Nhiều sáng kiến giúp ĐBSCL phát triển kinh tế xanh theo hướng bền vững

Các chuyên gia và lãnh đạo địa phương đều kỳ vọng, với sự hợp tác giữa khu vực công và tư, ĐBSCL sẽ trở thành một trong những vùng kinh tế xanh, sáng tạo và bền vững của Việt Nam.

Ngày 16-11, phiên toàn thể của diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần 2 năm 2024 (Mekong Startup 2024) đã chính thức khai mạc với chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển".

Sự kiện thu hút sự tham gia của ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung Ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KHCN; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng đông đảo doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà sáng lập và các tổ chức hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

 Phiên toàn thể diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần 2

Phiên toàn thể diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần 2

Diễn đàn Mekong Startup lần thứ hai này nhằm mục tiêu tập hợp các nguồn lực, chia sẻ ý tưởng và thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư nhân trong việc phát triển mô hình kinh tế xanh cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Kinh tế xanh - Hướng đi bền vững cho ĐBSCL

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Diễn đàn Mekong Startup là cơ hội để chúng ta cùng thảo luận và hành động vì mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 2022, với chủ đề ‘Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp’, chúng ta đã có những bước tiến quan trọng, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, và nhiều mô hình sinh thái đã mang lại hiệu quả tích cực.”

Thứ trưởng Nam cũng nhấn mạnh rằng ĐBSCL hiện đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước ngọt và những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách và là chiến lược ưu tiên hàng đầu.

 Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Phiên toàn thể của Diễn đàn

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Phiên toàn thể của Diễn đàn

Ông Nam đề xuất một loạt giải pháp, bao gồm việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin, cũng như hỗ trợ các mô hình nông nghiệp, du lịch và logistics xanh.

Đồng thời, ông khẳng định rằng mục tiêu phát triển kinh tế xanh sẽ không thể thành công nếu không có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, đặc biệt là giữa khu vực công và tư nhân.

Sáng kiến từ các doanh nghiệp

Các đại biểu đều khẳng định rằng ĐBSCL cần tận dụng các cơ hội từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để chuyển mình, tạo ra những mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và phát thải thấp.

Trong phiên thảo luận, ông Trần Thanh Hùng – chủ điểm homestay và du lịch Hoa & Ếch tại TP Sa Đéc đã chia sẻ những sáng kiến và giải pháp phát triển du lịch xanh tại địa phương. Ông Hùng cho biết, hiện nay, du khách ngày càng chú trọng đến du lịch bền vững, yêu thích trải nghiệm thiên nhiên và tôn trọng văn hóa địa phương. Mô hình du lịch cộng đồng và các hoạt động sử dụng năng lượng tái tạo như xe điện, tàu gỗ chạy bằng điện mặt trời đã và đang thu hút đông đảo du khách.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng, để phát triển du lịch xanh, cần có sự hợp tác giữa các bên, từ chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng, và các tổ chức xã hội. Ông đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay và kết nối thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển du lịch bền vững.

Thúc đẩy khởi nghiệp xanh từ thanh niên

Ngoài các sáng kiến từ các doanh nghiệp, ông Huỳnh Minh Thức – Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp cũng đã đề xuất thành lập "Mạng lưới Thanh niên Đồng bằng sông Cửu Long tham gia phát triển xanh và bền vững", nhằm khuyến khích cộng đồng thanh niên tham gia vào các dự án khởi nghiệp xanh. Ông Thức cho rằng, chính quyền các tỉnh cần tạo điều kiện để thanh niên tham gia đào tạo, tập huấn, và nhận hỗ trợ tài chính để phát triển các sáng kiến kinh tế xanh và bền vững.

Một ví dụ tiêu biểu là dự án "Áo giáp hạt giống" của sinh viên Thạch Hoàng Anh, Trường Đại học Cần Thơ, với mục tiêu ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp để chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững tại ĐBSCL.

Tăng Cường Hợp Tác Công-Tư, Đổi Mới Sáng Tạo

Ngoài ra, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quý giá về việc phát triển kinh tế xanh tại ĐBSCL. Chuyên gia Peter Johnson từ Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) nhấn mạnh, khu vực ĐBSCL cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, Big Data để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Ông cũng đề xuất xây dựng các giải pháp kho lạnh sử dụng năng lượng mặt trời, giúp các nông hộ giảm chi phí và bảo quản nông sản tốt hơn.

 Ông Peter Johnson, Chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) chia sẻ ý kiến

Ông Peter Johnson, Chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) chia sẻ ý kiến

Ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Rustic Hospitality, cũng cho rằng việc đẩy mạnh hợp tác công – tư trong lĩnh vực du lịch là rất quan trọng, và cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch xanh.

Diễn đàn Mekong Startup 2024 đã mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế xanh tại ĐBSCL. Các sáng kiến khởi nghiệp, mô hình nông nghiệp, du lịch xanh và sự tham gia của thanh niên là những yếu tố quan trọng để xây dựng một nền kinh tế bền vững, tạo ra những cơ hội mới cho cộng đồng và doanh nghiệp trong khu vực.

Bên ngoài hội trường , không gian triển lãm đã được thiết kế với hàng trăm gian hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà tài trợ giới thiệu những sản phẩm sáng tạo và các dự án đổi mới sáng tạo. Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm mang đậm bản sắc văn hóa của vùng Đồng Tháp và ĐBSCL, từ các sản phẩm nông sản như bưởi da xanh, xoài An Giang, củ sen sấy, đến những sản phẩm chế biến từ nông sản như cà phê dừa, bánh tráng nước cốt dừa, và nấm đông trùng hạ thảo.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nghe các em học sinh trình bày về các giải pháp sáng kiến.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cùng Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đánh giá cao những ý tưởng giảm phát thải được trưng bày.

Không gian trưng bày các sản phẩm đặc sản của Đồng Tháp

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cùng các lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã tham quan các gian hàng và đánh giá cao các sáng kiến khởi nghiệp, đặc biệt là mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong bảo vệ rừng, do các học sinh và giáo viên tại Hồng Ngự, Đồng Tháp phát triển. Bộ trưởng Đạt cho rằng, nếu được phát triển bài bản, mô hình này có thể mang lại hiệu quả tích cực cho khu vực.

Một sáng kiến khác thu hút sự chú ý là giày thể thao gắn chip NFT để theo dõi các chỉ số sức khỏe như bước chạy và nhịp tim. Mô hình này được phát triển bởi nhóm khởi nghiệp tại Cần Thơ và nhận được sự đánh giá cao về tính sáng tạo.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-sang-kien-giup-dbscl-phat-trien-kinh-te-xanh-theo-huong-ben-vung-post820168.html
Zalo