Nơi lắng nghe, gắn kết và yêu thương giữa các thế hệ

Ngày 27.4, ngay tại sân chơi chung cư 789 Xuân Đỉnh, Hà Nội sẽ diễn ra sự kiện Từng nhịp nhỏ – Tay lớn nắm tay nhỏ với mong muốn tạo một không gian nghệ thuật cộng đồng - nơi mọi thành viên trong gia đình có thể cùng nhau trải nghiệm nghệ thuật, lắng nghe nhau và nuôi dưỡng tình cảm bằng sự hiện diện trọn vẹn.

Sự kiện không đặt trọng tâm vào biểu diễn mà vào tương tác giữa các thế hệ thông qua nghệ thuật, để từ một nét vẽ, một chiếc quạt giấy

Sự kiện không đặt trọng tâm vào biểu diễn mà vào tương tác giữa các thế hệ thông qua nghệ thuật, để từ một nét vẽ, một chiếc quạt giấy

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi công nghệ chi phối quá nhiều đến đời sống của con người, từ đó các mối quan hệ trong gia đình đang dần trở nên rời rạc.

Nhiều bậc cha mẹ ở cùng con nhưng lại không thực sự sống và đồng hành cùng con theo đúng nghĩa của sự hiện diện, lắng nghe và thấu cảm.

Trong khi đó, trẻ em cần một không gian để được lắng nghe, được tôn trọng và được lớn lên theo đúng nhịp của mình, nhưng không gian ấy ngày càng trở nên hiếm hoi.

Đặc biệt hiện nay, tại các khu dân cư đô thị lớn, nơi sân chơi truyền thống đang bị thu hẹp, các hoạt động nghệ thuật cộng đồng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển cảm xúc và kết nối liên thế hệ.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Nghệ thuật không chỉ giúp trẻ nhỏ phát triển tư duy, khả năng biểu đạt, sáng tạo, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, năng lực thấu cảm và giao tiếp đa chiều trong xã hội.

Xuất phát từ thực tế đó, sự kiện nghệ thuật cộng đồng Từng nhịp nhỏ – Tay lớn nắm tay nhỏ được tổ chức.

Sự kiện tạo cơ hội để ông bà, cha mẹ và con cái gắn kết – cùng chơi, cùng cảm nhận và thấu hiểu nhau

Sự kiện tạo cơ hội để ông bà, cha mẹ và con cái gắn kết – cùng chơi, cùng cảm nhận và thấu hiểu nhau

Nhà sáng lập Oliu Art Center (CLB Nghệ thuật Oliu Art) Vy Thảo, Trưởng Ban tổ chức sự kiện cho biết, ban đầu, xuất phát từ mục tiêu trẻ em cần được thấu hiểu và yêu thương trong chính gia đình của mình, chúng tôi thiết kế các không gian trải nghiệm nghệ thuật giúp gia đình gắn kết và lấy trẻ em làm trung tâm.

Đây là một hướng đi mà chúng tôi đã thực hành nhiều năm trong cộng đồng. Các không gian này cũng khơi gợi những câu hỏi cho người lớn đối với thế giới trẻ thơ.

Đó là: Chúng ta đã thực sự lắng nghe trẻ em đúng cách, đã dành đủ thời gian để lắng lại cùng con, để gắn kết yêu thương, từ đó trái tim đủ sáng suốt để lắng nghe những điều trẻ em mong muốn?

Do đó, tại sự kiện lần này, các không gian dành cho trẻ em và gia đình chú trọng đến việc: Trẻ em được lắng nghe, được phát triển theo nhịp riêng của mình thông qua các hoạt động nghệ thuật trải nghiệm.

Đồng thời, sự kiện cũng tạo cơ hội để ông bà, cha mẹ và con cái gắn kết – cùng chơi, cùng cảm nhận và thấu hiểu nhau hơn.

“Chúng tôi tin rằng khi được là chính mình trong tình yêu và sự thấu hiểu, trẻ em sẽ lớn lên một cách lành mạnh và hạnh phúc”, chị Vy Thảo nói.

Từng nhịp nhỏ - Tay lớn nắm tay nhỏ lấy cảm hứng từ lời bài hát Ba kể con nghe của tác giả Nguyễn hải Phong.

Sự kiện không đặt trọng tâm vào biểu diễn mà vào tương tác giữa các thế hệ thông qua nghệ thuật, để từ một nét vẽ, một chiếc quạt giấy, hay một bài hát cất lên cùng nhau có thể tìm lại được nhịp kết nối đã lỡ quên giữa đời sống tất bật.

Sự kiện sẽ được tổ chức ngay tại sân chơi chung cư 789 Xuân Đỉnh, Hà Nội – một không gian quen thuộc trong đời sống hàng ngày.

Việc lựa chọn địa điểm này không phải là ngẫu nhiên, mà xuất phát từ việc biến chính những nơi tưởng như bình dị thành “điểm chạm” của nghệ thuật và cảm xúc.

Hạnh phúc khi được cùng con tham gia các hoạt động trải nghiệm

Hạnh phúc khi được cùng con tham gia các hoạt động trải nghiệm

Khi nghệ thuật hiện diện giữa khu dân cư, giữa đời thường, nó trở nên gần gũi, dễ tiếp cận và có khả năng “chạm” vào trái tim của mọi người, không phân biệt tuổi tác hay tầng lớp.

Sự kiện không tổ chức theo hình thức sân khấu và khán giả, mà là sự tương tác đồng hành. Trẻ em không chỉ là người tham gia, mà là trung tâm của kết nối.

Người lớn không chỉ là người quan sát, mà là người bạn đồng hành thực sự. Và nghệ thuật trong mọi hình thức từ âm nhạc đến thủ công sẽ trở thành phương tiện để gắn kết, để thấu hiểu, để chữa lành.

Theo nhà sáng lập Oliu Art Center Vy Thảo, cái hay của sự kiện đến từ chính những người tham gia, những cư dân, người già, thanh niên, trẻ em,... cùng tương tác trong một không gian chung.

Đây có thể được gọi là một cuộc “trình diễn” tập thể về sự gắn kết. Họ không chỉ là người đến xem, mà sẽ hòa mình trong sự kiện, bằng chính những câu chuyện cá nhân của mình.

Khi nghệ thuật mang trong mình sứ mệnh gắn kết, yêu thương và lắng nghe sẽ tiếp tục tạo nên những điều tuyệt vời. Cùng không gian đó, bao kí ức, kỷ niệm được ùa về.

Các gia đình cùng nhau vẽ quạt, để mang theo những lúc dã ngoại; cùng vẽ những bức tranh bữa ăn gia đình và tự đặt câu hỏi: Chúng ta đã thực sự hiện diện cùng nhau trong một bữa ăn?; những đường kim khâu vá… có khơi dậy những nối kết, tĩnh lặng, lắng sâu đã dần biến mất?

Cha mẹ cùng con trải nghiệm vẽ tranh

Cha mẹ cùng con trải nghiệm vẽ tranh

Nhà sáng lập Oliu Art Center tin rằng, mỗi tuần các gia đình chỉ cần một giờ dành cho nhau có thể gieo mầm yêu thương, khơi dậy ký ức, tạo ra nhịp “chạm” cảm xúc giữa các thế hệ.

MINH HÀ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/noi-lang-nghe-gan-ket-va-yeu-thuong-giua-cac-the-he-129611.html
Zalo