Xây dựng trường học thông minh
Với nhiều lợi ích thiết thực, việc đầu tư cho trường học thông minh giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức đối với nhiều địa phương trong khi bài toán xã hội hóa cũng không đơn giản, nhất là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tại quận Ba Đình (Hà Nội), hiện có 3 trường học được đầu tư xây dựng trường học thông minh, gồm Trường mẫu giáo Mầm non A, Tiểu học Thủ Lệ và THCS Thống Nhất. Các trường sẽ đầu tư camera để đảm bảo an ninh trường học, đặc biệt các vị trí quan trọng trong trường cũng như camera lớp học kết hợp thiết bị AI có thể tích hợp, kết nối đồng bộ, liên thông, tương hỗ với các hệ thống liên quan khác như thẻ từ, quét vân tay... để nhận dạng khuôn mặt. Hay như đầu tư camera PTZ để ghi hình lớp học để phục vụ chuyển đổi số lớp học, tự động số hóa bài giảng và các hoạt động lớp học thành học liệu số.
Đây là một trong những nội dung triển khai của Kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng trường học thông minh tại một số trường mầm non, tiểu học và THCS thuộc quận Ba Đình giai đoạn 2023 - 2025 (Kế hoạch 163). Quận Ba Đình cũng đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng mạng internet hiện đại tập trung vào đầu tư mạng có dây băng thông rộng với thiết bị và dây dẫn đạt chuẩn. Đầu tư hạ tầng mạng không dây băng thông rộng với thiết bị phát wifi chuyên dụng. Nâng cấp hạ tầng mạng LAN, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên ứng dụng phần mềm trực tuyến trong các tiết học…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Hà Nội đã lựa chọn 5 trường để thí điểm trường học thông minh gồm: Trường Mầm non B (quận Hoàn Kiếm), Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng), Trường THCS Chu Văn An (quận Long Biên), Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng)…
Không riêng Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đầu tư xây dựng trường học thông minh như TPHCM, Đà Nẵng, Bình Phước… với việc đặt ra kế hoạch, mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể. Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức chuyển đổi số đối với cơ sở GDĐT, phòng GDĐT. Bộ chỉ số này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số từ cơ sở mạnh mẽ hơn nữa. Những trường học phấn đấu nằm ở mức thang điểm cao nhất của bộ tiêu chí sẽ thuận lợi chuyển đổi từ trường học bình thường sang trường học thông minh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy đã mang lại nhiều lợi ích. Trong trường học thông minh, các lớp học thông minh được kết nối với thư viện số thông minh cho phép học sinh xem lại bài giảng trên lớp ngay khi kết thúc bằng các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động PC. Đặc biệt công nghệ trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ khuyến nghị cá nhân hóa cho từng học sinh dựa trên nhận diện khuôn mặt giúp các em có thể dễ dàng sử dụng thư viện mà không cần thẻ.
Một khảo sát của về lớp học thông minh tại Trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho thấy, trong lớp học chuyển đổi số, giáo viên sẽ tương tác với học sinh thông qua bảng thông minh. Học sinh cảm thấy hứng thú và sáng tạo hơn trong cách thức học tập, khối lượng luyện tập được ghi nhận nhiều hơn gấp 3 lần so với lớp học thông thường. Chương trình học linh hoạt và cá nhân hóa học tập sẽ đem lại những kết quả tích cực hơn trong dạy và học.
Theo các chuyên gia, xây dựng trường học thông minh không chỉ nằm ở đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thông minh mà còn bao gồm nhiều yếu tố quan trọng như đào tạo đội ngũ quản lý, giáo viên nhân viên nhà trường thích ứng với trường học thông minh, thiết kế chương trình giảng dạy thông minh. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư cho trường học thông minh cũng là một thách thức đối với nhiều địa phương trong khi bài toán xã hội hóa cũng không đơn giản, nhất là ở các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa nên cần sự chung tay của cả cộng đồng để nâng cao chất lượng giáo dục đồng thời bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em.