Xử phạt không phân loại rác: Sắp cận hạn nhưng nhiều người chưa biết
Chậm nhất đến ngày 31/12/2024, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn. Nếu vi phạm tại hộ gia đình, mức phạt có thể lên tới 1 triệu đồng.
Vì sao nhiều người dân chưa biết quy định?
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đã quy định thời hạn áp dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn trên phạm vi toàn quốc chậm nhất là ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều người được hỏi vẫn chưa biết về quy định này.
Chị Hoàng Thị Thùy Linh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, phân loại rác tại nguồn đã từng nghe qua trên truyền thông, tuy nhiên, lại chưa nắm rõ được việc bị xử phạt nếu sau ngày 31/12/2024 không phân loại tại nguồn. Hiện nay, rác thải sinh hoạt nhà chị đều để chung vào một túi. Chỉ có chai, hộp nhựa, bìa cứng, lon bia, giấy loại… để riêng. Không chỉ gia đình nhà chị mà hầu hết mọi người trong khu chung cư chị ở hiện nay chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Chắc chắn câu chuyện này không chỉ chị Linh mà nhiều người dân trong cả nước đều chưa nắm rõ quy định phải phân loại như thế nào, cũng như trả tiền theo lượng rác ra sao? địa điểm thu gom rác đã phân loại? kể cả một số địa phương đã ban hành kế hoạch phân loại rác tại nguồn.
Ngoài nguyên nhân truyền thông chưa hiệu quả dẫn đến người dân chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của phân loại rác, cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng sẽ gặp vướng khi thực hiện.
Theo phân tích của giới chuyên gia, trước hết là dụng cụ đựng rác (thùng rác, túi rác) phải có đủ 3 ngăn hoặc 3 túi riêng để đựng 3 loại rác khác nhau, mỗi ngăn hoặc túi phải có dấu hiệu nhận diện riêng biệt để người dân cũng như đơn vị vận chuyển rác biết được đó là đựng loại rác nào. Vấn đề nữa là nơi để rác cũng phải đủ rộng cho 3 loại rác khác nhau. Xe rác cũng phải có 3 ngăn riêng cho 3 loại rác. Nếu xe rác chỉ có một ngăn như hiện nay, rác phân loại rồi lại dồn chung vào một ngăn thì vẫn “sôi hỏng bỏng không’’.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của người dân, làm sao để tất cả mọi người biết đến quy định, sau đó phân loại rác thành ý thức tự giác, thói quen sinh hoạt hàng ngày.
GS. TS. Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam – cho biết: Nếu coi rác là tài nguyên thì việc phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho mọi loại hình tái chế hay xử lý chất thải, “tối ưu hóa” nguồn tài nguyên này hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ nâng cao tỷ lệ tái chế và chất lượng sản phẩm tái chế; giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý, chôn lấp.
Khó cũng phải làm
Với hơn 67.877 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra hàng ngày đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp cấp bách cũng như công nghệ xử lý phù hợp để bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân.
Để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Việt Nam đang áp dụng phổ biến 4 hướng công nghệ, bao gồm: Chôn lấp, ủ sinh học làm phân hữu cơ, đốt tiêu hủy và xử lý tái chế liên hợp chất thải rắn. Trong đó, chôn lấp là phương án xử lý rẻ nhất nên được lựa chọn nhiều thời gian qua.
Tuy nhiên, khoảng 60 - 70% chất thải rắn đưa đến các bãi chôn lấp được thiết kế và vận hành hiện nay không đúng quy trình làm phát tán mùi, ô nhiễm đất, nguồn nước. Bãi chôn lấp đặt tại các vị trí gần với khu dân cư hiện nay là một mối nguy hại thực sự đối với con người và môi trường.
Do nhiều bất cập nên công nghệ chôn lấp không được khuyến khích, thay vào đó là việc triển khai công nghệ đốt rác. Song thực tiễn đốt tiêu hủy rác thải ở nước ta hiện nay cũng bộc lộ một số điểm hạn chế như: Rác không được phân loại tại nguồn, độ ẩm trong rác cao, lượng nước rỉ rác phát sinh lớn, đơn giá xử lý cao… Tính toán cho thấy, phương pháp thiêu đốt có chi phí trung bình khoảng 20 - 30 USD/tấn rác thải. Đáng nói hơn, khí thải sinh ra từ quá trình thiêu đốt có thể gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.
Hiện tại, Việt Nam có 2 nhà máy công nghệ điện rác hiện đại, đồng bộ, khép kín đã được triển khai (1 nhà máy tại Cần Thơ và 1 nhà máy tại Hà Nội). Bên cạnh những ưu điểm vượt trội của 2 nhà máy lớn này, giới chuyên gia cũng lo ngại rác thải sinh hoạt của Việt Nam có nhiệt trị rất thấp (chỉ khoảng 5 MJ/kg so với 15 MJ/kg rác sinh hoạt ở châu Âu), độ ẩm cao (65-70%) nên lượng điện tạo ra trong quá trình sinh nhiệt thấp, hiệu quả kinh tế không cao so với chi phí đầu tư.
Đặc biệt, việc đưa nhiệt độ buồng đốt lên 1.400 độ C để khử hết furan và dioxin khá tốn kém và hầu như là không thể trong điều kiện thông thường, nếu không dùng các buồng đốt đặc biệt. Còn dùng màng lọc than hoạt tính thì khá đắt, chi phí vận hành cao và phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người.
Đây cũng là lý do khi quan sát thấy khí thải của các buồng đốt hiện nay có nhiều màu đen, đó là biểu hiện của các độc chất trong rác như furan hay dioxin và các tạp chất khác chưa được đốt hết. Công nghệ này đang đặt ra dấu hỏi lớn về ô nhiễm không khí mà chưa được kiểm soát chặt chẽ.
GS. TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm: “Từ tháng 5/2016, Việt Nam đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên để kiểm soát được một công nghệ đốt rác có đảm bảo quy chuẩn môi trường không thì lại rất khó và gần như bất khả thi”.
Ở các nước phát triển, việc giám sát phát thải môi trường được quy định nghiêm ngặt, yêu cầu trang bị hệ thống giám sát độc lập, có nối mạng và lưu giữ số liệu, có thể truy xuất bất cứ lúc nào, thậm chí phải hiển thị bảng quan trắc khí thải ra bên ngoài nhà máy để người dân có thể giám sát.
Trong khi việc đo giám sát tổng dioxin/furan có thể phát sinh từ lò đốt rác ở Việt Nam hiện nay rất khó khăn do thiếu trang thiết bị và đắt đỏ (khoảng 23 triệu đồng/mẫu khí thải với điều kiện quan trắc nhiều mẫu cùng lúc và thường xuyên); đa số nơi chỉ định kỳ đo 1 năm/lần.
Trước những bất cập nêu trên, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tái chế và chất lượng sản phẩm tái chế; làm giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý, chôn lấp.
Để thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn theo quy định của pháp luật, giới chuyên gia khuyến cáo, cần xây dựng lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Việc thực hiện việc phân loại phải đồng bộ với quá trình thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý. Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc chế tài xử phạt những hộ gia đình và cá nhân không thực hiện phân loại rác tại nguồn theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ; cần có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tậng cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Ưu tiên, khuyến khích nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; tăng cường tham vấn cộng đồng tạo sự đồng thuận từ cộng đồng dân cư để phát triển cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt; lồng ghép các nội dung của kế hoạch phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Điều 26 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.