Xây dựng nền hành chính hiện đại, hoạt động hiệu quả

Với hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và viễn thông chất lượng cao, đồng bộ và hiện đại, TP Thanh Hóa đã tập trung xây dựng chính quyền điện tử gắn với đổi mới cải cách hành chính (CCHC) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân.

Bộ phận “một cửa” UBND TP Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ phận “một cửa” UBND TP Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Có mặt tại phường Phú Sơn vào đầu giờ chiều ngày làm việc, chúng tôi cảm nhận được sự thân thiện giữa đội ngũ công chức bộ phận “một cửa” với người dân đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Từ ngày 1/1/2025, phường Tân Sơn chính thức sáp nhập vào phường Phú Sơn. Sau sáp nhập, dân số phường Phú Sơn tăng lên 33.359 người. Chị Trần Huyền Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Sơn cho biết: “Để người dân không phải lo ngại vì phải làm lại một số giấy tờ cá nhân khi mang tên đơn vị hành chính mới, phường Phú Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giải quyết TTHC cho công dân. UBND phường cũng đã trang bị đầy đủ máy tính, máy in, máy scan, hệ thống mạng internet và sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức làm việc đúng với chuyên môn đào tạo để đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC cho người dân. Trong quá trình giải quyết TTHC, bộ phận “một cửa” thường xuyên rà soát, cập nhật các TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo quyết định của UBND tỉnh cho người dân tiện theo dõi, tra cứu. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân”.

Để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, bộ phận “một cửa” các xã, phường trên địa bàn thành phố đã nghiên cứu, áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp mới trong giải quyết TTHC. Tiêu biểu như UBND phường Tào Xuyên xây dựng mô hình “dân vận khéo trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC”; UBND xã Hoằng Quang với mô hình “ngày không viết”, “ngày không hẹn”; UBND phường Đông Thọ lắp đặt tại mỗi nhà văn hóa phố 1 bộ máy tính và niêm yết bộ TTHC cấp phường để phục vụ công dân tra cứu, thực hiện TTHC... Nhiều mô hình như “điểm dịch vụ công trực tuyến”, “chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”, “3 không”, “ứng dụng mã QR Code trong niêm yết, tra cứu thực hiện TTHC”... cũng được nhiều phường, xã thực hiện, tạo nên sự thay đổi về chất lượng CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, đem lại sự hài lòng cho tổ chức, công dân.

Thực hiện đề án “đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC”, các thao tác tiếp nhận, xử lý, phê duyệt, trả kết quả được thành phố và các phường, xã thực hiện trên hệ thống phần mềm một cách nhanh chóng. Qua đó, tăng hiệu quả quản lý thông tin, dữ liệu, thuận tiện cho việc tra cứu hồ sơ TTHC trong trường hợp cần thiết, giảm tối đa việc ban hành, lưu trữ văn bản giấy. Quy trình nội bộ giải quyết TTHC cũng được thành phố cập nhật, phân định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết của các đơn vị. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo ra bước tiến mới trong quy trình xử lý, giải quyết công việc của cán bộ, công chức, đồng thời giúp tổ chức, cá nhân được thụ hưởng dịch vụ công một cách tốt nhất. Theo đó, 100% hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại UBND thành phố và UBND các phường, xã đều được số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết. Quá trình số hóa bảo đảm đầy đủ, chính xác dữ liệu của hồ sơ, giấy tờ và tính hoàn thiện về nội dung, quy trình số hóa, góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công.

Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Với tiềm lực mạnh về kinh tế, thành phố đã dành nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Nhờ đó, nhiều năm liên tục TP Thanh Hóa đứng đầu các huyện, thị xã, thành phố về chuyển đổi số. Hiện nay, các trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố và các phường, xã đều bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định và hoạt động thông suốt. Thành phố thường xuyên rà soát các chức danh, vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị để cấp mới, cấp bổ sung chữ ký số chuyên dùng của Ban cơ yếu Chính phủ, phục vụ việc ký số hồ sơ, văn bản điện tử trên môi trường mạng. Thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách, đề nghị Văn phòng UBND tỉnh cấp đầy đủ tài khoản người dùng, bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản; 100% cán bộ, công chức tại phòng chuyên môn thành phố đã được cấp tài khoản thư công vụ của tỉnh và thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ trong giải quyết công việc hằng ngày.

Hiện nay, 100% các cơ quan Nhà nước được kết nối, sử dụng hệ thống TD-Office phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng; tỷ lệ văn bản điện tử được ký số đạt 100%, thay thế hoàn toàn văn bản giấy, giúp cho hoạt động của cơ quan, phòng, ban, đơn vị được nhanh chóng, tiết kiệm. Đặc biệt, để tạo sự công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC, bộ phận “một cửa” thành phố và các phường, xã tích cực hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn tra cứu kết quả giải quyết TTHC bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính; hướng dẫn thanh toán phí, lệ phí giải quyết TTHC trực tuyến... Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với tổ chức, công dân năm 2024 đạt 99,7%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao.

Nhiều năm đứng đầu bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp huyện cho thấy quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến phường, xã trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với CCHC. Qua đó, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong CCHC và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bài và ảnh: Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-nen-hanh-chinh-nbsp-hien-dai-hoat-dong-hieu-qua-244809.htm
Zalo