Xây dựng văn hóa người Hà Nội trong kỷ nguyên mới
Trong tám nhiệm kỳ công tác liên tiếp, Thành ủy Hà Nội luôn dành một chương trình riêng về xây dựng văn hóa, con người. Việc nâng cao tri thức luôn được đồng hành với xây dựng đạo đức, lối sống, ứng xử.
Hoạt động này đã góp phần khôi phục những giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng những nét văn hóa mới. Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên mới, khi đất nước hội nhập ngày một sâu rộng hơn với quốc tế, văn hóa, con người Hà Nội cần được tích hợp những giá trị mới, những mục tiêu mới.
Có nhiều giải pháp khác nhau trong xây dựng văn hóa, con người, trong đó, Hà Nội tập trung vào kiến tạo các môi trường văn hóa.
Kết hợp giữa gia đình- nhà trường-xã hội
Còn hai tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhưng bà Đỗ Thị Phượng (thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh) đã sớm lên kế hoạch đón con cháu về họp mặt. Năm nay, bữa cơm tất niên dự kiến tổ chức vào 28 Tết, sau đó, con cháu đi tảo mộ. Đại gia đình sẽ chọn một ngày để quây quần trong ngày Tết.
Bà Phượng làm dâu cả trong một gia đình bốn thế hệ, các cụ có tới mấy chục cháu, chắt. Bố chồng đã mất, mẹ chồng năm nay đã 95 tuổi. Dù công việc “bếp núc” rất nhiều, bà vẫn giữ vai trò kết nối các thành viên. Bà Phượng chia sẻ: “Để gia đình trong ấm, ngoài êm thì người lớn tuổi gương mẫu. Những dịp gặp mặt đông đủ, chúng tôi thường kể những câu chuyện về ứng xử của lớp người đi trước cho con cháu. Việc bảo ban, nhắc nhở con cháu giúp các cháu hiểu đạo lý làm con, đạo lý làm người”. Xã hội ngày một hiện đại, tưởng chừng những gia đình “tứ đại đồng đường” không còn phù hợp nhưng ở Hà Nội, những mô hình như thế không phải là hiếm.
Gia đình là môi trường đầu tiên mà mỗi cá nhân tiếp xúc, cho nên thành phố Hà Nội luôn quan tâm xây dựng văn hóa ứng xử từ trong gia đình. Ngoài những thuộc tính chung của gia đình Việt Nam là người lớn nêu gương, con cháu hiếu thảo… thành phố chú trọng những yếu tố như lời ăn tiếng nói thanh lịch, nhã nhặn; khuyến khích tiếp nhận những yếu tố thời đại. Bởi thế, nhiều gia đình tưởng như rất “truyền thống”, nhưng lại cũng rất “hiện đại”, khi con cháu du học, làm việc ở môi trường hiện đại hay tại các doanh nghiệp nước ngoài...
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và văn hóa gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng chia sẻ: “Chúng tôi vận động nhân dân gìn giữ nét đẹp ứng xử của người Hà Nội, biểu dương những tấm gương tiêu biểu, phổ biến thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình... Thay vì biểu dương chung chung, chúng tôi phân nhóm gia đình văn hóa tiêu biểu trong từng lĩnh vực như: Khuyến học, giữ gìn di sản, từ thiện nhân đạo… Khi cộng đồng biết đến những tấm gương, người ta sẽ soi vào chính gia đình mình để điều chỉnh hành vi”.
Xây dựng văn hóa, con người là một hành trình bền bỉ. Thành ủy Hà Nội đã triển khai Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (trước đây là Chương trình số 04-CTr/TU) suốt tám nhiệm kỳ liên tục).
Thành phố tập trung vào xây dựng văn hóa tại ba môi trường: Gia đình, nhà trường, xã hội. Đối với khối nhà trường, thành phố đã đưa vào giảng dạy Bộ tài liệu giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch trong nhà trường ở ba cấp học từ năm học 2012-2013. Từ năm học 2024-2025, việc giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch được triển khai cả ở bậc học mầm non. Thành phố tập trung bồi đắp tình yêu quê hương cho các em học sinh qua việc tổ chức các chương trình tham quan, học tập trực tiếp tại những di tích ở xã, phường nơi các em sinh sống.
Đối với môi trường xã hội, Hà Nội triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng từ năm 2017, với những quy tắc ứng xử cụ thể tại các không gian khác nhau như: Di tích lịch sử, nhà văn hóa, chợ, siêu thị, ga tàu xe, thư viện, công viên... Ở một nơi nếp sống văn minh khó thâm nhập như chợ dân sinh, thành phố đã có những thành công bước đầu với mô hình “Chợ văn minh”. Chợ Thái Hà (quận Đống Đa) một thời lộn xộn nhưng hiện tại, ngay từ cổng chợ, quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết. Tất cả các mặt hàng đều được đặt trên kệ cao, thoáng, sạch sẽ, lối đi lại thường xuyên được vệ sinh.
Thái độ phục vụ của các tiểu thương cũng nhã nhặn, lịch sự. Có được kết quả đó là nhờ các cấp Hội Phụ nữ đã tuyên truyền ứng xử văn minh trong thương mại, đề nghị các hộ kinh doanh cam kết bán đúng, bán đủ, bán hàng bảo đảm chất lượng… Hiện tất cả quận, huyện, thị xã đều triển khai mô hình Chợ văn minh. Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội Hoàng Thu Hồng cho biết: “Mô hình Chợ văn minh là bước cụ thể hóa việc triển khai thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng trong không gian chợ, là biện pháp truyền thông hiệu quả nhất để đưa quy tắc ứng xử nơi công cộng vào cuộc sống thông qua sự tương tác, giao thương giữa các tiểu thương với người dân đến mua bán hàng”.
Với ba trụ cột đó, hầu như khi tham gia bất kỳ môi trường nào, hành vi của mỗi cá nhân đều được điều chỉnh vừa bằng quan niệm xã hội, vừa bằng những quy tắc cụ thể. Mặc dù vẫn còn những hiện tượng vứt rác ra đường, nói tục hay xô xát chỉ vì va chạm nhỏ…, nhưng dòng chủ lưu của văn hóa Hà Nội vẫn là khôi phục những nét đẹp văn hóa truyền thống song song kiến tạo những nét văn hóa thời đại.
Thích ứng kỷ nguyên mới
Văn hóa ứng xử của người Hà Nội được coi là một “tài sản” quý. Nhưng bối cảnh xã hội ngày nay đã có nhiều thay đổi. Bước vào kỷ nguyên mới, giao lưu quốc tế ngày một mạnh mẽ hơn, con người sống trong không gian mạng ngày một nhiều hơn… tạo ra va chạm giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và trào lưu quốc tế. Điển hình như việc thần tượng thái quá các ngôi sao giải trí nước ngoài. Ngay cả những chương trình giải trí trong nước cũng mải mê sao chép chương trình quốc tế.
Thời gian giới trẻ “sống” trong môi trường “ảo” với mạng xã hội, internet ngày càng nhiều và khó định hướng, quản lý… Những thách thức này đòi hỏi phải hình thành một hệ giá trị văn hóa-con người phù hợp, đồng thời khẳng định tính đại diện của Thủ đô đối với cả nước. Trước đây, văn hóa người Hà Nội được gắn với cụm từ “thanh lịch, văn minh” thì nay, ngay từ đặc trưng cơ bản, cần bổ sung những yếu tố mới.
Trên cơ sở thực tiễn, tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất dự thảo “Chuẩn mực xây dựng văn hóa người Hà Nội”. Là người tham gia xây dựng tiêu chí, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cho biết, từ chuẩn mực là “hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh”, ngành văn hóa đề xuất những tiêu chí cụ thể với hai phương án. Cả hai phương án đều có những nền tảng chung về ứng xử thanh lịch, văn minh, tự hào, đóng góp xây dựng Thủ đô và có thêm yếu tố thời đại.
Yếu tố này ở phương án 1 là: Sáng tạo trong tư duy và hành động; hiện đại trong lối sống (làm chủ, ứng dụng công nghệ vào công việc và đời sống, sống lành mạnh, khoa học); hội nhập quốc tế (thành thạo ngoại ngữ, chủ động tiếp cận văn minh thế giới); trách nhiệm trong cộng đồng… Những yếu tố mang tính thời đại của phương án 2 gồm: Tinh thần hội nhập quốc tế sâu rộng (làm chủ ngoại ngữ, quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ gìn bản sắc); ý thức xây dựng đô thị hiện đại-thông minh; tinh thần sáng tạo dẫn đầu; tinh thần văn hóa hiếu khách, thân thiện… Nếu phương án 1 hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại thì phương án 2 nhấn mạnh vai trò đại diện của Thủ đô; thể hiện vai trò dẫn dắt của công dân Thủ đô trong đổi mới và hội nhập.
Việc xây dựng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội trong thời kỳ mới được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý cho là hết sức cần thiết. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Việc xây dựng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội cần triển khai gắn bó với hệ giá trị-văn hóa con người Việt Nam. Để thích ứng thời đại mới, cần bổ sung một số phẩm chất mới.
Thí dụ như phẩm chất tiên phong, sáng tạo. Người Hà Nội sở hữu một tài sản lớn nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc, lại được tiếp nhận những điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần. Bởi vậy phải là người tiên phong trong mọi lĩnh vực của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số, kỷ nguyên công nghệ. Do đó, sáng tạo là phẩm chất hàng đầu để đáp ứng yêu cầu này”.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, bên cạnh những chuẩn mực đang được xây dựng, Hà Nội cần chú ý một số đức tính phù hợp cuộc sống hiện nay như ý thức tôn trọng pháp luật, điển hình như khi tham gia giao thông; việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống để thu hút nguồn lực văn hóa, con người cả nước…
Về phía cơ quan quản lý văn hóa, Phó Cục trưởng Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng đề xuất: “Thời gian qua, Trung ương và Hà Nội rất quan tâm đến việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới. Việc xây dựng hệ giá trị người Hà Nội hôm nay cần phải được đặt trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Hệ giá trị này cần phải được lượng hóa cụ thể, sát với thực tế, phục vụ mục đích phát triển của Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung. Để xây dựng các tiêu chí phát triển con người cần phải chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp; tập trung truyền thông và cần sự phối hợp của các cấp, ngành, người dân”. Hiện nay, ngành văn hóa Hà Nội tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý để hoàn thiện chuẩn mực, tham mưu thành phố ban hành chính thức, tạo xung lực mới trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô.