kinh nghiệm,

Các động tác xoa bóp hỗ trợ cải thiện bệnh cần được thực hiện bởi các kỹ thuật viên có kinh nghiệm,

Khi giãn dây chằng không đáp ứng với điều trị nội khoa, người bệnh vẫn xuất hiện cơn đau dữ dội, ảnh hưởng đến sinh hoạt thì bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được kết hợp với vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt,… Xoa bóp giúp giảm đau, tăng lưu thông máu cũng như điều hòa khí huyết. Khi bị giãn dây chằng, bạn hoàn toàn có thể thực hiện các động tác xoa bóp, massage để hỗ trợ cải thiện bệnh. Tuy nhiên, cần được thực hiện bởi các kỹ thuật viên có kinh nghiệm, chuyên môn, tránh làm tình trạng giãn dây chằng nặng thêm do xoa bóp không đúng cách.

Khi bị giãn dây chằng, bạn có thể tập yoga để giảm tình trạng đau nhức khó chịu. Tuy nhiên, các bài tập cần được chọn lựa phù hợp để tránh dây chằng bị tổn thương nghiêm trọng hơn.

Tóm lại: Giãn dây chằng là vấn đề thường gặp, khi gặp những tình trạng này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và chữa trị một cách chính xác nhất, nhằm tránh các biến chứng.

BS Nguyễn Anh Vũ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xu-tri-gian-day-chang-lung-169241215125105648.htm
Zalo