Quỹ Hỗ trợ đầu tư: Không 'thiên vị', hỗ trợ riêng doanh nghiệp, nhóm nhà đầu tư nào

Quan điểm xuyên suốt tại Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư là quy định nguyên tắc, tiêu chí áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện, không nhằm hỗ trợ riêng bất cứ nhóm nhà đầu tư nào.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Cần chính sách đủ mạnh

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư (Dự thảo) vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 40 vừa qua.

Tờ trình Dự thảo nêu rõ, mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư hiện nay và việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Việt Nam cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới.

Chính sách này hướng đến các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua Quỹ hỗ trợ đầu tư để tạo đột phá, có chọn lọc trong thu hút đầu tư, đảm bảo vị thế cạnh tranh, giữ chân và thu hút các tập đoàn với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng và tác động lan tỏa lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách này cần đủ mạnh để thay thế các chính sách thu hút đầu tư không còn hiệu quả do áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, đồng thời, bảo đảm yêu cầu không nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư thuộc phạm vi áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và thể hiện tinh thần “thiện chí đồng hành”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Dự thảo đề xuất Quỹ hoạt động theo mô hình tương tự đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các quy định đặc thù.

Quỹ không được ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của Quỹ. Ngân sách nhà nước bố trí dự toán hàng năm cho Quỹ để hoạt động (chi hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp và chi hoạt động quản lý); khác với quy định tại khoản 11, Điều 8, Luật Ngân sách nhà nước 2015.

Đây là mô hình mới, phù hợp với đặc thù của Quỹ, nhưng chưa được quy định trong pháp luật hiện hành - theo tờ trình của Chính phủ.

Đối tượng áp dụng hỗ trợ đầu tư gồm doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Về điều kiện và tiêu chí hưởng hỗ trợ, theo Dự thảo là, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao: có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm (trừ một số trường hợp được quy định tại Dự thảo).

Phương thức hỗ trợ là chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ chi phí. Đây là hình thức hỗ trợ chi phí đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và phù hợp với nguyên tắc OECD - tờ trình nêu rõ.

Chính phủ cũng dự kiến nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương, bao gồm dự toán chi đầu tư phát triển khác theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (tương ứng với toàn bộ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu).

Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước của Quỹ năm 2025 và năm 2026, căn cứ nhu cầu chi và khả năng cân đối ngân sách, Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền phân bổ ngân sách nhà nước năm 2025 và năm 2026 cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giao cho Quỹ.

Còn với dự toán chi ngân sách nhà nước từ năm 2027 và các năm tiếp theo được xây dựng trên số thực tế thu ngân sách nhà nước năm 2025 và các năm tiếp theo từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, bao gồm nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác, nguồn lãi từ tài khoản tiền gửi và nguồn tồn dư Quỹ hàng năm.

Quỹ Hỗ trợ đầu tư được sử dụng để tạo đột phá, có chọn lọc trong thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, sức lan tỏa rộng. Ảnh: Đức Thanh, Đồ họa: thanh Huyền

Quỹ Hỗ trợ đầu tư được sử dụng để tạo đột phá, có chọn lọc trong thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, sức lan tỏa rộng. Ảnh: Đức Thanh, Đồ họa: thanh Huyền

Hài hòa lợi ích, minh bạch đối tượng hỗ trợ

Nêu ý kiến về Dự thảo, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và một số Ủy ban của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị, cần làm rõ hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi này, khả năng cân đối nguồn lực thực hiện hàng năm, biện pháp xử lý các rủi ro khi thực hiện chính sách.

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt lưu ý sự công bằng của chính sách.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, mục tiêu của chính sách là hỗ trợ cả doanh nghiệp ngoài nước và trong nước. Vì thế, nếu không có sự tính toán cụ thể thì có khi nghị định ban hành chỉ tập trung vào doanh nghiệp của 1-2 nước, các doanh nghiệp của các nước khác sẽ tâm tư.

Thống nhất cao với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn, tinh thần của Nghị định chủ yếu là hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng, đối tượng đang nộp thuế tối thiểu toàn cầu thì bao gồm rất nhiều doanh nghiệp lớn, không nhất thiết là doanh nghiệp công nghệ cao thì lại không được hỗ trợ. Phải có sự hài hòa tương đối, tránh việc hỗ trợ chỉ rơi vào một số doanh nghiệp của số ít quốc gia, dễ dẫn đến sự so bì, phân biệt, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, ông Tùng lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu xác định mục tiêu sử dụng Quỹ hài hòa, công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tránh việc ban hành xong có chỗ thấy có lợi, có nơi thấy bất lợi thì chưa đủ bao quát, hấp dẫn các nhà đầu tư. Phải rà soát lại, đảm bảo minh bạch về mức và đối tượng hỗ trợ, tránh xin - cho, tránh nhà đầu tư đa quốc gia được hưởng hỗ trợ mà không khuyến khích doanh nghiệp nội phát triển.

Trước băn khoăn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, quy định tại Dự thảo áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, cả dự án hiện hữu, dự án mở rộng, dự án đầu tư mới, không tính đến doanh nghiệp có thuộc đối tượng nộp thuế bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu hay không. Các nguyên tắc, tiêu chí đưa ra đảm bảo sự sàng lọc rất cao, đều là doanh nghiệp lớn, hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Bà Ngọc cũng cho biết, trong mọi trường hợp sẽ không hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt nguồn Quỹ hiện có, mà chỉ nằm trong cân đối của Quỹ.

Về số lượng doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi, Thứ trưởng Ngọc dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho biết, hiện có 122 doanh nghiệp sẽ thuộc đối tượng nộp thuế tối thiểu toàn cầu với khoảng 14.600 tỷ đồng. Với chính sách thiết kế tại Dự thảo tập trung thu hút dự án công nghệ cao, các lĩnh vực trọng tâm mà Việt Nam hướng đến, theo tính toán sơ bộ thì khoảng 22 doanh nghiệp nằm trong đối tượng hỗ trợ, có cả doanh nghiệp của Hàn Quốc, Hoa Kỳ… cứ đáp ứng tiêu chí thì được hỗ trợ, 22 doanh nghiệp này đóng góp gần 90% của 14.600 tỷ đồng mà các doanh nghiệp phải đóng.

Sau khi nghe Thứ trưởng Ngọc báo cáo giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung của Dự thảo, song đặt biệt lưu ý cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp của các nước khác nhau, đảm bảo lợi ích thu được phải lớn hơn chi phí bỏ ra và không để xảy ra trục lợi chính sách.

Sửa Luật Báo chí, Luật phá sản trong năm 2025

Cũng trong phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung 4 dự án luật và 1 nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo đó, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi).

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quy-ho-tro-dau-tu-khong-thien-vi-ho-tro-rieng-doanh-nghiep-nhom-nha-dau-tu-nao-d232346.html
Zalo