Nỗ lực xóa bỏ nhiều phong tục lạc hậu ở miền núi Sông Hinh

Nằm ở cửa ngõ phía Tây tỉnh Phú Yên, có huyết mạch giao thông quốc lộ 29 kết nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên, Sông Hinh là một trong ba huyện miền núi của tỉnh. Nơi ấy lưu giữ nhiều phong tục, tín ngưỡng, tập quán, bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và cũng là nơi chủ động xây dựng chủ trương và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những phong tục lạc hậu, không còn phù hợp.

Tiếp chuyện PV Báo CAND, ông Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh cho biết, toàn huyện có 13.253 hộ gia đình gồm 53.680 người dân cư trú ở 11 xã, thị trấn; trong đó có 6.237 hộ gồm 25.649 người là đồng bào DTTS, chiếm hơn 47% số hộ và số dân trên địa bàn. Người Ê đê không chỉ sinh sống lâu đời nhất và đông đảo nhất ở vùng đất này, mà còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc từ nhà sàn, nhà dài, nhà mồ cho đến cồng, chiêng, múa trống, múa khiên cùng các phong tục ma chay, cưới hỏi, nghi lễ thờ cúng thần linh và nghề dệt thổ cẩm, ủ rượu ché, đẽo tượng gỗ… Đặc biệt trong các nghi lễ, có "Lễ cúng trưởng thành của người Ê đê" ở Phú Yên đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018.

Công an xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên tuyên truyền vận động đồng bào Ê đê xóa bỏ những phong tục lạc hậu.

Công an xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên tuyên truyền vận động đồng bào Ê đê xóa bỏ những phong tục lạc hậu.

Cùng với việc triển khai nhiều biện pháp, giải pháp thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020" theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh Phú Yên, trong những năm qua, huyện Sông Hinh tập trung rà soát, đánh giá các phong tục trong đồng bào DTTS. Nhận thấy một số phong tục không còn phù hợp, gây lãng phí thời gian, công sức và vật chất của người dân, ngày 9/1/2024, Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Hinh ban hành Chỉ thị số 21-CT/HU về tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các phong tục không còn phù hợp trên địa bàn huyện.

Sau một năm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến buôn làng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động từng dòng họ, gia đình; tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động; cán bộ, đảng viên người DTTS luôn tiên phong, gương mẫu tự giác, kết hợp với sự hỗ trợ tích cực của nhiều già làng và người có uy tín để tạo sự đồng thuận của người dân. Khi buôn làng có ma chay, cưới hỏi, nghi lễ thì cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể cùng với già làng, người có uy tín tranh thủ tiếp cận để tuyên truyền, vận động dòng họ, gia đình người có liên quan không kéo dài thời gian, giảm thiểu mổ thịt trâu, bò, heo; đồng thời kiên quyết xóa bỏ các tập tục trả nợ miệng, thách cưới, cúng giải trừ ốm đau, kiêng cử chết xấu, tảo hôn. Theo đó, Đảng ủy xã Ea Bar vận động người dân khi có đám tang thì mai táng người chết trong vòng 48 giờ, lùi thời gian bỏ mã 12 tháng xuống 3 tháng, đám tang và lễ bỏ mã rút ngắn còn 1,5 ngày và chỉ giết mổ 2-4 con trâu, bò, heo. Đảng ủy xã Ea Ly chọn gia đình ông Bàn Nguyên Thành, dân tộc Dao, làm điểm tiên phong rút ngắn thời gian làm "Lễ cấp sắc" từ 3 ngày đêm xuống còn 1 ngày đêm và tự nguyện bỏ "Lễ tạ trâu" rất tốn kém…

Ông Nay Y Rú, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bá cho biết, 1 năm trước khi Huyện ủy Sông Hinh ban hành Chỉ thị số 21-CT/HU, người dân trong xã đã mổ thịt 113 con trâu, bò, heo tại 2 lễ cúng bỏ mả, giáp tháng. Sau khi được chọn làm điểm trong năm 2024, người dân trong xã chỉ mổ thịt 1-4 con trâu, bò, heo tại 3 lễ cúng bỏ mả, giáp tháng và không phát sinh "nợ miệng" như trước kia.

Trung tá Y Rin Mlô, Trưởng Công an xã Ea Lâm cho hay, trong số 772 hộ gia đình gồm 3.388 người dân cư trú ở 5 buôn làng trong xã, có tới 95% là đồng bào DTTS, nên năm 2023 đã có 32 lượt gia đình đã mổ thịt 55 con heo, bò để làm một số nghi lễ theo phong tục. Khi cấp ủy, chính quyền cùng Công an và các tổ chức đoàn thể tập trung vận động thực hiện Chỉ thị số 21-CT/HU bằng nhiều cách làm kiên trì, mềm dẻo, trong năm 2024 chỉ có 4 gia đình trong xã mổ thịt 11 con heo, bò để cúng lễ.

Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh, sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/HU, trong năm 2024, chỉ có 53 lượt gia đình (giảm 54 lượt so với 2023) tổ chức ma chay, cưới hỏi, tập tục nợ miệng, thách cưới… với số lượng trâu, bò, heo mổ thịt xuống còn 221 con (giảm 200 con so với 2023). Điều đáng ghi nhận là các tập tục trả nợ miệng, thách cưới, cúng giải trừ ốm đau, kiêng cử chết xấu, tảo hôn tại các xã Sông Hinh, Ea Bar, Ea Bá, Ea Lâm, Ea Bia, Ea Trol, Ea Ly đã thật sự đẩy lùi hướng đến xóa bỏ trong năm 2025 này.

Bên cạnh việc đánh giá kết quả đạt được sau 1 năm nỗ lực, Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Hinh thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, thiếu sót và các biện pháp khắc phục để tiếp tục tạo chuyển biến nhận thức tích cực trong đổi mới đời sống văn hóa ở vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; đưa nội dung thực hiện Chỉ thị 21-CT/HU vào tiêu chí đánh giá, xếp loại cấp ủy, chính quyền và đảng viên, cán bộ, công chức mỗi năm…

"Tôi là người Ê đê, luôn cảm thông chia sẻ với đồng bào DTTS trong việc gìn giữ phong tục truyền thống, nhưng khi kinh tế - xã hội phát triển, nhiều phong tục không còn phù hợp, thậm chí mang màu sắc mê tín dị đoan, gây lãng phí thời gian, công sức và vật chất của đồng bào thì cần kiên quyết xóa bỏ để tập trung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…" - ông Nay Y Blung chia sẻ thêm.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/no-luc-xoa-bo-nhieu-phong-tuc-lac-hau-o-mien-nui-song-hinh-i756355/
Zalo