Những chiêu lừa tinh vi khi xem bói qua mạng

Trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt vào thời điểm đầu năm, xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng vấn đề tâm linh, tín ngưỡng để truyền bá mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục nhằm trục lợi, đẩy nhiều người rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

Nhan nhản "cô đồng", "cậu đồng" online

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "cô đồng", "cậu đồng" trên các nền tảng mạng xã hội như Tik Tok, Facebook, sẽ cho kết quả hàng trăm, hàng nghìn người tự xưng "cô đồng", "cậu đồng".

Trong vai người cần xem bói đầu năm, phóng viên đã liên hệ với "cô đồng ngửi cau" (tên thật là Nguyễn Thị Thu Thủy). Ngay khi trao đổi với chúng tôi, người này đã yêu cầu chuyển khoản phí xem bói là 300 nghìn đồng. Sau khi xem, nếu cần phải làm lễ giải hạn, chi phí bao nhiêu thì "cô" sẽ thông báo. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được đến tận nơi gặp "cô đồng" thì người này từ chối và cho biết mình chỉ xem online.

Một trường hợp nữa là người đàn ông trung niên tự xưng Thầy Bẩy, người này thường xuyên livestream trên kênh Tik Tok Thầy Bẩy Phú Thọ, có hơn 82 nghìn lượt người theo dõi. Những người quan tâm đến vận số của mình chỉ cần gửi thông tin ngày tháng năm sinh, tuổi vợ, tuổi chồng là người này sẽ phán số mệnh của họ. Với những người hiếm muộn con, ông ta thông báo "chỉ cần thay đổi hướng nhà là có thể sinh được con, không cần phải đi khám chữa ở bệnh viện". Hoặc có trường hợp thì ông ta khuyên làm lễ "di cung hoán số" và nếu họ chấp nhận sẽ phải mang lễ về gặp thầy.

Hầu hết những người tự xưng "cô đồng", "cậu đồng" này thường xuyên lên mạng xã hội livestream, đăng tải clip với nội dung tuyên truyền tâm linh, các hình thức bói toán, từ bói chỉ tay, bói bài, bói bổ cau, xem tử vi đến cho số lô, số đề... Nhiều "cô đồng", "cậu đồng" không tiếc chi phí bỏ ra để chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là vào các khung giờ nghỉ để dễ tiếp cận người quan tâm.

Bà Nguyễn Kim Dung (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: "Tôi cứ mở mạng xã hội là thấy xuất hiện các clip truyền bá mê tín dị đoan, rồi cả clip các "cô đồng", "cậu đồng" chửi bới, nhục mạ nhau. Đặc biệt là vào thời điểm đầu năm, họ xuất hiện nhiều hơn, cứ chặn kênh này thì lại xuất hiện kênh khác. Do họ chạy quảng cáo nên các clip này cứ tự động tiếp cận tài khoản mạng xã hội của mọi người".

Tài khoản Tik Tok của “cô đồng bát nước”

Tài khoản Tik Tok của “cô đồng bát nước”

Nhiều mánh lới để "móc túi" khách hàng

Điều đáng nói, để tranh giành thị phần, nhiều "cô đồng", "cậu đồng" còn lên mạng xã hội dùng chiêu trò đả kích, bóc mẽ lẫn nhau nhằm tạo uy tín và thu hút được nhiều người tin theo mình, thay vì tin theo các đối thủ của mình. Nhằm tạo niềm tin từ người dân, các đối tượng tự xưng "cô đồng", "cậu đồng" thường lên mạng xem bói miễn phí cho những người có nhu cầu, với những lời lẽ mơ hồ, xoay quanh những câu chuyện dự báo tai ương vận hạn có thể xảy ra với khổ chủ, để đưa họ vào trạng thái tâm lý lo lắng, sợ hãi. Sau đó, họ sẽ mời gọi làm lễ giải hạn để tránh được những điều không may mắn có thể xảy ra, thậm chí ép buộc tín chủ mua các loại hàng hóa như trầm hương, các loại bùa chú… với giá cắt cổ.

"Hiện tượng "cô đồng", "cậu đồng" lợi dụng mạng xã hội để truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi từ niềm tin của người dân đang trở thành một vấn nạn đáng lo ngại, đặc biệt vào thời điểm đầu năm khi nhu cầu tâm linh của nhiều người tăng cao.

Tôi cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng này, trước tiên cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng đối với nội dung liên quan đến bói toán, lên đồng, gọi hồn trên mạng xã hội. Những cá nhân lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi cần bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Đồng thời, các nền tảng mạng xã hội cũng cần phối hợp trong việc kiểm duyệt nội dung, ngăn chặn sự lan truyền của những video, livestream mang tính chất mê tín dị đoan".

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội

Chị Bùi Thị Thu Thủy (ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: "Cách đây khoảng 2 tuần, tôi xem trên mạng xã hội Facebook thấy một cô đồng ở Ninh Bình. Tôi đã tương tác, nhờ cô ấy xem số mệnh cho mình. Cô nói tôi có cái hạn trong năm 2025, cần phải mua cái vòng giải hạn đã được cô ấy gia độ. Thấy cô nói có ý đúng nên tôi đồng ý mua với giá 700 nghìn đồng. Sau 2 ngày thì họ gửi đồ đến, tôi thanh toán tiền xong mới mở ra xem thì vỡ lẽ đấy chỉ là cái vòng gỗ, ở ngoài thị trường có giá 15-20 nghìn đồng. Khi tôi liên hệ lại với họ để trả lại thì họ từ chối và chặn liên lạc với tôi".

Chị Nguyễn Thị Hạnh (ở xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, Hưng Yên) gần đây cũng bị một "cô đồng" trên mạng xã hội dụ dỗ đóng tiền giải hạn. Theo đó, vào cuối tháng 12/2024, chị tương tác với một "cô đồng" trên mạng xã hội Tik Tok. Người này xem qua ngày tháng năm sinh của chị Hạnh và các thành viên gia đình chị rồi phán gia đình chị Hạnh cuối năm có hạn lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là 2 đứa con đang học đại học trên Hà Nội. Sau đó, "cô đồng" này khuyên chị làm lễ giải hạn. Theo "cô đồng", do ở xa nên chị Hạnh không cần đến tận nơi mà cô sẽ làm lễ tại điện và livestream qua Tik Tok, chi phí là 3 triệu đồng. Do quá lo lắng nên chị Hạnh đã làm theo các chỉ dẫn của "cô đồng". Sau khi chị Hạnh thực hiện chuyển khoản số tiền 3 triệu đồng thì "cô đồng" cũng chặn liên lạc với chị.

Trước đó, đã có nhiều người bị sập bẫy lừa của các "cô đồng", "cậu đồng" online với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Gần đây nhất là trường hợp của bà H. (ở Quận 5, TPHCM). Do tin theo "cô đồng" Phan Thu Trang thông qua trang fanpage "Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang", bà H. đã mua vòng phong thủy của Trang. Sau đó, Trang tiếp cận và phán rằng nhà bà H. gặp nhiều vấn đề về tâm linh, rồi thuyết phục bà H. làm lễ giải hạn, đuổi "vong" để bảo vệ gia đình được sống yên ổn. Khi thấy bà H. đã sập bẫy, Trang yêu cầu bà này chuyển tiền nhiều lần với tổng số tiền lên tới 2,9 tỷ đồng. Khi phát hiện bị lừa, bà H. đã yêu cầu Trang chuyển trả lại tiền nhưng Trang viện nhiều lý do và không trả lại. Bà H. đã trình báo tới cơ quan Công an Quận 5 (TPHCM).

Đến nay, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Quận 5 đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Thị Thu Trang (34 tuổi) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bước đầu, cơ quan Công an đã làm rõ về thủ đoạn tuyên truyền mê tín dị đoan để lừa đảo của "cô đồng" này nhằm chiếm đoạt số tiền 28 tỷ đồng của 40 nạn nhân.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-chieu-lua-tinh-vi-khi-xem-boi-qua-mang-20250221173728713.htm
Zalo