Cứ 10 người lại có 3 người mắc bệnh này
Tại Việt Nam, cứ 10 người thì có 3 người bị mỡ máu cao. Riêng khu vực thành thị, tỷ lệ người 25-74 tuổi có chỉ số mỡ máu cao lên tới 44,3%.
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Thị Hương, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho biết bệnh mỡ máu cao khiến gần 4,4 triệu ca tử vong, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu. Mỡ máu cao, được xác định là một trong các yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh mạn tính không lây.
Tại Việt Nam, cứ 10 người thì có 3 người bị mỡ máu cao, chiếm tỷ lệ 30%. Riêng khu vực thành thị, tỷ lệ người 25-74 tuổi có chỉ số mỡ máu cao lên tới 44,3%. Đây là kết quả điều ra theo mẫu dịch tễ học, còn số lượng thực tế người bị mỡ máu cao có thể còn lớn hơn nhiều.
Mỡ máu hay còn gọi là lipid máu, một thành phần quan trọng của cơ thể bởi chúng tham gia vào cấu trúc tế bào của tất cả mô, tham gia vào hoạt động của não bộ, sản xuất các nội tiết tố (hormon), dự trữ vitamin… Mỡ luôn có mặt trong máu của người bình thường và duy trì ở một giới hạn cho phép. Trong một số trường hợp, các thành phần của mỡ máu vượt khỏi giá trị bình thường nên được gọi là rối loạn mỡ máu.
Rối loạn mỡ máu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh lý tim mạch. Hiện nay, bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, cũng như tại Việt Nam. Đặc biệt, bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng và trẻ hóa do những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Theo bác sĩ Hương, những người thừa cân béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh, hút thuốc lá, ít vận động, rối loạn chuyển hóa hoặc bị xơ vữa động mạch, cao huyết áp... cần xét nghiệm mỡ máu định kỳ.