Xứ nhãn du ký
Đến đất nhãn Hưng Yên ta có cảm giác thương cảng sầm uất ngày xưa đang nằm nghỉ ngơi tựa như một chứng nhân đã đi qua một kiếp đoạn trường với biết bao mệt mỏi để hoài niệm về một quá khứ huy hoàng một đi không trở lại. Nhưng chính cái sự mệt mỏi ấy đang trở thành một sức hấp dẫn đặc biệt với người xem.

Đền Đa Hòa (thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên
Bâng khuâng trên khúc sông huyền thoại
Theo con đường trên mặt đê phía tả ngạn sông Hồng chúng tôi xuôi về phố Hiến để đến với vùng đất nổi tiếng một thời của xứ đàng ngoài mà từng được người đời truyền tụng là tiểu Tràng An và đi liền cùng với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Buổi nay, đất trời thoáng đãng của tiết thanh minh, dòng sông kiến tạo nên đồng bằng châu thổ Bắc Bộ khá êm đềm. Mặt nước không còn “ngầu lên sắc đỏ” mà thay vào đó là một màu xanh trong đang bình thản, lặng lẽ xuôi về phía biển giữa nắng vàng và gió ấm. Chẳng những thế, thi thoảng, nó còn có vẻ bồng bềnh để nô giỡn với những vầng mây xanh, mây trắng đang la đà rong chơi theo hàng ngàn con sóng; hòa cùng các đám hội đang tưng bừng, náo nhiệt của những làng quê bên sông khiến cho lòng người không khỏi rạo rực.
Cứ thế, mê mải với màu nắng thiên thanh và những rộn ràng trống hội theo dọc triền đê chúng tôi đi về xứ nhãn; bỏ lại sau lưng những bức bối, ngột ngạt bởi khói bụi, ùn tắc giao thông; chìm dần vào cái trạng thái mơ màng của những sắc màu huyền thoại cùng bao nét rêu phong của cái nơi từng là gió mây buồm gấm.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi ở xứ nhãn của vùng đất Sơn Nam xưa là đền thờ tình yêu, tức đền Đa Hòa (xã Bình Minh huyện Khoái Châu; nơi thờ đức thánh Chử Đồng Tử và hai người vợ của ông) ở bên khúc sông Hồng huyền thoại. Tương truyền, ở bờ bên kia, phía bãi xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín), cách ngày nay hàng ngàn năm, một chàng trai nghèo con nhà chài lưới rất mực hiếu thảo đã gặp gỡ và nên duyên cùng nàng công chúa vô cùng xinh đẹp Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ mười tám. Ngôi đền tình yêu ấy nằm trên một địa thế thoáng, đẹp. Đền nhìn về phía sông Hồng với dòng nước cuồn cuộn phù sa từng là nơi lưu dấu huyền thoại về một mối tình bất tử.

Bàn thờ Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân (Đền thờ Đa Hòa)
Đứng bên này sông nhìn về bên kia, tôi lại mường tượng về cái giây phút định mệnh thần tiên của người xưa, khi người trai con ông Chử Cù Vân vì nhường khố cho cha mà phải vùi mình trong cát và bị hiện nguyên hình với một trăm phần trăm sự thật trong màn tắm giữa bốn bề sông nước của người con gái vua Hùng dưới một gầu nước để rồi lại nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn mà vô tình đọc được: “Thì em vẫn được quyền cởi áo/ Trút dưới chân trần tất cả những mùa đông/ Giọt nước đầu tiên từ vai em rơi xuống/ Bật chồi lên châu thổ sông Hồng” (Phóng túng sông Hồng). Cái giọt nước của Tiên Dung ngày ấy không chỉ làm phát lộ chàng trai Chử Đồng Tử để làm nên thiên tình sử bất diệt mà bắt đầu từ đây, theo dấu chân tình yêu của họ trên những nẻo đường phù sa của đôi bờ Hồng Hà trong hành trình đi về phía biển những làng mạc, xóm thôn dần được mọc lên và ngày càng trù phú.
Là một trong “Tứ bất tử”, Đức thánh Chử Đồng Tử sống mãi trong tâm thức người Việt, điều ấy hẳn là hiển nhiên. Theo dọc sông Hồng, người ta kiểm đến thấy có đến hơn bẩy mươi nơi thờ người. Trong số ấy, trên đất Hưng Yên có đến hơn bốn mươi nơi thờ cúng đức thánh. Và hai nơi thờ tự lớn nhất, nổi tiếng linh thiêng nhất là đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch. Một nơi là trên khúc sông chứng kiến tình yêu bắt đầu (khúc sông Hồng ở bãi Tự Nhiên đối diện với bãi sông ở Bình Minh) và một nơi là chốn ngài “hóa”.
Công trình kiến trúc tâm linh Đa Hòa được làm trên nền của ngôi đền cổ, vốn là nơi thờ vọng Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân. Tương truyền, khi xưa, tại bến Đa Hòa, nơi nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên ở bên kia sông Hồng, những người dân làm nghề chài lưới đã lập một đền nhỏ để thờ Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.
Về sau, các thuyền buôn mỗi lần lên Kẻ Chợ hoặc xuống Phố Hiến cất hàng, bán hàng khi đi qua nơi này đều dừng thuyền lên đền thờ vọng thắp hương cầu xin phù hộ. Và rồi đến cuối thế kỷ XIX, năm 1894, tiến sĩ, thi sĩ Chu Mạnh Trinh vì yêu mến nơi này nên đã hưng công, thiết kế và chỉ đạo xây dựng để biến một ngôi đền nhỏ thành một thắng cảnh bên sông như bây giờ.
Nhìn tổng thể đền Đa Hòa được kiến trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Đền nằm trên trục thần đạo độc đáo với mười tám công trình lớn, nhỏ trên tổng diện tích gần mười chín nghìn mét vuông. Nhiều người bảo con số mười tám là một con số rất đẹp và có nhiều ý nghĩa mà nhà nho Chu Mạnh Trinh muốn gửi gắm vào đây khi thiết kế. Con số ấy vừa gợi cho người ta nhớ đến độ tuổi mà nàng công chúa xinh đẹp con gái vua Hùng gặp chàng trai nghèo làm nghề đánh cá người làng Chử Xá ở bãi Tự Nhiên vừa làm người ta nhớ đến thời gian diễn ra cuộc tình duyên thiên định: thời Hùng Vương thứ mười tám.
Các công trình chính của đền Đa Hòa đều nằm trên trục thần đạo, gồm có: nhà bia, nghi môn, gác chuông, gác khánh, ngọ môn, thảo xá, thảo bạt, đại tế, thiêu hương, cung đệ nhất, cung đệ nhị, cung đệ tam, hậu cung, nơi thờ tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, sân chầu, đường đi … Kiến trúc của đền Đa Hòa mang đậm dấu ấn của thời Nguyễn. Nét đặc biệt của đền Đa Hòa là khi nhìn từ trên cao xuống người ta sẽ thấy khối công trình giống như đoàn thuyền rồng cách điệu.
Các công trình hai tầng tám mái với những thiết kế đầu đao cong vút, uốn lượn trên mây khiến người ta hình dung ra cảnh những thuyền rồng của nàng công chúa năm xưa đang dập dìu trên bến sông mênh mông sóng nước. Toàn bộ khố công trình ấy ẩn hiện thấp thoáng dưới những tán cây cổ thụ nhìn rất cổ kính, trang nghiêm.
Trong đền hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều đồ thờ cùng với các bảo vật quý giá, nhất là ba pho tượng bằng đồng (Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Tây Sa công chúa). Chiêm bái đền Đa Hòa với những kiểu kiến trúc theo lối cung đình người ta dễ nhận ra sự dung hợp hài hòa của các nét văn hóa Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và mang đậm màu sắc Việt Nam.
Ở một vị trí không xa, cách đền Đa Hòa khoảng ba cây số là đền Dạ Trạch (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch). Ngôi đền này gắn liền với truyền thuyết về đầm Dạ Trạch. Tương truyền, Chử Đồng Tử và hai người vợ là công chúa Tiên Dung và Tây Sa đã “hóa” về trời vào đêm ngày mười bẩy tháng mười một (âm lịch). Và vùng đất này cũng chỉ sau một đêm đã sụt xuống thành một đầm lớn, gọi là đầm Dạ Trạch (đầm được hình thành sau một đêm). Cũng chính bởi huyền thoại này mà người dân địa phương đã lập đền thờ vợ chồng Chử Đồng Tử và đặt tên đền là Dạ Trạch hay còn gọi là đền Hóa.

Đền Dạ Trạch (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên)
Tương truyền đền Dạ Trạch có từ rất lâu rồi. Thủa xưa hình hài đền ra sao thì không rõ nhưng ngôi đền hiện nay mang dấu vết của nhiều lần tu sửa. Ngôi đền mang đậm kiến trúc nhà Nguyễn và có ghi thời gian trùng tu là năm 1890. Kiến trúc của đền kiểu chữ Công, mặt hướng chính đông, nhìn ra hồ bán nguyệt. Nét kiến trúc đáng chú ý là ở hậu cung. Gian hậu cung được thiết kế đẹp nhất với mái vòm cuốn tam cấp. Nhìn mái vòm này người ta sẽ tưởng tượng như đang được đứng trong một khoang thuyền.
Đi từ ngoài vào trong, ta sẽ thấy phía bên phải là ban thờ thổ công, tượng quan võ, rồi đến ban thờ các vị thân sinh của Đức thánh; bên trái là ban thờ Bế ngư thuyền quan (tượng cá chép hóa rồng sơn son thếp vàng), tiếp theo là ban thờ Triệu Việt Vương (548 - 571). Cuối cùng là hậu cung đặt ba khám thờ: Đức Thánh Chử Đồng Tử (ở giữa), Hoàng hậu Tiên Dung công chúa (bên trái), Thứ phi Tây Sa (bên phải).
Ngoài ra trong hậu cung còn thờ hai ngựa gỗ (một màu đỏ, một màu trắng), tương truyền sinh thời Đức Thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân thường dùng những con ngựa có màu như thế đi chữa bệnh cứu dân. Ngoài ra, trong đền còn có lầu chuông, bên trong đặt một chuông đúc năm 1902; nhà để kiệu, bia đá và nhiều đồ thờ quý giá; đặc biệt có thờ chiếc nón và cây gậy bằng gỗ - hai vật mà Chử Đồng Tử được Phật Quang tặng cho và dùng để cứu nhân độ thế. Hai bảo bối này của Chử Đồng Tử trong đền Dạ Trạch làm người xem thích thú và nhớ đến truyền thuyết với những lâu đài tòa ngang dạy dọc hiện lên trong một đêm và cũng biến mất cũng chỉ trong một đêm.

Cây gậy và chiếc nón của Chử Đồng Tử, được Phật Quang tặng (đền thờ Dạ Trạch)
Về với đền Dạ Trạch người ta không chỉ được sống trong huyền thoại của Chử Đồng Tử mà còn được hoài niệm với những chiến tích đánh thắng giặc Lương của Triệu Quang Phục, hay giấc mộng của Nguyễn Trãi về phò Lê Lợi đánh thắng giặc Minh. Nghe nói ngôi đền này cũng do một tay của tiến sĩ, nhà thơ Chu Mạnh Trinh thiết kế và hưng công xây dựng.
Bây giờ cả hai di tích đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch đều đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đến với hai di tích đặc biệt này ta không chỉ được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc tài hòa trong những nét rêu phong, cổ kính của người xưa để lại mà còn được trở về với dòng sông thơ mộng và mối tình tuyệt đẹp của đôi uyên ương từ hàng ngàn năm trước.
Hai ngôi đền ấy chẳng những là các địa chỉ tâm linh mà còn là nơi giữ hồn dân tộc với những giá trị nhân văn cao cả ngàn đời. Người đời ca ngợi và tôn thờ Đức thánh Chử Đồng Tử, trước hết là ca ngợi và tôn thờ chữ “Hiếu”. Phẩm chất “người” đầu tiên của Đức thánh là vẹn toàn chữ hiếu với hai người cha. Với cha đẻ là ông Chử Cù Vân, Đức thánh không nỡ để cho cha đi về với tổ tiên bằng tấm thân trần nên đã dành để cho cha chiếc khố duy nhất: “Khố này cha mặc thân con liệu bề”. Một hành động rất nhỏ, rất bình dị nhưng đã thể hiện được một tinh thần vô cùng cao đẹp mà không phải người con chí hiếu nào cũng dễ dàng làm được.
Đối với cha vợ (Hùng Vương thứ mười tám), dù đã đắc đạo thành tiên và có bảo bối của Phật Quang ban tặng, Chử Đồng Tử hoàn toàn có thể đánh bại đội quân đang bao vây quanh mình nhưng “Đạo làm con đâu dám chống lại cha” nên người đã lặng lẽ cùng hai người vợ tháo nón, nhổ gậy, “lướt sóng đi vào cõi tiên”. Hành động này của Chử Đồng Tử đâu chỉ có “hiếu” mà còn có cả chữ “trung”. Một chữ “trung” trong hoàn cảnh này quả thực là khó làm với rất nhiều người. Chỉ bằng những hành động vậy thôi, Chử Đồng Tử đã xứng là vị thánh bất tử trong tâm thức dân gian.
Người đời tôn thờ Chử Đồng Tử ngoài chữ “hiếu”, chữ “trung” còn có một chữ “tình”. Đó là một tình yêu trong sáng, không vụ lợi, không phân biệt sang hèn … Trong xã hội phong kiến thời xưa một nàng công chúa nghiêng nước nghiêng thành lấy một người nghèo không một manh khố như Chử Đồng Tử là một điều rất hiếm. Cho nên cuộc gặp gỡ định mệnh của hai người trên bãi sông thơ mộng, giữa thanh thiên bạch nhật mãi được coi là một thiên tình sử vô tiền khoáng hậu.
Lễ hội làng Đa Hòa nhằm tôn vinh, ca ngợi thiên tình sử trong sáng. Đó cũng là sự cổ vũ, ca ngợi, tôn vinh tình yêu và hôn nhân tự do. Không dừng lại ở đấy, cùng với không gian thờ tự, Chử Đồng Tử và hai người vợ còn sống mãi trong lòng nhân dân qua những huyền thoại. Cho nên mối tình cao đẹp của ba người và sự hóa thân vào cõi bất tử của họ còn là một bài ca về một mơ ước ấm no, hạnh phúc và hòa bình.
Huyền thoại ở đền Dạ Trạch, vợ chồng Chử Đồng Tử hiện lên như những người anh hùng sáng tạo văn hóa. Họ biến cải đầm lầy thành làng mạc, trù phú. Họ làm thuốc cứu dân độ thế. Họ vượt biển đi buôn bán ở những miền xa. Thậm chí họ còn là những anh hùng dân tộc. Sau khi “hóa” Chử Đồng Tử còn hiển linh giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương; báo mộng cho Nguyễn Trãi về Thanh Hóa tụ nghĩa để cùng Lê Lợi và cùng nghĩa quân Lam Sơn quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Về đất Khoái Châu, chiêm bái hai ngôi đền của vị thánh trong lòng dân, người ta không khỏi bâng khuâng với những nỗi niềm mơ ước của người xưa, đâu đó như vẫn còn đấy, đang lắng đọng thành những lớp trầm tích theo cùng thời gian.
Ngọt thơm hương vị nhãn lồng
Sáng dậy, sau một hồi tản bộ vòng quanh hồ nước ở công viên Nam Hòa để ngắm cò, ngắm vạc rồi lại sang hồ Bán Nguyệt để được sảng khoái cùng hương nhãn đầu mùa ở thủ phủ phố Hiến, tôi trở về khách sạn tắm rửa rồi xuống đường xà vào một quán cóc làm một chén trà chào buổi sáng.
Chị chủ quán hãm trà ướp sen thật khéo, cầm chén trà đang bốc hơi nghi ngút trên tay, khẽ đưa lên miệng hít hà hơi nước vào khoang mũi, rồi nhấp từng ngụm nhỏ và để cho hương thơm tan dần trong khoang miệng, tôi cảm thấy thực sự sảng khoái bởi vị chát và ngọt hậu của đệ nhất danh trà Thái Nguyên cùng hương hồng sen dìu dịu.
Nhấp từng ngụm nước để cho dần trôi qua cổ mà hương sen, vị trà đâu đó cứ như phảng phất ở mãi nơi cuống họng. Và bên ấm trà, lan man câu chuyện của trà sen chuyển sang câu chuyện của nhãn lồng với mùi hương đang quấn quýt trên đầu với chị chủ quán từ lúc nào cũng chẳng thể nào nhớ rõ.

Cây nhãn Tổ trong chùa Hiến ở Hưng Yên
Chúng tôi trở lại phố Hiến lần này không phải mùa nhãn chín mà đương mùa hoa nhãn. Khắp trong đất trời phố Hiến chỗ nào cũng thoang thoảng làn hương dịu nhẹ nhưng miên man không dứt của cái giống hoa màu vàng nhạt và cánh nhỏ li ti. Giữa mênh mông phố phường, trên những tán “nấm” khổng lồ, xen cùng chồi non lộc lá xanh biếc là những chùm hoa thắp sáng bầu trời. Những chùm hoa ấy đang níu san sát bên nhau để kết thành những mâm lễ phẩm đặc biệt hiến dâng cho trời đất mùa xuân với vị hương đầu mùa hết sức thanh khiết.
Những mâm lễ phẩm tự nhiên ấy vừa tôn thêm vẻ đẹp cho phố phường vừa thả sức dụ ong đến làm mật xôn xao, gọi bướm bay về dập dìu để đơm bông kết trái khiến xứ nhãn hiện ra như thể đang trong một vũ hội festival. Và, sau mỗi cơn gió thoảng về, trên khắp mọi lá cành khe khẽ của chuyển động khiến thân nhãn rung lên xao động. Rồi liền sau đó là những trận mưa hoa trút xuống, vương lên mái tóc người đi trên phố mà lưu lại chút hương thầm xao xuyến hay trải ra trên mặt đường, vỉa hè với những thảm hoa vàng li ti làm mơ màng những bước chân qua. Cái sắc hương tháng ba xứ nhãn là vậy! Chỉ một lần ngang qua mà bao lần vẫn còn thổn thức.
Vẫn biết, Hưng Yên từ lâu đã nổi tiếng với đặc sản nhãn lồng. Và, nếu ai đã từng đến phố Hiến vào mùa nhãn chín (tháng sáu âm lịch) hẳn sẽ hiểu rõ hơn về cái tên gọi “xứ nhãn” hay “thủ đô” nhãn. Khác với các thành phố ở mọi nơi, đường phố ở Hưng Yên, đặc biệt là phố Hiến người ta trồng phổ biến là cây nhãn. Nhãn trồng rất nhiều, không phải chỉ ở trong vườn mà còn cả từ ngõ ra tận ngoài đường, trên các hè phố. Người ta có cảm giác, ở nội đô cổ kính của Hưng Yên chỗ nào hở đất là ở đấy trồng nhãn.
Suốt dọc hai bên đường phố, nhìn từ xa, những vòm cây xòe ra làm người ta tưởng tượng những cây “nấm” khổng lồ nhưng đến gần, hóa ra những thân nhãn. Những cành nhãn khẳng khiu cùng với tán lá màu xanh, cánh lá thon dài tựa như những cánh tay quều quào vươn ra bốn phía từ cái thân cây màu đen nâu, sần sùi lớp vỏ. Thoạt nhìn những gốc nhãn gân guốc, vặn vẹo, ngả nghiêng ấy người ta cứ nghĩ là thân cây cằn cỗi, già nua nhưng thực ra không phải vậy.
Đằng sau cái dáng dấp cong queo, xù xì, xám đen kia lại một thân nhãn bền bỉ, dẻo dai không tưởng. Nó giống như người thiếu phụ đang hoài thai chờ mùa về để mặc sức bung ra những chùm quả chi chít, lúc lỉu, căng mọng trong làn hương thơm dịu nhẹ làm cho người ta không thoát khỏi những cơn thèm thuồng đến chết khi mà đã trông thấy.
Thú thật, tiết trời tháng ba sáng trong như tôn thêm vẻ đẹp của mùa hoa xứ nhãn. Dưới những rặng hoa vàng như những mâm xôi dâng lên bầu trời xanh trong, phố phường quê nhãn hiện lên thật yên ả, thanh bình. Nó không huyên náo, ồn ào, tấp nập như kẻ chợ mà nhẹ nhàng như hương nhãn đang dịu dàng tỏa ra theo từng cơn gió thoảng và miên man bên những đền, miếu rêu phong khiến người xứ lạ không khỏi hiếu kỳ, thích thú, đắm chìm trong hương phố.
Chẳng những thế, những chùm hoa xôn xao ấy còn hòa vào sắc trời tháng ba làm thành những chùm hoa nắng đung đưa hai bên lề phố hay nhảy nhót, rung rinh trên mặt đường, bàn nước của mấy quán cóc trên vỉa hè khiến cho câu chuyện về nhãn của người bán nước với người lữ khách càng thêm phần rôm rả.
Chị chủ quán trà bảo, thiên hạ khắp nơi trồng nhãn, nhưng chẳng nơi nào có nhãn ngon bằng thứ nhãn lồng quê chị: phố Hiến - Hưng Yên. Chị kể, thời xưa quả nhãn quê chị dùng để tiến vua, dâng chúa. Kể rồi chị lại ví von mấy câu ca ngợi nhãn lồng cho anh em chúng tôi cùng nghe: “Dù ai buôn Bắc bán Đông/Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên” (Ca dao); “Hỡi cô yếm thắm giải là/ Mua dăm túm nhãn làm quà đi em/ Nhãn này chính nhãn đường phèn/ Ăn vài quả nhãn sẽ quên đường về” (Ca dao); “Nhãn lồng bổ ngập dao phay/ Gà con xuống ổ bảy ngày cân tư”.
Ví von rồi chị lại kể tiếp, nói vậy thôi chứ nhãn Hưng Yên cũng có nhiều loại, nhiều giống lắm. Nào là nhãn cùi, nhãn điếc, nhãn thóc, nhãn nước, nhãn gỗ, nhãn trắng, nhãn đường phèn… Trong các loại nhãn ấy chỉ có nhãn đường phèn, tức nhãn lồng là loại nhãn ngon nhất. Theo lời chị, nhãn đường phèn quả to; vỏ mỏng, da vỏ vàng tươi; hương thơm tinh khiết, dịu nhẹ.
Cầm quả nhãn trên tay, bóc lớp vỏ ra sẽ thấy bên trong cùi có màu trắng ngà, dày; có hai lớp thịt xếp lên nhau (cùi lồng vào nhau nên gọi là nhãn lồng); mọng nước; đậm vị, ngọt sắc; giòn dai; hạt nhỏ. Thưởng thức thứ nhãn ấy người ta sẽ thấy hương thơm dịu nhẹ quyện cùng vị ngọt đậm đà, giòn dai của thịt nhãn, nên dù chỉ một lần thôi cũng đủ khiến cho ai có diễm phúc thưởng thức nhớ mãi cả một đời.
Nói rồi chị chỉ tay về phía cây nhãn trước cửa nhà mình và bảo. Cây này là nhãn đường phèn đấy. Tháng sáu này các chú quay lại thoải mái hái xuống mà ăn. Nhãn ngon lắm. Còn cái cây kia, chị chỉ tay sang bên đường, phía cây nhãn đang chằng chịt dây tơ hồng vàng ươm chùm lên gần hết vòm hoa lá, là giống nhãn nước đấy, ăn nhạt lắm, cùi dính vào hạt, bóc là chảy nước, khó ăn lắm. Nói rồi như chợt nhớ ra điều gì chỉ lại kể, năm Minh Mạng thứ 11, tức năm 1830, quả nhãn lồng chính thức chọn đưa vào kinh đô để tiến vua nên từ đó nhãn lồng còn được gọi tên khác là nhãn tiến vua.
Chị còn nói, các cụ ở phố Hiến truyền lại, người nước ngoài tinh lắm, hồi còn trên bến dưới thuyền, quả nhãn lồng đã trở thành một thứ hàng hóa đặc biệt để theo chân các nhà thương lái đến Nhật Bản, Anh, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Hà Lan, Thái Lan … với số lượng rất lớn. Cứ thế mà chị say giới thiệu cho chúng tôi nghe về giống nhãn hảo hạng quê mình. Và rồi, như chợt nhớ ra điều gì, chị kể tiếp. Giống nhãn lồng quý hiếm ấy ở phố Hiến hiện vẫn còn một gốc cổ đấy. Cây ấy bây giờ được gọi là cây nhãn Tổ, được trồng ở trước cửa chùa Hiến. Cây to lắm, xum xuê, các chú cứ vào mà xem.
Trước đây và bây giờ, mỗi khi vào mùa nhãn chín, nhà chùa lại hái xuống để dâng lên đức Phật và cúng thần thành hoàng ở ngôi đình ngay bên cạnh chùa, sau đó để quan lại địa phương tiến vua. Ở chùa Hiến bây giờ cây nhãn Tổ chỉ là hậu duệ thôi. Thân chính của cây già cỗi, ruỗng và bị đổ. Một nhánh còn lại của được nhà chùa và người dân làng trồng lại, chăm sóc nên phát triển thành cổ thụ như bây giờ. Cây nhãn tổ ấy có tuổi đời cũng khoảng chừng bốn trăm năm. Hiện giờ nó được coi như một biểu tượng của giống nhãn đặc sản Phố Hiến – Hưng Yên.
Chị bảo ở phố Hiến quả nhãn lồng ấy còn được gọi “Vương giả chi quả” (tức vua của các loài quả). Chỉ bảo nhãn ấy là quà tặng của trời cho đất Phố Hiến. Nhãn không chỉ dùng để ăn tươi mà còn bóc ra nấu chè. Chè nhãn thơm ngon nức tiếng. Chẳng vậy cùi nhãn bóc ra còn có thể sấy khô làm long nhãn. Long nhãn được dùng để ngâm rượu, làm thuốc. Rượu nhãn uống điều độ, mỗi ngày uống một vài chén, miệng ăn cơm sẽ ngon hơn, tối giấc ngủ sẽ sâu hơn.

Tác giả trước tam quan Văn Miếu Xích Đằng
Lắng nghe chị kể về giống nhãn quí quê mình, bất chợt tôi nhớ lại nỗi niềm của Vũ Bằng, một nhà văn xa xứ, từng da diết nhớ về quê hương, đất Bắc khi bước sang tháng sáu với hương vị nhãn lồng: “Nhưng thứ nhãn ấy đã ăn thua gì với nhãn lồng, nhãn tiến. Không to sồ sồ như thế mà ăn vào còn mê ly gấp ngàn lần! Cái giống nhãn này lớn chừng nào thì cùi dày chừng nấy, lột vỏ ra không có nước dính tay, nhưng ăn vào thì nước nhiều, hương thơm ngào ngạt, nhần mãi mới thấy cái hột, có khi chỉ to bằng đầu ngón tay của đứa trẻ con mới đẻ” (Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng). Và rồi, tôi lại nhớ tới những điều ghi chép về giống nhãn đặc sản ấy của cụ Lê Quý Đôn: “mỗi lần bỏ vào miệng, thì tận trong răng, lưỡi đã nảy ra vị thơm, tựa như nước thánh trời cho” (Phủ biên tạp lục).
Giống nhãn nổi tiếng như thế bảo sao chị bán hàng - người phố Hiến không khỏi tự hào để miệt mài giới thiệu cho những kẻ lữ khách về một đặc sản nổi tiếng của quê mình: nhãn lồng.
Phố Hiến còn lại một chút này
Trong khoảng năm trăm năm trước phố Hiến của Hưng Yên đã danh nổi như cồn. Tuy không có biển nhưng với hệ thống sông ngòi dày đặc, nổi bật là sông Hồng và sông Luộc nên phố Hiến đã trở thanh một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của đàng ngoài. Thậm chí có những lúc nơi đây được coi là tiểu Tràng An của nước Nam, là một trong những đô thị hiếm hoi của nước ta trong thời phong kiến.
Thời kỳ phồn hoa, thịnh vượng nhất của phố Hiến ấy là khi vùng đất này một thương cảng hội tụ tàu buôn của người Âu người Á khắp nơi kéo về mua bán. Người ta truyền kể, thời ấy, phố Hiến phát triển sầm uất không kém gì thương cảng Hội An ở đàng trong. Chẳng thế mà trong dân gian người ta truyền tụng: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” (Hà nội có ba sáu phố phường thì phố Hiến cũng có đến hai mươi lăm phường).

Đền Bà Chúa Kho (Thương Tỉnh Linh từ) nằm ở khu phố Điện Biên III, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên
Sự hưng thịnh của phố Hiến khi ấy có lẽ ngoài yếu tố địa lý, gần kinh thành; sông nước thuận lợi tôi nghĩ còn có một nguyên nhân khác, thuộc về yếu tố chủ quan của triều đình đương thời. Có lẽ cũng giống như sự thịnh vượng của thương cảng Vân Đồn trước đó.
Các triều đình đương thời không muốn cho người ngoại quốc tiến gần vào nội địa hay kinh thành để phòng tránh các hoạt do tham, gián điệp nhằm tránh gây phương hại đến an ninh quốc gia, của kinh thành. Tuy nhiên thời gian trôi đi, thế gian có biết bao biến cải. Một phố Hiến thương cảng sầm uất trên bến dưới thuyền ngày nào nay đã trở thành một chốn rêu phong, chỉ còn lại trong ký ức của lịch sử văn hóa dân tộc.
Cùng với những câu ca lưu truyền về một thời kỳ phố Hiến hưng thịnh thì thương cảng đô hội một thời với tư cách là cửa ngõ giao thương bậc nhất của kinh thành Thăng Long hiện vẫn còn lưu trên mình không ít những dấu tích vật chất. Đó là các công trình huy hoàng một thủa xa xưa còn sót lại.

Đền Trần tọa lạc trên đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên
Dạo chơi ở phố Hiến ngày xưa trong lòng thành phố Hưng Yên hôm nay lãng khách không khỏi ngạc nhiên, thích thú để rồi phải trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp tinh xảo của những công trình ở thời kỳ thịnh vượng của phố Hiến mà bây giờ đã trở thành các danh thắng, những chứng nhân của một thời kỳ lịch sử.
Trong một không gian không rộng, phố Hiến hiện lên với một mật độ đậm đặc của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mang dấu ấn của một hành trình văn hóa phồn thịnh ở một vùng đất học, đất buôn. Nào là Văn Miếu Xích Đằng, Võ Miếu, đền Mây, đền Kim Đằng, đền Trần, đền Bà Chúa Kho, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, đền Nam Hòa, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, đình An Vũ, chùa Phố, chùa Hiến, chùa Chuông, chùa Nễ Châu, Đông Đô Quảng Hội…

Chùa Chuông tên chữ là Kim Chung Tự nằm tại phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên

Chùa Phố có tên chữ là Bắc Hòa Nhân Dân tự, tọa lạc tại đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên
Tuy cảnh xưa không còn hoặc đã tàn phai ít nhiều nhưng những dấu nét văn hóa một thời hay kí ức về lịch sử đâu đó vẫn còn vương vấn và được lưu giữ trong từng di tích hay danh thắng. Bắt đầu là Văn Miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn) cổ kính rêu phong. Nơi đây được coi là biểu tượng của nền văn hiến và sự tôn vinh truyền thống hiếu học của người Sơn Nam, đồng thời nơi thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo của người Hưng Yên thời xưa.
Hình ảnh tam quan với lối kiến trúc trồng diềm hai tầng tám mái cùng những lầu gác, bục loa gợi cho người xem về những hoạt động xướng danh sĩ tử trong các kỳ thi hương từng diễn ra ở nơi này. Hình ảnh lầu chuông, lầu khánh gợi lên những âm thanh báo hiệu giờ thi đã bắt đầu và kết thúc; đồng thời cũng là những tiếng thỉnh cầu tri ân với những bậc hiền nho trong mỗi kỳ lễ hội.
Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được chín tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ của một trăm sáu mươi mốt vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam thượng ngày xưa; trong đó Hưng Yên có một trăm ba tám người, Thái Bình có hai mươi ba người. Tiếp đến là đền Thiên Hậu, đền Mẫu, Đông Đô Quảng Hội … là những công trình mang đậm dấu ấn của sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Hoa ở nơi đây.
Đền Thiên Hậu (Phường Quang Trung) thờ bà Lâm Tức Mặc (một vị thần biển). Tương truyền bà rất thông minh, có tài hô mưa gọi gió và thường dùng phép thuật cưỡi chiếu bay dạo trên biển. Bà hay giúp dân lành mỗi khi mất mùa đói kém. Sau khi bà hóa còn thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển cứu giúp tàu thuyền qua lại. Người Hoa tôn bà làm thần Hàng Hải cho nên ở đâu có người Phúc Kiến thì ở đó có đền thờ bà Thiên Hậu.

Đền Thiên Hậu (Phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên)
Đền Thiên Hậu mang đậm màu sắc kiến trúc Trung Hoa với nghi môn làm giống như một ngôi nhà, mái lợp ngói ống. Hệ thống cánh cửa đục khắc hình quan văn, quan võ và người theo hầu. Trước nghi môn có đôi nghê chầu: con đực ngậm ngọc, con cái ôm con bú nhìn rất sinh động.
Nghe kể cổng nghi môn, nhà thiêu hương, mái, đao góc và cách kết cấu vì kèo có nhiều thứ được làm ở Trung Quốc rồi mang đến Phố Hiến cất dựng. Cũng là thờ người Trung Hoa nhưng đền Mẫu (phường Quang Trung) có kiến trúc khác hẳn với đền Thiên Hậu. Kiến trúc đền Mẫu khá thuần Việt và mang đậm dấu ấn thờ Lê và thời Nguyễn. Rõ nhất là cổng nghi môn. Cổng được thiết kế theo kiểu chồng diềm hai tầng tám mái, đầu đao uốn cong mềm mại; cửa xây cuốn vòm với một cửa chính và hai cửa phụ.
Đền Mẫu thờ bà Dương Quý Phi, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa. Cùng đó, một trong những dấu ấn về sự phát triển giao thương của phố Hiến là di tích đền Đông Đô Quảng Hội (phường Hồng Châu). Người ta kể, vào thời nhà Thanh, do bị thống trị quá mức nên nhiều người Minh đã bỏ quê hương đến Phố Hiến làm ăn. Khi đã an cư ở đây họ bắt đầu làm đền.

Đền Mẫu tọa lạc trên đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên
Đông Đô Quảng Hội được xây dựng vào năm 1590 và mang đậm nét văn hóa Trung Hoa. Nguyên liệu làm đền và đồ thờ của đền đều được mang từ Trung Hoa sang. Đền thờ những vị thần của Trung Quốc như thần Thái Y (vị thần chủ về thuốc), thần Hoa Quang (vị thần chủ về bách nghệ), thần Nông (vị thần chủ về nghề nông, chăn nuôi, trồng trọt).
Kiến trúc của đền Đông Đô Quảng Hội hiện nay chỉ còn một tòa nhà, gồm ba hạng mục là gian tiền tế, trung từ, hậu cung. Mái lợp ngói vảy, cột gỗ kê trên chân đá thắt cổ bồng, cửa chạm hình các con vật như chim phượng, ngựa, hươu, nai, chim, thú và các loài cây quý như tùng, mai...
Tuy mang dáng dấp kiến trúc của Trung Quốc nhưng trang trí của đền vẫn có những nét kiến trúc giống Việt Nam như rồng chầu, hổ phù trên y môn, khám thờ. Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều đồ thờ quý, tiêu biểu là chiếc đèn tọa đăng có niên đại từ thế kỷ XVII do Đức sản xuất.
Cùng với các đền của người Hoa, dấu ấn văn hóa một thời của phố Hiến còn được thể hiện ở các ngôi chùa rất đẹp: chùa Phố, chùa Chuông, chùa Hiến. Nét chung của các ngôi chùa này là còn giữ được hệ thống tượng từ thời xưa rất đẹp; cổng chùa khá giống nhau với những nét kiến trúc cổ kính. Đó là những tam quan được xây theo kiểu chồng diềm, hai tầng tám mái; đắp giả ngói ống; đầu đao uốn cong; có các họa tiết, hoa văn trang trí như hình rồng đắp nổi, nghê chầu; đắp các câu đối bằng chữ Hán ...
Tam quan có ba cửa với một cửa chính và hai cửa phụ. Nổi bật nhất trong các chùa ở phố Hiến phải kể đến chùa Chuông (phường Hiền Nam). Chùa được đánh giá là “Đệ nhất phố Hiến danh thắng”.
Theo tài liệu ghi lại thì chùa được làm vào thế kỷ XV và qua nhiều lần tu sửa nhưng chùa vẫn giữ được các nét nghệ thuật của thời Hậu Lê. Nhìn tổng thể, kiến trúc chùa Chuông có bố cục hài hòa, theo kiểu “Nội công ngoại quốc”.
Các công trình của chùa bao gồm các hạng mục: tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà mẫu, lầu chuông và hai dãy hành lang. Các công trình này được nằm cân xứng trên trục đường từ Tam quan đến nhà Tổ.
Chùa nhìn về hướng Nam (hướng của “Bát Nhã” và “Trí Tuệ”). Từ ngoài vào trong, ta qua tam quan là tới cây cầu đá xanh bắc qua cái ao giống như mắt rồng. Qua cầu ta lên con đường độc đạo cũng bằng đá để vào tiền đường, đây là con đường chân chính đưa con người thoát khỏi bể khổ. Tiền đường có quy mô năm gian hai chái. Sau tiền đường là khoảng sân nhỏ, giữa sân có cây hương đá còn gọi là “Thạch trụ”, trên bốn mặt có khắc chữ Hán ghi công đức của nhân dân đóng góp tu sửa chùa.
Tiếp đến là thượng điện. Thượng điện cũng năm gian hai chái. Bên trong thượng điện sắp xếp nhiều pho tượng được tạo tác công phu như: tượng Tam Thế, các vị Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, tượng Thần Nông...
Qua Thượng điện là hai dãy hành lang đối xứng nhau. Trên hành lang có đặt rất nhiều tượng như “Thập điện Diêm Vương” diễn tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua nơi âm giới theo triết lý nhân quả của nhà Phật; tượng “Bát Bộ Kim Cương”, tượng “Thập Bát La Hán”; cuối dãy là tượng Đức Ông, đứng cạnh có Già Lan - Chân Tể và tượng Đức Thánh Hiền, đứng cạnh có Diệm Nhiên - Đại Sỹ.
Những đền đài, danh thắng ở phố Hiến bây giờ dường như cũng chẳng thể che giấu được sự già nua nữa. Nước thời gian dường như đang đọng lại thành những nét rêu phong. Đến đất nhãn Hưng Yên ta có cảm giác thương cảng sầm uất ngày xưa đang nằm nghỉ ngơi tựa như một chứng nhân đã đi qua một kiếp đoạn trường với biết bao mệt mỏi để hoài niệm về một quá khứ huy hoàng một đi không trở lại. Nhưng chính cái sự mệt mỏi ấy đang trở thành một sức hấp dẫn đặc biệt với người xem. Mong rằng phố Hiến hãy giữ được nguyên vẹn những nét rêu phong còn lại để người sau đến Hưng Yên không chỉ được nghe mà còn nhìn thấy những dấu ấn huy hoàng của một thời đã qua.