Xây dựng nông thôn mới trước nhiều trở ngại

Lũy kế đến hết tháng 6/2024, cả nước đã huy động được trên 2,8 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp khoảng 297.459 tỷ đồng (10,5%), cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 112.729 tỷ đồng (chiếm 4%). Kết quả xây dựng NTM khá khả quan với hơn 77% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, không ít địa phương đã chững lại trong phong trào xây dựng NTM cũng như gặp khó khăn trong duy trì các tiêu chí do các trở ngại như thiên tai, dịch bệnh.

Nhờ Chương trình xây dựng NTM, hệ thống đường, điện, trường, trạm của nhiều xã miền núi, biên giới được đầu tư xây dựng cơ bản. Ảnh: Bích Nguyên

Nhờ Chương trình xây dựng NTM, hệ thống đường, điện, trường, trạm của nhiều xã miền núi, biên giới được đầu tư xây dựng cơ bản. Ảnh: Bích Nguyên

Thành quả đáng ghi nhận

Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 156 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm 45,96%), trong đó, đã có 11 huyện (5%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo số liệu của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79-79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (cơ bản hoàn thành mục tiêu được giao; đạt 99% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025). Có khoảng 305 đơn vị cấp huyện (khoảng 47%) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (vượt mục tiêu được giao năm 2024; đạt 94% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025). Có thêm từ 1-2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt khoảng 53% mục tiêu phấn đấu đến 2025).

Song hành với xây dựng NTM, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó, 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao. Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với 30,7% số lượng sản phẩm OCOP của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai với 18,3%, tiếp đến là miền núi phía Bắc chiếm 16,8%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với 5,8%.

Còn 14 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã NTM”

Bên cạnh những thành tựu, quá trình xây dựng NTM trên toàn quốc vẫn gặp không ít khó khăn và cả những trở ngại. Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như: Đồng bằng sông Hồng đạt 100%, Đông Nam Bộ 95,5%, trong khi miền núi phía Bắc mới đạt 51,8%, Tây Nguyên 61,5%. 4 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%; 5 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Bình, Khánh Hòa, Kon Tum chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến nay, vẫn còn 14 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã NTM”. Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, có khoảng 11 địa phương không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao, trong đó có tỉnh Lai Châu.

Thiên tai đang tạo nên những trở ngại lớn đối với việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh: Bích Nguyên

Thiên tai đang tạo nên những trở ngại lớn đối với việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh: Bích Nguyên

Trong năm 2024, tỉnh Lai Châu duy trì 40/94 xã đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2021-2025, địa phương này phấn đấu có 3 huyện đạt chuẩn NTM, 4 xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu trên hiện đang gặp nhiều khó khăn. Các tiêu chí: Thu nhập; tỷ lệ nghèo đa chiều của một số xã dự kiến đạt chuẩn đến năm 2025 còn đạt ở mức rất thấp, khả năng hoàn thành vào năm 2025 là rất khó khăn, như: Nghèo đa chiều (xã Sà Dề Phìn 60,13%; Can Hồ 54,74%; Hoang Thèn 55,44%). Một số xã dự kiến hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2025, nhưng kết quả thực hiện đến thời điểm hiện tại còn rất thấp (xã Can Hồ đạt 9/19 tiêu chí; Sà Dề Phìn đạt 9/19 tiêu chí; Hoang Thèn đạt 8/19 tiêu chí). Trong khi đó, việc thực hiện NTM nâng cao tại 4 xã San Thàng, Bản Bo, Phúc Khoa, Pha Mu, số tiêu chí đạt được còn thấp, từ 10-14/19 tiêu chí.

Theo UBND tỉnh Lai Châu, mục tiêu, tiêu chí chương trình đặt ra rất cao so với giai đoạn trước, nhưng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương bố trí còn thấp và muộn, việc lồng ghép vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia còn vướng mắc, vốn huy động từ ngân sách địa phương hạn chế; huy động từ xã hội và cộng đồng khó. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương khác.

Thực tế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2024 (bao gồm các nguồn vốn của các năm trước kéo dài sang thực hiện năm 2024) đạt rất thấp. Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 45% tổng kế hoạch vốn được giao, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp chỉ mới đạt 16,2% tổng dự toán thực hiện trong năm. Có 31 địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp dưới 20%. Còn 3/16 tỉnh chưa phân bổ hết vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.

Trong khi đó, thiên tai đã trở thành một trong những trở ngại lớn đối với nhiều địa phương trong quá trình xây dựng NTM. Tác động của thiên tai, đặc biệt là bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, con người và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Qua đó, trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả đạt chuẩn NTM, sự bền vững của một số tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường... của nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc.

Tại xã biên giới A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, bão số 3 đã làm 37 ngôi nhà bị sập, hư hỏng; 50ha sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp, sạt lở; 13 công trình thủy lợi cùng nhiều tuyến giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế bị hư hỏng nặng. Theo lãnh đạo xã A Lù, công tác xây dựng NTM vốn đã khó khăn, sau bão số 3 lại càng khó khăn hơn trong việc duy trì các tiêu chí đã đạt được, chưa nói đến việc hoàn thành các tiêu chí mới.

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, làm nền tảng để hoàn thành mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021-2025, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thành phê duyệt chi tiết dự án/đề án/kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề xong trước ngày 30/11/2024, để có cơ sở bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai, thực hiện ngay trong năm 2024.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-nong-thon-moi-truoc-nhieu-tro-ngai-post484178.html
Zalo