Xây dựng liên kết trồng kiểng lá xuất khẩu

Giữa vùng đất Hòa Ninh, huyện Di Linh, một trang trại chuyên trồng các loại cây cảnh dòng lá đang hàng ngày xuất bán những sản phẩm cây cảnh có giá trị. Đây cũng là nơi thành lập một liên kết sản xuất, với mục tiêu đưa kiểng lá Lâm Đồng xuất khẩu.

Nông dân Vũ Văn Lâm bên một gốc trầu bà Monstera

Nông dân Vũ Văn Lâm bên một gốc trầu bà Monstera

Anh Vũ Văn Lâm, trang trại cây cảnh Lâm Vũ, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh đang mải miết gieo hạt. Anh bảo, nhìn cây kiểng lá toàn lá nhưng thực chất, cây được trồng từ các hạt giống. Anh Lâm cho biết, trang vườn cây cảnh Lâm Vũ chuyên dòng trầu bà Monstera, dòng trầu bà đột biến có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Trầu bà Monstera có đặc trưng lá xẻ, rất nhiều chủng loại từ cây nhỏ xíu cho tới những thân cây to khổng lồ, cao 2 m. Hiện tại, cây trầu bà Monstera được thị trường rất ưa chuộng do hình dáng đẹp, dễ chăm sóc, sống được trong môi trường thiếu sáng. Dù tại các khu du lịch, các khu vườn ngoài trời hay trong nhà, cây trầu bà Monstera vẫn sống và phát triển khá tốt. Cũng vì vậy, trang trại Lâm Vũ chuyên canh tác giống trầu bà này với mục tiêu mang lại cho thị trường thêm một dòng cây cảnh dễ tính.

Anh Vũ Văn Lâm cho biết, nhìn cây trầu bà toàn lá nhưng trong thực tế, khi đến độ lớn phù hợp, cây vẫn ra hoa, kết trái. Tuy nhiên, tại thổ nhưỡng và khí hậu trong nước, trồng cây trầu bà có trái nhưng không có hạt, không thể tự nhân giống được. Vì vậy, anh Lâm phải nhập hạt giống từ Mỹ, Mexico về ươm tại trang trại. Ươm hạt trầu bà Monstera không khó, qua quá trình ngâm ủ, hạt được gieo vào các vỉ tương tự như hạt giống rau. Sau khi ươm, 20 ngày hạt nảy mầm, sau 2,5 tháng cây đã cao từ 12 - 15 cm, có thể ra chậu và xuất bán như cây giống, anh Vũ Văn Lâm chia sẻ. Một điều khá đặc biệt, vụ hạt của cây trầu bà diễn ra từ tháng 3 tới tháng 8 hàng năm, trang trại Lâm Vũ chỉ mua hạt giống trong tháng đó bởi đây là thời điểm hạt có tỷ lệ nảy mầm cao nhất.

Theo anh Vũ Văn Lâm, gieo hạt là cách sản xuất giống nhanh, nhiều, giá rẻ và ra chuẩn giống cây mẹ. Anh Vũ Văn Lâm nhập hạt giống với số lượng lớn, ươm cây nhỏ ngay tại đất Di Linh bởi nhằm mục tiêu phục vụ cho liên kết trồng trầu bà do anh thành lập. “Từ nhu cầu thực tế, gia đình tôi đã chuyển đổi 4 sào từ cây hồng môn sang trồng cây trầu bà. Tuy nhiên, sản lượng của gia đình không đủ đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Vì vậy, tôi đã mở rộng liên kết sản xuất, hợp tác thêm 6 nông dân chuyên canh tác trầu bà Monstera. Trang trại cung cấp giống cho nông dân, sau đó thu lại cây cũng như lá trầu bà cắt hằng ngày của bà con. Hàng được thu hoạch và đi mỗi ngày”, anh Lâm cho biết.

Chị Đào Thị Kim Thanh, Thôn 13, xã Hòa Ninh, trong những nông hộ liên kết với trại lá cảnh Lâm Vũ cho biết, chị nhận giống từ trang trại, trồng theo kĩ thuật chăm sóc được anh Vũ Văn Lâm chuyển giao. Sau khi trồng, khoảng từ 6 - 8 tháng là có thể cắt lá để bán. Lá được chia thành các size khác nhau, lá đẹp giá 6 ngàn đồng/lá, size nhỏ cũng được giá 2.000 đồng. Chị Kim Thanh cho biết, cây trầu bà ưa phân bón lá, phân hữu cơ, cần chăm sóc tốt để cây xanh, lá cứng. Gia đình chị cắt lá mỗi ngày để cung cấp cho trang trại Lâm Vũ, kinh phí được thanh toán đều đặn. Ngoài cắt lá, cây từ 2 năm tuổi có thể bán nguyên gốc cho khách hàng. Trầu bà Nam Mỹ được tưới nhỏ giọt qua ống cắm, đảm bảo đủ ẩm nhưng nước không đọng trên thân cây, dễ gây thối, đốm lá.

Hiện tại, trang trại Lâm Vũ đang cung cấp trầu bà Monstera trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok. Anh Vũ Văn Lâm cho biết, anh nhận đơn đặt hàng qua mạng xã hội, đóng hàng gửi đi tới tận tay người tiêu dùng, đồng thời hướng dẫn kĩ thuật cho người mua cũng trực tiếp qua mạng xã hội. Bán cây cảnh qua mạng xã hội có ưu điểm là tiếp cận rộng rãi khách hàng với chi phí thấp nhưng nhà vườn phải đảm bảo cung cấp cây đẹp, lá khỏe, xanh, xây dựng uy tín cho thương hiệu của mình.

Ngoài bán trong nước, trang trại Lâm Vũ còn xuất khẩu trầu bà sang thị trường Campuchia. Anh Lâm cho biết, thị trường Campuchia cũng rất yêu thích loại trầu bà dễ trồng, dễ chăm, hình thức đẹp này. Cây trầu bà cũng khá tiện trong vận chuyển, khi tới tay khách hàng cây vẫn xanh, sống khỏe. Đây cũng là một hướng mở để trang trại Lâm Vũ phát triển rộng rãi diện tích trầu bà.

Bà Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh, huyện Di Linh đánh giá, trang trại lá cảnh Lâm Vũ là một cơ sở sản xuất nông nghiệp uy tín trên địa bàn, đã xây dựng được một liên kết bao tiêu sản phẩm với các nông hộ trên địa bàn xã, đảm bảo thu mua hết sản phẩm cho người nông dân, kinh phí thanh toán rất đều đặn. Mô hình sản xuất trang trại- nông dân vệ tinh của Lâm Vũ đã mở ra một hướng mới cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/xay-dung-lien-ket-trong-kieng-la-xuat-khau-f1b0c68/
Zalo