Lái xe xuyên Việt - cuộc hành hương thương nhớ
Tôi đã đi xuyên Việt nhiều lần, bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng lần này đi với đại gia đình, trên chiếc xe được thiết kế đặc biệt. Nó đích thực là một chuyến về nguồn, một cuộc hành hương thương nhớ.
Tôi đã lái xe qua nhiều vùng đất trên thế giới, cả tay lái thuận lẫn tay lái nghịch, cả bên này lẫn bên kia bán cầu.
Nhưng mỗi lần tiêu tốn một kỳ nghỉ dài (nhất là trọn vẹn cái Tết Nguyên Đán) cùng gia đình, trên chiếc xe huyền thoại của mình, tôi đều có cảm giác run rẩy trong một cuộc hành hương thương nhớ về với các giá trị cội nguồn.
Bố tôi vào chiến trường miền Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ, mẹ tôi lam lũ một chốn bốn quê, các bác ruột tôi, khắp Bắc, Trung, Nam chỗ nào cũng có người đang sinh sống hoặc có mộ phần của họ.
Đến tỉnh nào, với một người hơn 30 năm cầm bút, tham gia các hoạt động xã hội dày đặc như tôi, cũng là dịp để thăm thân, để hoài niệm về các chuyến đi một thời.
Khởi hành từ Hà Nội, con đường đã “cao tốc hóa” vào đến tận Hà Tĩnh chỉ chiếm của gia đình tôi nửa ngày. Hai bố con thay nhau lái xe. Những thứ đồ ít dùng tới ở trên nóc, được một thiết bị che phủ thông minh mua từ “thế giới đồ dã ngoại” bên Thụy Điển về. Cơn mưa nặng hạt cũng không hề hấn gì.
Ngôi nhà di động ngủ đêm đầu tiên ở Huế. Khúc ruột miền Trung chúng tôi đã đi nhiều lần, có thể được lướt qua với các cánh đồng điện gió vùng Quảng Trị, bãi biển Cửa Đại rồi “Đất Quảng Nam chưa mưa đã ngấm”, bãi biển Sa Huỳnh “mỗi bước chân, mỗi huyền thoại” của tỉnh Quảng Ngãi và Quy Nhơn hiện ra.
Tôi thích Tháp Bánh Ít (tháp Bạc, xây dựng từ thế kỷ thứ 10), kiêu hùng, cổ kính, thách thức thời gian. Chùa Thiên Hưng rồi Tiểu Chủng viện Làng Sông của “Đất võ, Trời văn” Bình Định. Người ta ví chùa Thiên Hưng như một “Phượng Hoàng cổ trấn” thu nhỏ của xứ Nẫu.
Cả gia đình tôi đi chân trần, chắp tay thành kính lễ Phật. Đây cũng là dịp tôi giải thích cho các con nghe về kiến trúc cổ xưa và mô típ thường thấy ở tất cả các ngôi chùa cổ Việt Nam. Về sự giống và cái khác của Phật giáo ở Việt Nam so với các quốc gia và vùng lãnh thổ tôi đã đi qua như: Tây Tạng, Bhutan, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc…
Câu chuyện từ chùa, có khi chỉ kéo dài thêm, mở rộng ra, là gia đình tôi đã có thể chìm trong không khí của Làng Sông với hàng cây sao hàng trăm năm tuổi, cách đó không xa. Gió lồng lộng, kiến trúc tinh hoa của nghệ thuật Gothic Âu châu với đủ mái vòm, cửa sổ như nhà thờ Thiên chúa giáo, vừa cổ kính vừa tân kỳ. Ta như lạc vào không gian văn hóa đậm chất Pháp. Chuyện của chúng tôi chuyển sang thời kỳ người Pháp bắt đầu xâm lược và cai trị Việt Nam. Những biến thiên của lịch sử. Nó như là số phận của đất nước và của mỗi chúng ta.
Trong khuôn viên Tiểu Chủng viện là Nhà in chữ Quốc ngữ. Nơi đây còn lưu lại những tư liệu vô giá về sự ra đời của những cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên. Ngày xưa, học báo chí, chúng tôi được học về tờ báo Chữ Quốc ngữ đầu tiên “Gia Định báo” (bắt đầu xuất bản ngày 15/4/1865).
Dịch vào phía Nam vài giờ lái xe, trên đất Phú Yên, chúng tôi còn thăm Nhà thờ Mằng Lăng, nơi lưu giữ cuốn kinh sách in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta (in năm 1651, tại Roma, Italia, có nội dung về “Phép giảng 8 ngày”, phục vụ việc giảng Kinh thánh ở nước ta thời bấy giờ).
Và bây giờ, tôi viết bài này, cũng bằng chữ Quốc ngữ.
Gắn bó với Bình Định qua nhiều chuyến công tác dài ngày. Suốt hơn ba chục năm qua, tôi nhớ những ngày bị mưa lũ tắc đường thừa sống thiếu chết ở miền sơn cước. Thời ấy, cầu Thị Nại vượt biển dài 7 km hôm nay, dĩ nhiên chưa ai dám mơ ước, càng không nghĩ là Việt Nam ta có thể xây nổi.
Bây giờ, chỉ một vài lần nhấn ga, chúng tôi vượt biển trên kiến trúc kỳ vĩ dài 7 km và phong cảnh đầm Thị Nại huyền thoại hiện ra. Diện tích bề mặt tới 50 km2, chiều dài của đầm tới 10 km. Đầm Thị Nại quả là đang giữ một kỷ lục đáng gờm ở Việt Nam.
Đám trẻ nhà như phát cuồng với phong cảnh kỳ vĩ và thơ mộng nơi này. Theo tiếng Chăm-pa (Chiêm Thành) đầm vốn có tên là Thi Bị Li Nại, người Việt đọc “ang áng” thành đầm Thị Nại. Từ thế kỷ 11, khu sinh thái đầm nước mênh mông này đã được vua Lý Nhân Tông dùng làm “căn cứ quân sự” tiến đánh kinh đô Đồ Bàn và chiến thắng các đạo binh hùng mạnh của Chiêm Thành. Đậm chất hoang sơ và đang “hot” không kém trong giới trẻ, chính là Eo Gió, rồi khu vực Ghềnh Ráng, nơi có mộ thi nhân nổi tiếng Hàn Mặc Tử.
Đêm, chúng tôi chỉ lái xe thêm một cung đường là có thể ngủ ở Phú Yên. Thưởng lãm vẻ đẹp Bãi Xép, nơi từng đốn tim người hâm mộ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ.
Tôi đặc biệt thích Gành Đá Đĩa ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Hiện tượng núi lửa phun trào, tạo ra những kiến tạo địa chất đẹp bất ngờ, ta gặp nhiều ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, đảo Ha-oai (Mỹ), đặc biệt là các quốc gia trong “vành đai lửa”. Nhưng, Gành Đá Đĩa vẫn là một kỳ tích đáng chú ý bậc nhất, giúp du lịch Phú Yên có thêm sức mạnh của “ngành công nghiệp không khói”.
Xưa kia, lớp nham thạch nóng nghìn độ tuôn chảy từ trong bụng trái đất còn đỏ quạch, kèm theo tiếng nổ và các bọt khí chết chóc kinh hoàng - khi trồi lên vụng biển, gặp nước lạnh hơn lập tức đông kết lại. Có khi chúng “rạn vỡ” thành dạng cột, có khi thành những phiến đá kỳ vĩ, vuông rìa, sắc cạnh hình lục lăng xếp ken dày với nhau. Quy luật đông kết và cả sự ngẫu nhiên lạ lùng của vật lý, hóa học và vô số nguyên tắc bí ẩn khác đã ban cho chúng ta một Di sản quốc gia độc đáo, nổi tiếng: Gành Đá Đĩa.
Bất kỳ ai đến đây, cũng bị ngợp bởi cảnh quan trời, biển, gành đá mơ màng. Các cột đá đen kịt đẹp như vô số tác phẩm nghệ thuật khổng lồ, xếp ken dày với nhau, chằn chặn trăm cột như một. Bạn có thể thấy được rõ bước đi của thời gian, của các kiến tạo địa chất giúp hình thành nhan sắc vỏ trái đất, với sự phì nhiêu hay các cồn cát khắc nghiệt trong khu vực này.
Sau một đêm lưu lại trên đất Phú Yên, chúng tôi thẳng tiến về phía tỉnh Khánh Hòa trong một bình minh rạng rỡ. Tháp Bà Ponagar (xây dựng khoảng từ năm 813-817) tiếp nối câu chuyện về những di sản của người Chăm để lại trên đất Việt Nam hôm nay. Tọa lạc bên cửa sông Cái, các cột trụ chất ngất so le nhau, xây bằng gạch vàng đỏ ấn tượng, đặc trưng của văn hóa Chăm Pa. Ngôi đền thiêng này cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật thú vị hằng ngày.
Tôi đặc biệt thích chụp ảnh với những phiến đá lớn nhiều hình thù “siêu” gợi cảm, nằm ở vịnh biển, dọc sông Cái Nha Trang. Dù bị mang tiếng chặt chém du khách không hề ít, nhưng nếu khéo chọn nhà hàng, thì Nha Trang vẫn là xứ sở tuyệt vời để thưởng thức hải sản Biển Đông “bao la như lòng mẹ”.
Lạc vào các dãy núi mơ màng và dòng sông lững thững của khuôn viên khu tắm nước khoáng nóng I-resort, cho cơ thể các thành viên thư giãn sau hành trình gần 2.000 cây số lòng vòng thăm thú, mà đôi lúc niềm cảm hứng dâng trào với thiên nhiên và văn hóa lịch sử, chúng tôi đã quên đi tất thảy mọi mệt mỏi. Tắm khoáng, tắm bùn, các biện pháp trị liệu cổ truyền ở Nha Trang đã trở thành một thương hiệu mạnh từ lâu.
Hành trình ngược con đường nối biển và hoa từ Nha Trang đi Đà Lạt, qua các cánh rừng nguyên sinh giữa đỉnh đèo Khánh Vĩnh mây phủ, khiến ai nấy có cảm giác tươi mới, hào hứng, cứ như xe vừa mới lăn bánh rời nhà để bắt đầu hành trình xuyên Việt.
Lần nào đến Nha Trang tôi cũng thăm Công viên Yersin (1863 - 1943), rồi lên Đà Lạt, tôi cũng kể chuyện cho những người đi cùng về nhà bác học vĩ đại Yersin, với tất cả lòng tri ân và ngưỡng mộ. Từ cuối thể kỷ 19, ông đã dẫn toàn quyền Đông Dương Paul Doumer tìm ra cao nguyên Lang Biang rộng lớn và khai sinh ra nền công nghiệp cao su. Ông đem kính viễn vọng và chiếc ô tô đầu tiên tới Việt Nam. Ông là người đầu tiên tổ chức nuôi ngựa và điều chế huyết thanh ở nước ta. Rồi, thực hiện tâm nguyện của ông, người ta đã đặt ông nằm yên nghỉ vĩnh viễn trong tư thế nằm úp trên một quả đồi ở Nha Trang, để mãi mãi ông giang tay ôm đất Việt vào lòng. Ông được cả thế giới vinh danh vì đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch, giúp cả nhân loại tránh được thảm họa diệt vong.
Cả nhà tôi thăm Trường Đại học Đà Lạt, Nhà ga cổ Đà Lạt, những khuôn viên đậm chất Pháp. Chúng đã trở thành biểu tượng du lịch, văn hóa của vùng đất quyến rũ này. Hồ Xuân Hương ở trung tâm của thành phố ngàn hoa, nơi thường xuyên có nhiều đàn cò trắng, vạc và đặc biệt là loài chim ó cá to lớn, kiêu hùng, với vẻ đẹp của thợ săn mồi chuyên nghiệp bay lượn. Chúng tôi dành thời gian cắm trại bên hồ Suối Vàng, thăm làng Cù Lần, vào mãi phía huyện Lạc Dương với dốc “Cổng trời” và những rừng thông mờ ảo trong sương.
Phía trước tay lái của chúng tôi là TP Hồ Chí Minh, quần thể danh thắng quốc gia Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Chinh phục cột mốc 986 m của núi Bà Đen, chiêm ngưỡng xá lợi Phật và khu trưng bày nghệ thuật Phật giáo. Dĩ nhiên, không thể bỏ qua các điểm đến mơ ước với các con tôi, như Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Chợ Bến Thành, Hồ Con Rùa, Cảng Nhà Rồng của “Hòn ngọc Viễn Đông”… Với bố tôi, ông như đang trở lại “chiến trường xưa”, ghi dấu một thời trẻ hào hùng.
Tôi đã đi xuyên Việt nhiều lần, bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng lần này, đi với đại gia đình, trên chiếc xe được thiết kế đặc biệt mà mình đã gần chục năm gắn bó. Vừa đi vừa làm hướng dẫn viên cho bố mẹ, vợ con, với tôi thật khác biệt. Nó đích thực là một chuyến về nguồn, một trường học dã ngoại tuyệt vời cho tất cả các thành viên.
Càng đi nhiều, càng so sánh với các vùng đất khác, tôi càng thấm thía hơn điều này: thiên nhiên, các giá trị bản sắc văn hóa, tộc người ở Việt Nam ta thật sự quý giá và rất đáng để tự hào.
Ở góc độ du lịch, nếu biết bảo tồn và khai thác, đây sẽ là những “con gà đẻ trứng vàng” cho tất cả chúng ta theo đúng nghĩa. Đây cũng là cách nâng cao vị thế của Việt Nam trên cộng đồng thế giới, giữa Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.