Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Khi mặt trời lên, bạn đều phải chạy

Câu nghị luận xã hội đề thi học sinh giỏi tỉnh Gia Lai yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về vấn đề được gợi ra từ ý kiến của tác giả Christopher McDougall.

"Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức giấc. Nó biết nó phải chạy thoát khỏi con sư tử nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị giết. Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con sư tử thức giấc. Nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, hoặc nó sẽ chết đói. Không quan trọng bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời lên, bạn đều phải chạy."

(Christopher McDougall, trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, Rosie Nguyễn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017, trang 104).

Anh/Chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề được gợi ra từ ý kiến trên.

Gợi ý đáp án nghị luận xã hội

* Về kĩ năng:

- Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng.

- Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

* Về kiến thức:

- Trên cơ sở hiểu ý nghĩa về quan điểm, thí sinh có thể trình bày bài làm theo nhiều cách nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng.

- Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng:

- Xác định được vấn đề nghị luận.

- Giải thích:

+ Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức giấc. Nó biết nó phải chạy thoát khỏi con sư tử nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị giết: để không bị giết, linh dương buộc phải chạy thoát khỏi con sư tử chạy nhanh nhất. Nghĩa là, để tồn tại, linh dương phải cố gắng, nỗ lực vươn lên.

+ Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con sư tử thức giấc. Nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, hoặc nó sẽ chết đói: tương tự linh dương, để không bị chết đói, sư tử cũng buộc phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất. Nghĩa là, để tồn tại, sư tử cũng phải cố gắng, nỗ lực hết sức mình.

+ Như vậy, tất cả các sinh vật để tồn tại đều phải cố gắng vượt lên hoàn cảnh.cKhông quan trọng bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời lên, bạn đều phải chạy: không quan trọng bạn là ai? Không quan trọng bạn là linh dương hay sư tử, không quan trọng bạn là con mồi hay kẻ săn mồi, không quan trọng bạn là kẻ mạnh hay kẻ yếu,… tất cả đều phải chạy. Chạy chính là động từ diễn tả một hoạt động dời chỗ bằng chân, tốc độ nhanh và phải dốc toàn bộ sức lực.

=> Vấn đề đặt ra: để đạt được mục tiêu, lí tưởng; để tồn tại và để không bị tiêu diệt trong thế giới khốc liệt này, con người cần phải hành động, cần phải cố gắng hết sức, nỗ lực hết mình.

- Phân tích, chứng minh: Tại sao con người phải hành động, phải cố gắng, nỗ lực hết mình?

+ Vì cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều thử thách, hiểm họa (đến từ thiên tai, địch họa, từ chính con người…) buộc con người phải hành động, phải cố gắng.

+ Cuộc sống luôn vận động và biến đổi không ngừng đòi hỏi con người phải không ngừng vươn lên. Nếu không chạy, con người sẽ bị bỏ lại phía sau, thậm chí sẽ bị đào thải, tiêu diệt.

+ Mỗi khi mặt trời lên – mỗi ngày mới bắt đầu, con người đều phải chạy. Đó là hành trình liên tục, không biết mệt mỏi.

- Ý nghĩa của việc sống nỗ lực, sống hết mình:

+ Giúp con người sống có ý nghĩa, có lí tưởng, có mục tiêu; giúp con người nhận ra giá trị, sức mạnh tiềm ẩn của bản thân.

+ Nỗ lực hết mình trong cuộc sống chính là một yêu cầu cần thiết, cũng là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với sự thành công.

+ Thí sinh lấy dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

* Bàn luận, mở rộng:

- Chỉ có cố gắng, nỗ lực không ngừng mới đem lại cho ta mục tiêu sống và lí tưởng sống tốt đẹp.

- Để sống hết mình, con người cần: xây dựng mục tiêu, lí tưởng sống đúng đắn và biến nó thành hành động; kiên trì theo đuổi mục tiêu trong mọi hoàn cảnh.

- Cố gắng, nỗ lực để đạt đến thành công không có nghĩa lúc nào cũng chỉ cuốn vào công việc, hành động mà quên đi niềm vui trong cuộc sống.

- Phê phán: những người sống không biết cố gắng, nỗ lực; sống không mục đích, không lí tưởng…

* Bài học nhận thức, hành động:

- Thí sinh rút ra những bài học nhận thức và hành động đúng đắn, sâu sắc, nhân văn, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội.

* Khẳng định vấn đề nghị luận.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-khi-mat-troi-len-ban-deu-phai-chay-179250119211607929.htm
Zalo