Xếp hàng tìm về mùa xuân lịch sử qua từng trang giai phẩm Báo Nhân Dân
Những dòng người trẻ xếp hàng giữa lòng Hà Nội, nâng niu từng trang Báo Nhân Dân như tìm về mùa xuân lịch sử, nơi ký ức dân tộc mãi mãi tỏa sáng.
Những bàn tay trẻ nâng niu ký ức
Sáng 11/5/2024, rất đông người dân đã có mặt tại tòa soạn Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hà Nội) để xếp hàng nhận bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 20/5/2024, nhiều người dân tiếp tục xếp hàng tại Trụ sở Báo Nhân Dân để nhận bức tranh panorama về “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Và một năm sau, những ngày này, dòng người kéo dài nhận ấn phẩm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Báo Nhân Dân tổ chức triển lãm tương tác và phát hành ấn phẩm thông tin đặc biệt tại trụ sở số 71 Hàng Trống, Hà Nội.
Giữa thời đại của những cú lướt chạm vô tận, giữa dòng thác lấp lánh nhưng chóng tàn của mạng xã hội, có những khoảnh khắc bất ngờ mà đẹp đẽ: Người ta xếp hàng dài để chờ... một tờ báo in. Không phải iPhone mới, không phải vé thần tượng ca nhạc, mà chỉ là một ấn phẩm bằng giấy, mang tên lịch sử.
Không phải ai khác, chính Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nhà báo Lê Quốc Minh, đã ghi lại khoảnh khắc ấy bằng tất cả niềm tự hào: "Mấy chục năm nay chỉ thấy người ta xếp hàng mua điện thoại, vé bóng đá, chứ chưa ai xếp hàng chờ nhận báo in như vậy."
Và đó không phải một sự kiện ngẫu nhiên. Đó là bằng chứng sống động rằng: khi báo chí làm đúng sứ mệnh của mình, thắp lửa ký ức, khơi dậy niềm tự hào thì báo chí, nhất là báo Đảng và báo in, không chỉ sống, mà còn sống bền bỉ, rực rỡ và đầy cảm hứng.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trực tiếp giới thiệu Phụ san đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Phụ san kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) gồm 8 trang thông tin đặc biệt, tái hiện một phần Chiến dịch Hồ Chí Minh với dấu mốc đánh chiếm Dinh Độc Lập
Những trang Báo Nhân Dân in ấn đặc biệt, chứa đựng cả mùa xuân bất diệt của dân tộc - mùa xuân của Điện Biên Phủ, của chiến thắng, của khát vọng tự do.
Không cần lời hô hào rầm rộ, không cần chiến dịch quảng bá ồn ào, dòng người trẻ tuổi ấy đã âm thầm tìm về một miền ký ức được gói ghém trong từng trang báo giấy.
Mỗi tờ báo họ cầm trên tay, là mỗi nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, là mỗi lời nhắc nhở dịu dàng về những mùa xuân đã từng đổi bằng máu và nước mắt.
Họ không chỉ nhận lấy một tờ báo. Họ đang lật mở từng trang lịch sử, để hiểu rằng tự do hôm nay không đến từ sự ngẫu nhiên, mà được hun đúc từ 56 ngày đêm Điện Biên đẫm máu, từ cuộc trường chinh đầy máu và nước mắt kéo dài ròng rã 21 năm đi đến mùa xuân toàn thắng.
Từng ngón tay run run lật trang, như đang ve vuốt những hồi ức thiêng liêng.
Báo giấy giai phẩm, món quà lưu giữ lịch sử giữa thời đại số
Khi mạng xã hội cuồn cuộn tin tức mỗi giây, khi trí tuệ nhân tạo tổng hợp thông tin nhanh hơn cả suy nghĩ, thì những trang báo giấy mỏng manh lại trở thành biểu tượng của sự bền bỉ: chậm rãi, sâu sắc và đầy cảm xúc.
Báo Nhân Dân đã làm một điều tưởng như đơn giản nhưng thực ra vô cùng lớn lao: biến những trang báo in thành những "cánh hoa xuân" mang theo hương sắc lịch sử, trao tận tay thế hệ trẻ.
Một phụ san tranh panorama về Chiến dịch Điện Biên, một số báo đặc biệt ngày 30/4 - đó không chỉ là sản phẩm truyền thông. Đó là những thửa ruộng ký ức được gieo mầm, để tương lai vẫn còn biết ơn và tự hào khi nhắc tới quá khứ.
Xếp hàng, một hành động bình dị ít thấy ở Việt Nam hôm nay nhưng quá quen thuộc thời tem phiếu. Nhưng khi những hàng người ấy là những bạn trẻ, món quà họ đón nhận là mùa xuân dân tộc, thì đó không còn là hành động cá nhân.
Đó là một sự kiện văn hóa, một tiếng vọng âm thầm mà mãnh liệt: Lịch sử chưa bao giờ ngủ quên trong lòng thế hệ mới.
Khi những bàn tay trẻ nâng niu từng trang báo, chính là lúc những hạt mầm truyền thống đang được ươm xanh trở lại, giữa lòng phố thị hiện đại.
Không phải ai cũng để ý. Nhưng ai đã nhìn thấy khoảnh khắc ấy sẽ nhận ra một điều: Việt Nam còn mãi là Việt Nam, khi thế hệ trẻ vẫn biết tìm về mùa xuân lịch sử của dân tộc mình.


Dòng người kéo dài nhận ấn phẩm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)
Báo Đảng không cũ
Từ câu chuyện Báo Nhân Dân, có thể rút ra một chân lý đơn giản nhưng sống còn: Báo chí chính thống, nếu biết làm mới mình, dấn thân và tử tế thì không nền tảng nào thay thế được.
Muốn thế hệ trẻ yêu lịch sử, yêu dân tộc, yêu đất nước, thì báo chí, nhất là báo Đảng phải dám đi vào chiều sâu truyền thống bằng những ngôn ngữ mới, sáng tạo không ngừng, nhưng không đánh mất bản sắc, để kể những câu chuyện chạm vào tim người. Chính lúc ấy, báo chí không còn đơn thuần là người ghi chép lịch sử, mà là người kiến tạo niềm tin và khát vọng cho tương lai.