Xét xử vụ án đất hiếm: Chủ tịch doanh nghiệp chỉ học lớp 8, khóc suốt phần trình bày

Tại phần xét hỏi vụ án đất hiếm tại Yên Bái, Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch Công ty Thái Dương khai vì chỉ học lớp 8 nên nhiều chuyên môn không nắm rõ, bị cáo khóc suốt phần trình bày trước HĐXX.

Chiều 12/5, phiên tòa xét xử vụ án đất hiếm tại Yên Bái bước vào phần xét hỏi, bị cáo Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương là người đầu tiên bước lên bục khai báo.

Bị cáo bị đưa ra xét xử với 3 tội danh: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường.

Vừa bước lên bục khai báo, ông Huấn liên tục khóc, đưa tay lau nước mắt trong suốt phần trình bày. Ông Huấn cho biết, Công ty Thái Dương thành lập từ năm 2012 với 3 cổ đông, trong đó ông Huấn là người trực tiếp điều hành cùng vợ và anh trai. Tuy nhiên, hai người còn lại không tham gia hoạt động, tiếng là các cổ đông nhưng thực tế là theo ý công ty gia đình.

Ông Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương được dẫn giải tới tòa.

Ông Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương được dẫn giải tới tòa.

Bị cáo cho biết, Công ty Thái Dương được Bộ TN&MT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp giấy phép khai thác khoáng sản vào năm 2013 cho phép khai thác đất hiếm bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, thời gian khai thác đến tháng 7/2021.

Theo quy định lúc đó, công ty trước khi bắt đầu khai thác phải có trách nhiệm nộp thiết kế mỏ được thẩm định, phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản theo quy định.

Ngoài ra, quá trình khai thác phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan và quy định tại Giấy phép; quặng đất hiếm phải chế biến thành oxit đất hiếm có độ sạch 99,9%, được cung cấp cho các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu; quặng sắt được cung cấp cho các cơ sở luyện gang thép trong nước.

Tuy nhiên, sau khi được cấp Giấy phép khai thác, từ năm 2019 - 2023, Huấn đã chỉ đạo Nguyễn Văn Chính - Phó Tổng giám đốc và Nguyễn Quang Mạnh - Giám đốc điều hành mỏ và các nhân viên tiến hành khai thác quặng đất hiếm trái phép khi chưa đủ điều kiện.

Ông Huấn cũng thừa nhận, thực tế dự án khai thác phải hợp tác với đối tác Nhật để xây dựng nhà máy chế biến sâu. Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy phép, Huấn lại tự ý hợp tác với Lưu Vũ (quốc tịch Trung Quốc) để xây dựng nhà máy thủy luyện, không đảm bảo điều kiện chế biến sâu như điều kiện được nêu trong giấy phép.

Sau đó, công ty đã bán tinh quặng sắt cho một số doanh nghiệp không đúng đối tượng theo quy định phải là các cơ sở luyện gang thép trong nước.

Đoàn Văn Huấn cũng thừa nhận đã chỉ đạo Nguyễn Văn Chính và Nguyễn Quang Mạnh tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú với tổng trị giá 864 tỷ đồng. Trong đó đã bán và thu hơn lời hơn 730 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo phủ nhận cáo buộc "chạy giấy phép" hay "tác động các bên liên quan". Lý do, được ông Huấn đưa ra là "lúc đó không ai biết đất hiếm là gì, cũng không ai quan tâm đến đất hiếm".

Về cáo buộc gây ô nhiễm môi trường, HĐXX truy vấn về việc thực hiện các điều kiện trong giấy phép khai thác như: Đánh giá tác động môi trường, phục hồi môi trường,…

Bị cáo Huấn cho rằng, nhiều hạng mục đó còn dang dở và. Ông Huấn phân trần: "Do đang làm thì bị bắt, chưa làm xong chứ không phải không làm".

Khi HĐXX hỏi về việc có thường xuyên kiểm tra, giám sát sổ sách hay không, bị cáo Huấn cho rằng "chỉ học đến lớp 8, không có nghiệp vụ nên giao hết cho kế toán". Ông Huấn khai chưa từng họp hay bàn giao công việc với bộ phận kế toán, vì "tin tưởng tuyệt đối" vào bộ phận này.

Tiếp theo, bị cáo Nguyễn Văn Chính – Phó tổng giám đốc Công ty Thái Dương trình bày, bị cáo nhận thức toàn bộ sai phạm. Bị cáo cho biết thời điểm nhận chỉ đạo của Huấn, tuy nhiên hoàn toàn nhận thức được đất hiếm chưa đủ điều kiện để bán.

Khi được HĐXX hỏi về dòng tiền từ việc bán đất hiếm, bị cáo nói toàn bộ đều nộp về công ty, do kế toán thanh toán và phần lớn được ông Đoàn Văn Huấn sử dụng để mua nguyên vật liệu hoặc đầu tư vào xưởng thủy luyện.

Được giao quản lý kế toán, ông Chính thừa nhận hành vi bỏ ngoài sổ sách một phần giao dịch, gây thất thu ngân sách hơn 9 tỷ đồng.

Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với tội danh vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, với lý do chỉ tham gia một phần công việc và không trực tiếp điều hành tài chính doanh nghiệp.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xet-xu-vu-an-dat-hiem-chu-tich-doanh-nghiep-chi-hoc-lop-8-khoc-suot-phan-trinh-bay-204250512164653669.htm
Zalo