'Hồi sinh' của Tia-Thủy Nguyễn: Xà cừ bật gốc hóa thành tác phẩm tôn vinh Hà Nội

Cây xà cừ từng bị bật gốc sau 'siêu bão' Yagi hồi tháng 9 năm 2024 đã được nghệ sỹ 8X Hà Thành khoác lên diện mạo mới, ngợi ca phẩm chất của người Việt Nam nói chung, cư dân Thủ đô nói riêng.

 Cây xà cừ 70 tuổi được hồi sinh trong dáng vẻ mới, lấp lánh và bắt mắt tại vườn hoa Cổ Tân, phố Tràng Tiền, Hà Nội.

Cây xà cừ 70 tuổi được hồi sinh trong dáng vẻ mới, lấp lánh và bắt mắt tại vườn hoa Cổ Tân, phố Tràng Tiền, Hà Nội.

Những cây sấu, bằng lăng, phượng vĩ, hoa sữa, xà cừ… đã trở thành biểu tượng gắn liền với hình ảnh Thủ đô thanh lịch, làm nên nét đặc trưng cho từng tuyến phố Hà Nội. Vì vậy khi siêu bão Yagi kéo đến đầu tháng 9/2024 vừa qua, nhiều người không khỏi xót xa khi loạt cây cổ thụ bị quật ngã.

Bằng thép không gỉ và đá thạch anh, nghệ sỹ 8X Tia-Thủy Nguyễn nối dài tuổi đời hơn 70 năm của một cây xà cừ bị bật gốc tại vườn hoa Cổ Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), biến nó thành tác phẩm nghệ thuật mang tên “Hồi sinh.”

Ý tưởng được lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm ủng hộ và phê duyệt, vừa nhằm phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, vừa để phát huy giá trị lịch sử và di sản cây xanh đô thị.

Từng tham gia nhiều triển lãm quốc tế song đây là lần đầu tiên Tia-Thủy Nguyễn thực hiện trưng bày nghệ thuật tại quê nhà Hà Nội. Chị tin tác phẩm sẽ truyền thêm cảm hứng cho lối sống sự lạc quan, bền bỉ, cùng khả năng vươn lên mạnh mẽ đã đi liền với người dân Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.

Không buông bỏ để níu giữ những điều tốt đẹp

- Xin chào Tia- Thủy Nguyễn. Từ đâu mà chị có ý tưởng cho tác phẩm “Hồi sinh” tại Vườn hoa Cổ Tân, Hà Nội?

Nghệ sỹ Tia-Thủy Nguyễn: Tác phẩm "Hồi sinh" là chương tiếp theo trong chuỗi tác phẩm xoay quanh chủ đề cây, bắt đầu với tác phẩm "Hoa đời" (Flower of Life) năm 2023 tại Pháp. Ý tưởng chung của chuỗi tác phẩm này là tôi muốn lưu giữ những kỷ niệm về nỗi mất mát rất cá nhân khi cha tôi qua đời.

Cha tôi đã mất đi nhưng ông vẫn sống mãi trong tâm trí tôi. Tôi không muốn buông bỏ, mà chọn cách níu giữ, tạo ra một tình yêu hữu hình để có thể chạm vào, cầm nắm và nhìn thấy được bằng mắt.

Khi cơn bão đổ bộ vào Hà Nội, làm chết và gãy đổ hàng chục ngàn cây, nỗi xúc cảm tột cùng của một người con Hà Nội lớn lên dưới bóng mát của những tán cây xà cừ đã thúc đẩy tôi.

 Tác giả Tia-Thủy Nguyễn (trái) và kích thước cao lớn của cây xà cừ.

Tác giả Tia-Thủy Nguyễn (trái) và kích thước cao lớn của cây xà cừ.

- Dự án sắp đặt chiếc cây “Hồi sinh” của chị lần này còn có sự đồng hành của nghệ sĩ Trần Mạnh Hùng với tác phẩm “Tiếng vọng.” Hai tác phẩm sẽ phụ trợ nhau như thế nào trong việc tạo ra cảnh quan chung cho Vườn hoa Cổ Tân cũng như diện mạo của Thủ đô?

Nghệ sỹ Tia-Thủy Nguyễn: Tác phẩm "Hồi sinh" được tạo nên từ phần rễ và thân cây chính của cây xà cừ đã đổ, còn tác phẩm "Tiếng vọng" được tạo nên từ phần thân và cành của chính cây đó. Tác phẩm "Tiếng vọng" như lời thì thầm về những năm tháng mà cây xà cừ đã sống và sự tiếp biến của nó trong cuộc đời mới, trong khi ánh sáng lấp lánh trên cành lá của tác phẩm "Hồi sinh" lại rì rào về những sớm mai tươi đẹp.

Sự tương phản giữa màu xanh của lá và màu nâu chất liệu gỗ tự nhiên của cây với chất liệu thép không gỉ và đá thạch anh, tác phẩm tạo nên một sự tương tác và tiếp biến đầy thú vị. Trong từng ngày thực hiện tác phẩm, tôi cùng cộng sự đã quan sát thấy sự tương tác sống động này ngày một hiển lộ rõ ràng hơn.

Theo tôi, sự ra mắt của hai tác phẩm "Hồi sinh" và "Tiếng vọng" không đơn thuần là một nỗ lực phục hồi và làm đẹp không gian sau thiên tai, mà còn là cách tôn vinh giá trị lịch sử và di sản của cây xanh đô thị - một phần hồn cốt rất riêng của Hà Nội.

Những tác phẩm này góp phần kết nối ký ức với hiện tại, mở rộng chiều sâu của nghệ thuật đương đại và khơi gợi niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt. Tôi hy vọng công chúng sẽ cảm nhận được tinh thần lạc quan, sự bền bỉ và khả năng “vươn lên” mạnh mẽ - những phẩm chất đã làm nên con người Việt Nam qua bao thế hệ.

Yêu văn hóa Việt bằng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật

- Chị là một nghệ sỹ đương đại đa dạng trong các phương thức biểu hiện từ hội họa cho tới thời trang, và điêu khắc, sắp đặt. Một ngôn ngữ xuyên suốt thống nhất của Thủy Nguyễn là gì? Điều gì hay ai là nguồn cảm hứng lớn nhất cho chị trong quá trình thực hành nghệ thuật của mình?

Nghệ sỹ Tia-Thủy Nguyễn: Khán giả có thể thấy rằng các sáng tạo của tôi trải dài trên nhiều địa hạt nghệ thuật, từ hội họa đến thời trang, điêu khắc và sắp đặt. Đối với tôi, đây không chỉ là những phương thức biểu hiện khác nhau mà còn là cách tôi thể hiện tình yêu văn hóa Việt bằng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau.

Dù tôi sử dụng chất liệu, kỹ thuật hay màu sắc nào, tất cả đều xoay quanh con người và bản sắc Việt Nam, những giá trị đã được “tôi luyện” qua bao thế hệ. Ngôn ngữ xuyên suốt trong nghệ thuật của tôi chính là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Tôi không tự bó buộc mình vào một chủ đề nhất định, mà thay vào đó tìm kiếm cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế, từ cuộc sống hằng ngày, từ những câu chuyện của con người và văn hóa xung quanh.

Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi câu chuyện, mỗi khoảnh khắc đều góp phần hình thành nên những ý tưởng mới, những góc nhìn khác nhau về cuộc sống và văn hóa.

 Bộ ảnh Miss Cosmo với trang phục từ Thuy Design House - thương hiệu thời trang của Tia-Thủy Nguyễn. (Ảnh: Facebook Thủy Design House)

Bộ ảnh Miss Cosmo với trang phục từ Thuy Design House - thương hiệu thời trang của Tia-Thủy Nguyễn. (Ảnh: Facebook Thủy Design House)

- Chị có thói quen gì khi sáng tạo, và điều đó trợ giúp chị ra sao? Theo chị thói quen gì có thể giúp ích cho người nghệ sỹ khi gặp bế tắc, không thể sáng tạo?

Nghệ sỹ Tia-Thủy Nguyễn: Các thói quen của tôi khi sáng tạo bao gồm việc tìm tòi và đào sâu vào tận cùng của một ý tưởng hoặc vấn đề. Tôi luôn tuân thủ kỷ luật và dũng cảm dấn thân vào những điều chưa biết. Khi tôi chú tâm và dành trọn vẹn tâm huyết cho một ý tưởng, chính những thói quen này dẫn dắt tôi đến tận cùng của hành trình sáng tạo, nơi tôi có thể nhìn thấy những đứa con tinh thần của mình “chào đời.”

Khi gặp phải bế tắc trong sáng tạo, tôi thường bỏ qua cái tôi của mình và cởi mở đón nhận những ý tưởng mới. Tôi tin rằng trải nghiệm cuộc đời cá nhân - những niềm vui, nỗi buồn, và các bài học từ cuộc sống - là nguồn cảm hứng vô tận.

Tôi nhận thấy rằng mỗi trải nghiệm cá nhân đều hình thành nên một phần trong bản sắc nghệ thuật của mình. Những kỷ niệm và cảm xúc được chắt lọc từ văn hóa, con người, cuộc sống giúp tôi tạo ra những tác phẩm mang tính chân thực và sâu sắc hơn. Đôi khi, chỉ cần thay đổi góc nhìn hoặc thử nghiệm với những chất liệu và kỹ thuật mới có thể giúp phá vỡ những rào cản trong tâm trí.

Nghệ sỹ liệu có bị AI thay thế?

- Trong quan điểm sáng tác của chị, nghệ thuật có cần phải luôn “nói ra” một điều gì đó không, hay chỉ đơn giản là để thể hiện cảm xúc?

Nghệ sỹ Tia-Thủy Nguyễn: Theo quan điểm của tôi, trước khi nói tới các lý thuyết, kỹ thuật, giải thích… thì tự tác phẩm phải có khả năng “kể chuyện” về chính nó. Khi đến với tác phẩm, khán giả cảm nhận câu chuyện ấy được bằng thị giác và trái tim, khi các tác giả làm được điều này, thì bạn không còn cảm thấy áp lực mình phải “nói ra” một điều gì đó hay cố gắng thể hiện cảm xúc.

Cảm giác “quá đã” được toát ra một cách tự nhiên, không khiên cưỡng, với tôi, mới là điều quan trọng.

- Theo chị, vai trò của nghệ sỹ sẽ thay đổi như thế nào trong 10 năm tới, đặc biệt trong một thế giới đầy công nghệ tạo sinh và AI?

- Theo chị, vai trò của nghệ sỹ sẽ thay đổi như thế nào trong 10 năm tới, đặc biệt trong một thế giới đầy công nghệ tạo sinh và AI?

Nghệ sỹ Tia-Thủy Nguyễn: Tôi có quan sát sự tương tác của công nghệ thông tin với nghệ thuật, thì tôi cho rằng trong tương lai gần, AI hay các công nghệ mới là sự bổ trợ, và những người làm sáng tạo như tôi có thể rút gọn được thời gian hay tìm thấy những cảm hứng mới mẻ. Đồng thời, trí tuệ nhân tạo cũng tạo ra một áp lực rằng chúng tôi phải biết chọn lọc, không để cho mình bị “chìm nghỉm” giữa một biển thông tin.

Mặt khác, AI là một công nghệ sàng lọc và truyền tải dựa trên những dữ liệu đã tồn tại, còn nghệ sỹ là người tạo ra những thứ chưa từng hiện diện. Nên tôi tin nghệ sỹ vẫn có chỗ đứng của riêng mình trong những năm tới đây.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Tia-Thủy Nguyễn (hay Thủy Nguyễn) tên thật là Nguyễn Thu Thủy, sinh năm 1981 tại Hà Nội. Năm 2006, chị tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, bảo vệ luận văn tiến sỹ về nghệ thuật năm 2014 tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc Quốc gia tại Kiev, Ukraine.

Tia-Thủy Nguyễn hoạt động trong lĩnh vực thời trang, nghệ thuật thị giác và cả sản xuất phim. Chị từng được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.

Tác phẩm của Tia-Thủy Nguyễn có mặt tại nhiều phòng trưng bày quốc tế như Chateau La coste (Pháp), Galerie Almine Rech (Pháp, Mỹ) và Mareterra (Monaco).

Gần đây nhất cuối năm 2023, bộ sưu tập nghệ thuật với chủ đề “Lấp lánh giữa bao la” của Tia-Thủy Nguyễn được Almine Rech-Picasso - cháu dâu cố danh họa Picasso kiêm chủ phòng tranh Almine Rech tại Pháp nhận xét là “tranh mang bản sắc châu Á mạnh mẽ, từ ý nghĩa của các bức thêu đến chất liệu được dùng, từ hội họa truyền thống đến lịch sử Việt Nam.”

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hoi-sinh-cua-tia-thuy-nguyen-xa-cu-bat-goc-hoa-thanh-tac-pham-ton-vinh-ha-noi-post1034389.vnp
Zalo