Xem xét sửa nhiều nội dung quan trọng trong Hiến pháp để sắp xếp, vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp

Với nội dung phạm vi nghiên cứu sửa đổi dự kiến liên quan đến khoảng 8 điều trên tổng số 120 điều của Hiến pháp hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu theo hướng ban hành Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, làm cơ sở cho việc tiếp tục thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, chính quyền địa phương 2 cấp...

Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trả lời báo chí tại buổi họp báo.

Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trả lời báo chí tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV diễn ra vào chiều ngày 4/5/2025, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đã trao đổi, trả lời báo chí về một số nội dung liên quan đến dự kiến chương trình Kỳ họp như công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013; tháo gỡ điểm nghẽn thể chế tại Kỳ họp thứ 9; vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...

Một trong những nội dung rất quan trọng được quan tâm tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đó là việc Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn. Xin bà thông tin thêm về những nội dung nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp và việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được triển khai thế nào, thưa bà?

Chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Bộ Chính trị nêu ra tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025. Ngay từ khi có yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Đảng ủy Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Nguyễn Phương Thủy .

"So với các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trước đây thì thời gian dự kiến dành cho việc lấy ý kiến Nhân dân trong lần sửa đổi này là tương đối ngắn; tuy nhiên, với phạm vi sửa đổi, bổ sung không nhiều, chỉ liên quan đến 8/120 điều của Hiến pháp, định hướng sửa đổi đối với nhiều nội dung đã được thông tin rộng rãi suốt thời gian qua và nhận được sự ủng hộ, tán thành từ dư luận xã hội và người dân (như việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội theo chủ trương hướng về cơ sở) thì thời gian lấy ý kiến như vậy theo tôi cũng là phù hợp".

Kết quả nghiên cứu của Đảng ủy Quốc hội và các cơ quan đã được báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tại Hội nghị lần thứ 11 vừa qua, Ban Chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Trên cơ sở các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các Tờ trình gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và sẽ được chính thức báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc ngày 5/5 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

Mặc dù nội dung sửa đổi cụ thể các quy định của Hiến pháp chưa đề cập, nhưng phạm vi các vấn đề cần tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể là các nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và các quy định tại Chương 9 của Hiến pháp liên quan đến việc phân chia các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương các cấp.

Với nội dung phạm vi nghiên cứu sửa đổi không lớn (dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8 điều trên tổng số 120 điều của Hiến pháp hiện hành), Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu theo hướng ban hành Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội xem xét quyết định thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Sau khi thành lập, Ủy ban này sẽ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và tổ chức việc công bố lấy ý kiến Nhân dân, các cấp, các ngành về dự thảo Nghị quyết này.

Để đáp ứng yêu cầu hết sức khẩn trương về tiến độ nêu tại Nghị quyết số 60-NQ/TW, việc công bố lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết dự kiến sẽ được tiến hành rất sớm, có thể là ngay từ ngày 06/5 sắp tới, thời gian để Nhân dân tham gia ý kiến dự kiến trong khoảng 01 tháng (từ ngày 06/5 đến 05/6/2025).

Toàn cảnh buổi họp báo.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Sau đó, Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến của Nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Quốc hội xem xét thông qua trước ngày 26/6 để làm cơ sở cho việc tiếp tục thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy và chính quyền địa phương 02 cấp.

So với các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trước đây thì thời gian dự kiến dành cho việc lấy ý kiến Nhân dân trong lần sửa đổi này là tương đối ngắn; tuy nhiên, với phạm vi sửa đổi, bổ sung không nhiều, chỉ liên quan đến 8/120 điều của Hiến pháp, định hướng sửa đổi đối với nhiều nội dung đã được thông tin rộng rãi suốt thời gian qua và nhận được sự ủng hộ, tán thành từ dư luận xã hội và người dân (như việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội theo chủ trương hướng về cơ sở) thì thời gian lấy ý kiến như vậy theo tôi cũng là phù hợp.

Đặc biệt, đối với việc lấy ý kiến Nhân dân lần này, Chính phủ đề xuất ngoài các hình thức tổ chức lấy ý kiến truyền thống đã thực hiện trong các lần sửa Hiến pháp trước đây, thì có thể áp dụng hình thức tham gia, lấy ý kiến thông qua ứng dụng điện tử VNeID.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực xây dựng phương án, triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân thông qua ứng dụng này. Đây cũng là điểm rất mới trong lấy ý kiến Nhân dân lần này và điều này sẽ tạo điều kiện để nhiều công dân có thể thể hiện ý kiến trực tiếp về chủ trương sửa đổi Hiến pháp cũng như góp phần rút ngắn thời gian cho công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến tham gia của người dân.

Liên quan chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Bộ Chính trị đã có kết luận và Ban Tổ chức Trung ương đã có hướng dẫn về việc không bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh, thành sau sáp nhập mà thay vào đó là chỉ định, bổ nhiệm. Bà có thể thông tin, chia sẻ cụ thể về chủ trương trên cũng như việc áp dụng cơ chế đặc biệt này?

Đây là nội dung đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, thảo luận. Tại Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện sẽ không bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND như thông thường mà thực hiện chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh nói trên ở các đơn vị hình thành sau sắp xếp. Đồng thời, có thể chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND để giữ chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh/xã.

Lý do của việc cần áp dụng cơ chế đặc biệt này, theo tôi, trước hết là tính chất đặc biệt của việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này. Trước đây, chúng ta đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong các năm 2019-2021 và năm 2023-2025, nhưng ở lần sắp xếp này ngoài quy rộng lớn, có tính toàn quốc của việc nhập tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chúng ta còn kết hợp thực hiện chủ trương lớn của Đảng về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện nên các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Để đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt cán bộ đang công tác ở cấp huyện đến làm việc ở cơ quan mới tại cấp tỉnh, cấp xã, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có và trong điều kiện tổ chức bộ máy có sự xáo động rất lớn, đại biểu HĐND ở các đơn vị hình thành sau sắp xếp được tập hợp từ nhiều đơn vị hành chính trước đó nên chưa có điều kiện nhận biết, đánh giá chính xác về năng lực của đội ngũ cán bộ sau sắp xếp, nên việc Bộ Chính trị có chỉ đạo lần này sẽ chỉ định, bổ nhiệm với người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy là chỉ định, bổ nhiệm nhưng công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự vẫn phải được tiến hành hết sức chặt chẽ và do cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện theo đúng quy định trong Đảng.

Hơn nữa, cơ chế này chỉ thực hiện trong năm 2025 ứng với việc thực hiện sắp xếp quy mô lớn như đã nêu ở trên, còn những năm sau sẽ thực hiện bầu nhân sự bình thường theo đúng quy định hiện hành, HĐND sẽ bầu các chức danh của HĐND và UBND.

Việc này sẽ được ghi nhận trong Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 tại quy định chuyển tiếp, để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Tại phiên họp thứ 44 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc sửa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, xem xét rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cũng như Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026?

Vấn đề này, vừa qua UBTVQH đã xem xét cho ý kiến một bước trước khi trình ra Quốc hội để xem xét quyết định theo thẩm quyền. Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội là đáp ứng tình hình thực tiễn, đây cũng là vấn đề đã được đặt ra trong một số nhiệm kỳ gần đây và đã có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị từ trước.

Lâu nay, thời gian từ khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thông thường vào tháng 1 cho đến khi hoàn thành việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (thường được tổ chức xung quanh ngày 19/5) là khoảng 04 tháng. Thời gian như vậy là khá dài nên đã tạo một số bất cập, hạn chế cho công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp cán bộ vào các vị trí lãnh đạo cao cấp của Nhà nước, cả ở trung ương và địa phương; làm chậm quá trình triển khai thực hiện, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và các cấp, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Đứng trước yêu cầu về sắp xếp tổ chức bộ máy, sớm kiện toàn bộ máy các cơ quan nhà nước, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, nhất trí với việc trình Quốc hội quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 khoảng 03 tháng để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp khóa tới có thể được tiến hành gần nhất có thể so với thời điểm kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc, qua đó có điều kiện thuận lợi cho việc kiện toàn bộ máy và nhân sự các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Với tinh thần đó, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa một số bước trong trình tự, thủ tục bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo công tác bầu cử được tiến hành khẩn trương, thuận lợi; đồng thời vẫn phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền bầu cử và ứng cử - một trong số các quyền cơ bản của công dân.

Bộ Chính trị vừa có Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới trong đó có đặt mục tiêu năm 2025 sẽ cơ bản tháo gỡ những điểm nghẽn do quy định pháp luật gây ra. Vậy hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã xác định có bao nhiêu điểm nghẽn và kế hoạch tháo gỡ như thế nào? Cụ thể tại kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội sẽ tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn nào, thưa bà?

Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới có nhiều nội dung quan trọng gắn với hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Trong Nghị quyết có nêu rõ yêu cầu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tháo gỡ điểm nghẽn do quy định của pháp luật; đến năm 2027 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung ban hành mới văn bản pháp luật, bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp; đến năm 2028 hoàn thiện hệ thống pháp pháp luật về đầu tư kinh doanh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn dầu ASEAN. Đây là những mục tiêu rất cụ thể và đặt ra yêu cầu rất cao đối với các cơ quan Chính phủ, Quốc hội cũng như toàn hệ thống chính trị cần phải nỗ lực cố gắng ở mức cao nhất để hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Hiện nay, Chính phủ và Quốc hội đều nhận thức rất rõ về tình trạng còn nhiều quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Chính phủ đã có nhiều đợt rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tổng kết việc thi hành pháp luật trong từng lĩnh vực để chủ động tổng hợp và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các điểm nghẽn, vướng mắc do quy định pháp luật, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã có định hướng và lộ trình cụ thể để từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn này thông qua việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan. Trong mỗi kỳ họp, Quốc hội đều ưu tiên xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua các dự án luật nhằm xử lý những bất cập, vướng mắc từ thực tiễn.

Tinh thần đó tiếp tục được phát huy tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV- kỳ họp có khối lượng công tác lập pháp lớn nhất từ trước đến nay, để tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.

Việc tháo gỡ các điểm nghẽn không phải là hành động đơn lẻ mà là một quá trình liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định cũng như quỹ thời gian và năng lực thực tế của bộ máy.

Tại Kỳ họp thứ 9 tới đây, ngoài việc sửa đổi bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung, thông qua 34 dự án luật, 11 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, cho ý kiến với 06 dự án luật khác. Trong các dự án luật này, có nhiều luật sửa đổi bổ sung nhiều luật như luật sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, luật sửa đổi, bổ sung các luật về tố tụng…

Ngoài trọng tâm sửa đổi, ban hành luật để thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, các dự án luật, nghị quyết được xem xét tại kỳ họp này sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo nhiều cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng như tiếp tục thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ có kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 66. Bên cạnh đó, cần khẳng định rằng việc cải tiến, đổi mới công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế luôn được Quốc hội quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào tháng 2/2025 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trong đó có nhiều đổi mới quan trọng, có tính cách mạng trong việc hoàn thiện quy trình xây dựng, xem xét, thông qua luật, nghị quyết của Quốc hội. Các quy định này đã bắt đầu phát huy tác dụng tích cực và là một trong các điều kiện cần thiết để Quốc hội có khả năng hoàn thành khối lượng công việc lập pháp hết sức đồ sộ của Kỳ họp thứ 9 này cũng như phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nhĩ Anh lược ghi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xem-xet-sua-nhieu-noi-dung-quan-trong-trong-hien-phap-de-sap-xep-van-hanh-bo-may-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap.htm
Zalo