An toàn thực phẩm và những điều cần biết về thực phẩm sạch
An toàn thực phẩm (ATTP) là việc đảm bảo thực phẩm không có vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc chất hóa học có hại. Tuy nhiên, vấn nạn lớn con người đang phải đối mặt hiện nay là thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh về chất lượng, độ an toàn trong chế biến và sản xuất. Vì vậy, an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề lớn, nhức nhối trong xã hội; khi càng ngày càng có nhiều người mắc phải các bệnh do ăn phải thực phẩm bẩn và kém chất lượng.
Thế nào là an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của WHO
Thực phẩm an toàn (hay thực phẩm sạch) từ lâu đã là mối quan tâm của toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi việc sử dụng thực phẩm không an toàn (thực phẩm bẩn) là mối nguy cơ lớn đến sức khỏe con người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiến hành nhiều nghiên cứu và đi đến kết luận, thực phẩm không an toàn có thể gây ra những vấn đề rất lâu dài với sức khỏe của người dùng.
WHO ước tính có đến hơn 200 loại bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn. Hàng năm có 600 triệu người (khoảng 1/10 tổng dân số thế giới) bị ốm, 420.000 người bị chết, 33 triệu năm sống khỏe mạnh bị mất, khoảng 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên thế giới là do nguyên nhân từ thực phẩm bẩn.
Khái niệm thực phẩm an toàn (hay thực phẩm sạch) khá rộng và trừu tượng, nên có nhiều quan niệm khác nhau. Theo WHO, thực phẩm đạt mức an toàn không gây hại cho con người, là khi không chứa hoặc chứa hàm lượng ở mức chấp nhận được các chất ô nhiễm hay vi khuẩn mà bình thường có thể gây nhiễm độc, hoặc bất kỳ chất nào khác có thể khiến thực phẩm trở nên có hại cho sức khỏe.
Nói cách khác, thực phẩm an toàn là loại thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp, thiết yếu mà không gây hại cho sức khỏe của người sử dụng do các loại ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm sinh học hay các hình thức ô nhiễm khác gây ra.
Một số kiến thức về thực phẩm an toàn
Rau, thịt an toàn còn phải được đảm bảo “an toàn” ở khâu chế biến, đóng gói, bảo quản… để thực phẩm không bị biến chất và nhiễm khuẩn.
Ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành các bộ tiêu chuẩn về trồng trọt an toàn, chăn nuôi an toàn và thủy sản an toàn gọi là VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Bộ tiêu chuẩn này bao gồm nhiều yếu tố như: đất trồng không nhiễm bẩn, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm hoặc phải qua xử lý, giống tốt và cây con khỏe mạnh, sử dụng phân hữu cơ hoai mục bón cho rau…
Phổ biến nhất hiện nay là rau an toàn, nghĩa là loại rau chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau: không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau; chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người; ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc); tùy theo loại thuốc mà thực hiện theo hướng dẫn về sử dụng và thời gian thu hoạch…
Tiêu chuẩn VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng và ban hành. Áp dụng cho các sản phẩm thuộc nhóm cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Yêu cầu của VietGAP đối với sản phẩm cây trồng, vật nuôi và thủy sản, đặc biệt là rau sạch, bao gồm:
Tiêu chuẩn Sản xuất
An toàn Thực phẩm
Môi trường làm việc
Khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Khi sản phẩm rau sạch VietGAP được chứng nhận, tem VietGap sẽ được dán trên sản phẩm / bao bì sản phẩm. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về nguồn thực phẩm mà mình tiêu thụ trong bữa ăn.
Hà Nội đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ATTP, ngày 28/2/2024, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về việc tuyên truyền công tác an toàn thực phẩm TP Hà Nội năm 2024.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đề nghị các Sở, ban, ngành, các địa phương tập trung tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ATTP; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về ATTP cho người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng Thủ đô nhằm hạn chế các vụ ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
Nội dung tuyên truyền cũng hướng đến nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP; tuyên truyền về thực trạng công tác ATTP và công tác triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ATTP trên địa bàn Hà Nội; tuyên truyền các tấm gương điển hình của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân làm tốt công tác bảo đảm ATTP, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn,…
UBND TP Hà Nội đề nghị công tác ATTP cần được tuyên truyền qua đa dạng các hình thức như: tuyên truyền trên báo chí; cổng thông tin điện tử; hệ thống thông tin cơ sở; trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; tuyên truyền trực tiếp, cổ động trực quan…
Các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch số 71/KH-UBND. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền công tác triển khai đảm bảo ATTP trong các nhóm dân cư, phát huy các kênh thông tin cơ sở tại thôn, tổ dân phố (mạng xã hội, loa nội bộ, bảng tin công cộng…); vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác đảm bảo ATTP…
An toàn thực phẩm có vai trò quan trọng trong đời sống
An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội, không những nó ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, đến sự phát triển của giống nòi, thậm chí tính mạng người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội.
Bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ nâng cao sức khỏe người dân, tăng cường nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở nước ta là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục kiến thức khoa học kỹ thuật và pháp luật về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức và thực hành của cộng đồng.
Đặc biệt, điều kiện bắt buộc đòi hỏi chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là phải có kiến thức về an toàn thực phẩm.