Xu hướng tìm việc ngành IT năm 2025: 'Rào cản vô hình' giữa ứng viên và doanh nghiệp

Dữ liệu khảo sát mới nhất của JobsGO (nền tảng tuyển dụng & tìm việc hàng đầu Việt Nam) đã hé lộ một 'khoảng trống' lớn giữa kỳ vọng của nhân lực IT và thực tế mà họ đang trải nghiệm tại các doanh nghiệp.

Mức độ hài lòng thấp, áp lực công việc cao, cùng với những hạn chế về cơ hội phát triển và môi trường làm việc chưa đáp ứng được mong đợi, đã dẫn đến xu hướng tìm kiếm "bến đỗ" mới trong ngành IT. Nó đã đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời đòi hỏi những thay đổi sâu rộng để thu hẹp khoảng cách kỳ vọng này.

“Khoảng trống” kỳ vọng của nhân lực IT về doanh nghiệp

Sau giai đoạn bùng nổ nhu cầu nhân sự ngành công nghệ thông tin trong giai đoạn năm 2018 - 2023 từ nhu cầu gia công phần mềm và chuyển đổi số quốc gia, khi các lập trình viên được săn đón với các mức lương chào cực cạnh tranh và liên tục tăng, phải chăng nhân lực ngành IT đã bắt đầu đối diện với một bối cảnh mới khi thực tế không theo kịp kỳ vọng?

Khảo sát mới nhất của JobsGO đã chỉ ra rằng: 20,2% nhân lực IT hài lòng với công việc, thấp hơn mức trung bình 31,2% của các ngành khác. Nguy cơ “chảy máu chất xám” dần hiện hữu khi hơn 70% người trong ngành mong muốn môi trường làm việc cởi mở, sáng tạo và có lộ trình phát triển rõ ràng, nhưng chỉ 1/3 cảm thấy công ty hiện tại đáp ứng được. Sự chênh lệch này đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp trong tuyển dụng IT, buộc họ phải cải thiện môi trường làm việc để giữ chân nhân tài.

Cũng theo dữ liệu khảo sát của JobsGO, nhân sự IT ưu tiên quan tâm những tiêu chí về cơ hội phát triển chuyên môn (72,7%), môi trường văn hóa doanh nghiệp (69,7%) hay mức đãi ngộ hấp dẫn (67,7%) hơn là các yếu tố thuận lợi về ngoại cảnh. Nói cách khác, họ không chỉ đơn thuần tìm kiếm công việc phù hợp, mà còn mong muốn môi trường năng động, sáng tạo, có có cơ hội học hỏi và được ghi nhận.

Tại sao hơn 50% nhân lực IT có ý định tìm “bến đỗ” mới trong năm 2025?

Các số liệu trong khảo sát của JobsGO đã phần nào cho thấy một bức tranh đáng lo ngại: Tỉ lệ không hài lòng trong ngành IT đang ở mức cao, kéo theo đó là xu hướng lao động tìm kiếm việc làm mới tăng đáng kể.

Một trong những nguyên nhân chính khiến nhân sự IT có ý định rời bỏ công việc hiện tại là áp lực công việc cao. Với tỷ lệ 41,4%, ngành Công nghệ thông tin đang nằm trong nhóm ba lĩnh vực có mức độ căng thẳng cao nhất, chỉ đứng sau việc làm Xây Dựngvà Marketing. Điều này cho thấy cường độ làm việc căng thẳng, thời gian làm việc kéo dài cũng như yêu cầu chuyên môn cao đang dần tạo ra gánh nặng cho nhân sự IT.

Tỉ lệ hài lòng với chế độ lương thưởng và phúc lợi chỉ đạt 23,2%, thấp hơn so với mức trung bình toàn ngành. Mặc dù ngành IT được biết đến với mức lương cao, nhưng không đồng nghĩa với việc đáp ứng kỳ vọng tương xứng với trách nhiệm của người lao động. Nói cách khác, khi mức đãi ngộ và độ hài lòng “trái dấu” nhau sẽ dẫn đến tình trạng nhân lực dần có xu hướng tìm kiếm cơ hội mới.

Rõ ràng, mối tương quan giữa các chỉ số đánh giá mức độ hài lòng với thực tế những gì nhân lực ngành IT nhận được đã phần nào lý giải cho thực trạng: Có đến 54,5% nhân sự tích cực tìm việc mới trong năm 2025, cao hơn đáng kể so với trung bình toàn ngành (48,4%).

Để giảm thiểu tình trạng "chảy máu chất xám," các doanh nghiệp IT cần chú trọng cải thiện môi trường làm việc, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực, điều chỉnh chính sách lương thưởng và phúc lợi, đồng thời tạo cơ hội phát triển sự nghiệp cho nhân viên.

NK

Nguồn PLO: https://plo.vn/xu-huong-tim-viec-nganh-it-nam-2025-rao-can-vo-hinh-giua-ung-vien-va-doanh-nghiep-post834396.html
Zalo