Xóa thách thức, bứt phá nhanh - Kỳ 2: Phát triển dựa trên bản sắc, thế mạnh riêng

Phát triển Đại học (ĐH) Huế thành ĐH Quốc gia nhận được sự quan tâm của cả nước. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cần phải xác định rõ ràng, vấn đề phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia là mô hình, thể chế, phương tiện, công cụ để phát triển ĐH Huế, chứ không phải mục đích chỉ là đổi tên ĐH. Quan trọng là làm thế nào để có một ĐH Huế trong tương lai hùng mạnh, để khi nói tới ĐH là nhắc tới ĐH Huế với danh tiếng và những đóng góp xứng đáng cho đất nước.

 Tham quan sản phẩm khoa học công nghệ trưng bày tại Trường đại học Nông Lâm

Tham quan sản phẩm khoa học công nghệ trưng bày tại Trường đại học Nông Lâm

Tôn vinh quá khứ, kiến tạo tương lai

Trải qua hơn 66 năm xây dựng và phát triển, ĐH Huế đang có nhiều thuận lợi để hướng đến mục tiêu ĐH Quốc gia. Cơ sở giáo dục ĐH trên đất Cố đô đang đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, rất thuận lợi để triển khai thành ĐH Quốc gia. Các ngành nghề truyền thống đến những ngành nghề mới nhất, theo xu hướng 4.0 đều được cập nhật và mở ngành đào tạo kịp thời. Hiện, ĐH Huế có hai nhóm ngành, lĩnh vực đào tạo mà một số ĐH Quốc gia chưa có đào tạo, đó là nông lâm và nghệ thuật. Hợp tác đào tạo quốc tế, chuyển giao công nghệ đang được ĐH Huế triển khai hiệu quả. Từ đó, hướng đến quốc tế hóa và nâng tầm ngang hàng với các ĐH trên thế giới.

Sự phát triển của ĐH Huế đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW, trong đó khẳng định “Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia, phấn đấu nằm trong top 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á”. Gần đây nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định lại chủ trương phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia.

Chưa bao giờ, ĐH Huế có cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển thành ĐH Quốc gia như thế. Ngoài hai Nghị quyết 54 và 26 đều khẳng định ĐH Huế sẽ trở thành ĐH Quốc gia, tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V – năm 2023 tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhắc đến hai vấn đề liên quan ĐH Huế. Đó là nhanh chóng phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia và Viện Công nghệ sinh học trở thành Viện Công nghệ Sinh học Quốc gia khu vực miền Trung.

Tôn vinh quá khứ với những thành tựu đạt được cần phải phát huy, nhưng để kiến tạo tương lai, rõ ràng ĐH Huế cần rất nhiều việc phải làm mới xứng tầm một ĐH Quốc gia trong tương lai gần. Trên nền tảng bề dày truyền thống, ĐH Huế cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Việc cần làm ngay trước mắt là xây dựng một tập thể đoàn kết, đoàn kết thực sự và thực chất. Để làm được điều đó, ĐH Huế cần rà soát lại hệ thống văn bản nội bộ đang có để làm sao tạo được “luật chơi công bằng nhất, kiến tạo nhất”; luật chơi cần phải xây dựng trên nền tảng đồng bộ, công khai, minh bạch. Cùng với đó, sẽ là dịp để triển khai một bước trong phát triển tự chủ ĐH.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh với ĐH Huế, hiện đang trong giai đoạn chuyển đổi, trong đó chuyển đổi lớn là thực hiện tự chủ ĐH, cần thực hiện tự chủ ĐH một cách thực chất nhất, có chiều sâu nhất, tự chủ không chỉ thể hiện ở việc thành lập hội đồng ĐH, lên phương án tự chủ tài chính… mà quan trọng là quyền lực, sự vận hành ĐH phải được xây đắp từ quyền lực chuyên môn, để quyền cao nhất của tự chủ ĐH phải là tiếng nói chuyên môn.

Yếu tố kết nối giữa các trường thành viên, đơn vị trực thuộc cũng là vấn đề cần quan tâm. Nói tới một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực cần thiết phải có sự kết nối, chia sẻ, có tính hệ thống cao thì đa ngành, đa lĩnh vực đó mới có giá trị và tạo ra sức mạnh, nếu không sẽ chỉ dừng lại như một trường ĐH nhiều ngành.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐH Huế trăn trở, ĐH Huế có trên 1.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài. Vấn đề đặt ra là mỗi cán bộ, mỗi giảng viên, mỗi tổ chức, mỗi khoa và mỗi trường đã kết nối lại thành “mạng lưới” vững chắc hay chưa? Vì vậy, ĐH Huế đã, đang và triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch để phát huy nguồn nội lực này. Đó là nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, đoàn thể… Xem đây là tiền đề quan trọng để xây dựng ĐH Quốc gia.

Thừa Thiên Huế khác các địa phương khác, với nhiều bản sắc đặc trưng mà nơi khác không có, do đó, cần phải phát triển một ĐH Huế có bản sắc, có thế mạnh riêng, trên nền tảng những thứ đang có; trong đó, lưu ý tập trung vào một số ngành khoa học sơ bản, khoa học sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, khoa học sự sống... Đề án phát triển ĐH Huế phải chú trọng được nội dung chiến lược phát triển nhân tài. Trong đó, một số nhóm, lĩnh vực là thế mạnh của ĐH Huế có thể quan tâm đào tạo nhân tài như nghệ thuật, thi ca, âm nhạc…

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng sinh viên Đại học Huế

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng sinh viên Đại học Huế

Xóa bỏ mọi thách thức

Người trong cuộc và cả xã hội đều đang dõi theo lộ trình phát triển của ĐH Huế. Không phủ nhận, vị thế của ĐH Huế đang ngày càng được khẳng định, thông qua các bảng xếp hạng ĐH. Vừa qua, trong bảng xếp hạng ĐH QS châu Á 2023 (bảng xếp hạng của Tổ chức giáo dục QS - Quacquarello Symonds, Anh), ĐH Huế đã tiến từ vị trí 401 - 450 lên vị trí 351 - 400 châu Á, xếp thứ 61 khu vực Đông Nam Á và thứ 6 Việt Nam. Điều này cũng giúp ĐH Huế lần đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng ĐH uy tín thế giới THE năm 2023. Mới nhất, vào ngày 22/6/2023, Times Higher Education (Tạp chí về tin tức và những vấn đề có liên quan đến giáo dục đại học) công bố bảng xếp hạng ĐH châu Á 2023 (THE Asia University Rankings 2023) thì ĐH Huế lần đầu tiên góp mặt với thứ hạng 601+.

Chừng đó là chưa đủ để xã hội “tâm phục, khẩu phục” bước phát triển của ĐH Huế. Còn chiếu theo nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị là xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia, phấn đấu nằm trong nhóm 300 các trường ĐH hàng đầu Châu Á, rõ ràng ĐH Huế vẫn còn một khoảng cách.

Giải quyết những thách thức đặt ra là việc ĐH Huế phải ưu tiên hàng đầu, trong đó phải tập trung đầu tư tăng cường hạ tầng cơ sở vật chất, các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, phát triển đội ngũ… Cùng với chính sách khen thưởng cho các nhà khoa học, nhất là những tác giả có bài báo có chỉ số trích dẫn cao, có sức tác động và hiệu quả thì ĐH Huế cũng có những cơ chế ưu tiên, hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu có sản phẩm chuyển giao, thương mại hóa. ĐH Huế cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tăng cường thực hiện sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, gắn nghiên cứu với hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ngoài kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chí trong nước và khu vực Đông Nam Á, tự thân các đơn vị trong ĐH phải có lộ trình để nâng chất lượng đầu vào thông qua việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển.

ĐH Huế cũng cần nghiên cứu các giải pháp giữ chân và thu hút nhân tài. Ngoài các chính sách đãi ngộ, việc ĐH Huế phải làm chặt chẽ là lập quy hoạch phát triển đội ngũ trên cơ sở nhu cầu vị trí việc làm của từng đơn vị và toàn ĐH Huế, đảm bảo tính liên tục và kế thừa; thực hiện giao chỉ tiêu tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư hằng năm đối với các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc. Bên cạnh đó, cần phải đi vào thực chất phát triển môi trường và không gian giảng dạy, nghiên cứu cho giảng viên và nghiên cứu viên; xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo tài năng trẻ và các nhà nghiên cứu trẻ.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/xoa-thach-thuc-but-pha-nhanh-ky-2-phat-trien-dua-tren-ban-sac-the-manh-rieng-130766.html
Zalo