Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật quốc gia của Ấn Độ được rước qua nhiều địa phương
Chiều 22-4, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo công bố Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8-5 tại TPHCM, với chủ đề: 'Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững'.

Họp báo Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (LHQ) là một trong những sự kiện Phật giáo quốc tế quan trọng nhất diễn ra hàng năm, được LHQ công nhận từ năm 1999 nhằm tôn vinh ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn. Sự kiện quốc tế quan trọng này là cơ hội để Việt Nam giới thiệu đến thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, con người thân thiện, đoàn kết và giàu lòng nhân ái.
Các hoạt động bên lề Đại lễ Vesak LHQ 2025 sẽ chính thức khởi động từ ngày 28-4, bao gồm chuỗi sự kiện văn hóa, lễ hội đặc sắc như: Đàn lễ tưởng niệm tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng ba miền Bắc, Trung, Nam; Lễ tắm Phật truyền thống; Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; Triển lãm mỹ thuật Phật giáo…
Theo Thượng tọa Thích Gia Quang, điểm đặc biệt trong kỳ Đại lễ lần này, so với ba lần tổ chức trước tại Việt Nam, là việc GHPGVN, được sự thống nhất từ Chính phủ hai nước Việt Nam và Ấn Độ, sẽ long trọng cung thỉnh xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật quốc gia của Ấn Độ, về tôn trí tại Đại lễ.
Hành trình cung nghinh, tôn trí và chiêm bái xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - bảo vật quốc gia của Ấn Độ, sẽ chính thức khởi đầu tại Chùa Thanh Tâm, Học viện Phật giáo Việt Nam, tọa lạc trong Công viên Láng Le (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM) từ 8 giờ ngày 2-5 đến hết ngày 8-5. Đây là điểm nhấn thiêng liêng và đặc biệt nhất trong khuôn khổ Đại lễ Vesak LHQ 2025, đánh dấu lần đầu tiên xá lợi Phật được cung thỉnh đến nhiều địa phương trên cả nước trong một hành trình chiêm bái quy mô lớn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Chính phủ Việt Nam - Ấn Độ.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, tham dự đại lễ có khoảng 1.250 đại biểu quốc tế gồm các vị Tăng vương, Tăng thống, Pháp chủ, Chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các vị cao Tăng, tiêu biểu các truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới; các nhà nghiên cứu, các học giả, giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng; các nhân sĩ tri thức Phật giáo trên thế giới và trong nước. Cùng với đó, còn có nhiều kiều bào ta ở Mỹ, Canada, châu Đại Dương, châu Âu, châu Á.