Xét xử lưu động các đối tượng 'thổi giá' trong vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Sóc Sơn
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa ra quyết định ngày 6-3 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 6 bị cáo trong vụ 'thổi giá' đất đấu giá lên tới 30 tỷ đồng/ m2', xảy ra cách đây 3 tháng ở huyện Sóc Sơn...
Phiên tòa được xét xử lưu động tại Hội trường UBND xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để tạo điều kiện cho đông đảo người dân có thể tới tham dự phiên tòa. Qua đó, góp phần cảnh báo, răn đe và phòng ngừa chung những hành vi vi phạm pháp luật tương tự.
Các bị cáo trong vụ án này gồm: Phạm Ngọc Tuấn (sinh năm 1991, trú tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội); Ngô Văn Dương (sinh năm 1994, trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh); Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1992, trú tại phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Các bị cáo trong vụ "thổi giá" khi đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Sóc Sơn
Tiếp đến là Nguyễn Thị Quỳnh Liên (sinh năm 1981, trú tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh); Nguyễn Thế Trung (sinh năm 1994, trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) và Nguyễn Thế Quân (sinh năm 1994, trú tại xã Xuân Nội. 6 bị cáo cùng bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, theo quy định tại khoản 2, Điều 218 - Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, tháng 11-2024, khi biết Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân chuẩn bị đấu giá đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), từ ngày 26-11-2024 đến ngày 29-11-2024, Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương và 4 bị cáo liên quan đã bàn bạc, trao đổi góp tiền mua hồ sơ, nộp tiền đặt cọc đăng ký tham gia đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai. Cả nhóm thống nhất từ vòng thứ nhất đến vòng thứ 4 sẽ đấu giá theo trình tự, trả giá dưới mức giá mà Tuấn ấn định từ trước.
Kết quả đấu giá ở vòng thứ 4 nếu thấy những người tham gia đấu giá khác trả giá vượt mức tối đa mà Tuấn đã ấn định thì đến vòng thứ 5 các bị cáo sẽ trả giá cao bất thường. Sau đó, tới vòng thứ 6, các bị cáo sẽ không trả giá nhằm mục đích để phiên đấu giá không thành công buộc phải tổ chức đấu giá lại.
Kết quả điều tra xác định có 36/ 58 thửa đất bị nhóm Tuấn, Dương bàn bạc, thông đồng cố ý nâng giá 36 thửa đất ở vòng thứ 5 với giá cao bất thường từ 59.488.000/ m2 đến 30.002.488.000 đồng/ m2. Đến vòng thứ 6 thì tất cả 6 bị cáo trên đều không bỏ giá.
Sau khi đấu giá viên công bố kết quả đấu giá ở vòng thứ 5, do nhóm của Tuấn bỏ giá cao bất thường nên nhiều khách hàng chửi bới, gây mất an ninh trật tự tại khu vực đấu giá vì cho rằng các đối tượng đã có hành vi phá cuộc đấu giá. Do 6 bị cáo không trả giá tại vòng thứ 6 nên phiên đấu giá không thành công.
Viện Kiểm sát xác định, hành vi nâng giá của các bị cáo đã vi phạm Điều 9, khoản 5 - Luật Đấu giá tài sản, hậu quả gây thiệt hại gần 420 triệu đồng, trong đó gây thiệt hại cho Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân hơn 252 triệu đồng, gây thiệt hại cho 230 người mua hồ sơ tham gia đấu giá với số tiền hơn 165 triệu đồng...
Trước khi vụ án bị đưa ra xét xử, các bị cáo đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu cho Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân số tiền hơn 252 triệu đồng.