Xử lý hơn 8.500 vụ vi phạm, nộp ngân sách 125 tỉ đồng
Triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, toàn lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, xử lý 8.560 vụ vi phạm, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 59 vụ có dấu hiệu hình sự; tổng số tiền xử lý là 212 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 125 tỉ đồng.
![Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_258_51483240/17fb942ba7654e3b1774.jpg)
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm.
Cụ thể, từ ngày 1/11/2024 đến ngày 10/2/2025, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 9.902 vụ; phát hiện, xử lý 8.560 vụ vi phạm; chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 59 vụ có dấu hiệu hình sự; tổng số tiền xử lý 212 tỉ đồng, trong đó: Thu nộp ngân sách nhà nước 125 tỉ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 55 tỉ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 32 tỉ đồng.
Một trong những điểm nóng, thu hút sự quan tâm của người dân và xã hội trong dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán là lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo đó, lực lượng QLTT đã tăng cường kiểm tra, phối hợp xử lý hàng loạt vụ vi phạm. Riêng lĩnh vực này, trong giai đoạn cao điểm, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 1.890 vụ, xử lý 1.606 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 13,5 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 14,3 tỉ đồng.
Đối với một số lĩnh vực khác như: xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, một số mặt hàng nóng như: xăng dầu, thuốc lá, phân bón, vật tư nông nghiệp… tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Theo Tổng cục QLTT, triển khai kế hoạch này, trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Tổng cục QLTT đã tổ chức nhiều đoàn công tác do lãnh đạo Tổng cục trực tiếp làm trưởng đoàn đến làm việc với các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch cao điểm. Đã bố trí lực lượng thường trực 24/24 dịp trước, trong và sau Tết để chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại tại thị trường nội địa và trên khâu lưu thông.
Tập trung kiểm tra các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như: bánh, kẹo, xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm đóng gói sẵn, an toàn vệ sinh thực phẩm,… chú trọng kiểm tra các mặt hàng cấm như pháo các loại và đồ chơi nguy hiểm.
Chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương nắm tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa, lượng dự trữ của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn đối với các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: xăng dầu, gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gà, trứng gà…; bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các siêu thị, chợ đầu mối; xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm…
Đồng thời, Cục QLTT các địa phương chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn trong việc kiểm tra, kiểm soát, góp phần hạn chế buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại; Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.