Xây dựng vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao
Thời gian qua, huyện Thanh Sơn đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, chú trọng phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, triển khai các đề án, kế hoạch phát triển ngành trồng trọt, góp phần khai thác tiềm năng đất đai, từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Mô hình trồng bưởi Diễn của gia đình chị Trần Thị Bích Lang xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, hàng năm xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn đã vận động người dân cải tạo đất trồng lúa, đất nương kém hiệu quả để trồng cây ăn quả; tạo điều kiện cho nông dân tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Nhờ đó, người dân có điều kiện tập trung sản xuất, liên kết, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Theo đồng chí Đinh Tiến Thanh - Chủ tịch UBND xã Tân Lập, xã có vị trí địa lý chủ yếu là vùng đất triền đồi, có kết cấu thổ nhưỡng rất phù hợp với cây chuối phấn vàng. Hiện toàn xã có tổng diện tích chuối phấn vàng 47ha, sản phẩm chuối thơm ngon, mẫu mã chuối thành phẩm đẹp. Đến nay, chuối phấn vàng được nhiều người biết đến và thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Định hướng của huyện sẽ phát triển cây chuối phấn vàng thành sản phẩm tiêu biểu và xây dựng nhãn hiệu “Chuối phấn vàng Thanh Sơn” hướng đến sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài trồng bưởi Diễn, chuối phấn vàng, người dân còn đầu tư trồng thêm cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Cam, ổi, táo, mít... nâng cao thu nhập.
Với mục tiêu phát triển cây ăn quả bền vững, huyện khuyến khích chuyển đất đồi thấp, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, lồng ghép các chương trình, dự án, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển trồng trọt... Huyện chú trọng quản lý, kiểm soát chặt chẽ, xây dựng lộ trình, làm mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo cơ sở để lựa chọn những cây trồng phù hợp với thực tế sản xuất của địa phương và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Một số mô hình trồng cây ăn quả quy mô lớn đã áp dụng kỹ thuật canh tác mới như: Trồng mật độ cao để tận dụng đất đai, bón phân hữu cơ, bao túi để chống sâu bệnh...
Đến nay, trên địa bàn huyện đã bước đầu hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, ứng dụng công nghệ cao, có sự liên kết bao tiêu sản phẩm. Tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện hiện có trên 2.000ha. Tổng diện tích bưởi 785ha, trong đó diện tích cho sản phẩm ước đạt trên 582ha, năng suất ước đạt 82,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4.803 tấn. Tổng diện tích chuối ước đạt 640ha, trong đó diện tích chuối phấn vàng trên 84ha, trồng tập trung chủ yếu tại các xã: Tân Minh, Tân Lập và Khả Cửu; năng suất đạt 290 tạ/ha, sản lượng đạt 18.560 tấn; còn lại là cam, thanh long, táo... bước đầu có thị trường ổn định. Nguồn thu ngày càng tăng từ cây ăn quả đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, dần ổn định cuộc sống, có điều kiện vươn lên làm giàu ngay tại địa phương, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.