Xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam đưa Hải Phòng vượt sóng vươn tầm quốc tế
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được kì vọng sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng trở thành thành phố công nghiệp, hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Cách đây nhiều thế kỷ, với lợi thế nằm giữa hai con sông lớn là Văn Úc và Thái Bình, tiếp giáp với Biển Đông, Tiên Lãng sớm trở thành một trong những trung tâm buôn bán giao thương sầm uất của Đàng Ngoài. Trong thư tịch của các nhà hàng hải, thương nhân châu Âu (chủ yếu là người Anh và người Hà Lan) ở thế kỷ XVII – XVIII, có nhắc đến địa danh Domer.
Lục tìm lại những trang sử cũ, ông Vũ Minh Đức, nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng (Hải Phòng) chia sẻ, Domer - cảng cửa khẩu quốc tế quan trọng của Đàng Ngoài đóng vai trò như tiền cảng của phố Hiến.
Các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ đã xác định khu vực thương cảng Domer ở các thế kỷ XVII – XVIII, hiện giờ thuộc địa phận xã Khởi Nghĩa, sát khu công nghiệp (KCN) Tiên Thanh (Tiên Lãng). Cùng với biến động của lịch sử, Domer cũng như phố Hiến sau thời kỳ hưng thịnh đã rơi vào thời kỳ suy tàn, nhưng giờ đây đang bắt đầu “hồi sinh” nhờ Dự án Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng.
Quy hoạch Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có định hướng thành lập khu thương mại tự do trong KKT ven biển phía Nam, tiếp thu và vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm hay trong nước và quốc tế. Đồng thời, tân dụng tối đa lợi thế cảng nước sâu Nam Đồ Sơn và Sân bay quốc tế Tiên Lãng sẽ được xây dựng trong tương lai.
Để đánh thức tiềm năng đó, Thành phố đã tập trung đầu tư phát triển hàng loạt kết cấu hạ tầng tại địa phương, như xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua Tiên Lãng, cầu vượt sông Văn Úc, cầu vượt sông Thái Bình, mở rộng Quốc lộ 10, xây dựng mới đường nối từ đường 354 (giáp cầu Khuể) vào KCN Tiên Thanh, rồi vượt sông Thái Bình nhập vào quốc lộ 10 (đoạn gần thị trấn Vĩnh Bảo), và tới đây, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng chạy qua địa bàn huyện Tiên Lãng.
Hơn 30 năm đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Tiên Lãng không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị và an ninh quốc phòng vững mạnh, liên tục là đơn vị xuất sắc trong mọi phong trào thi đua.
Tiên Lãng đang chuyển mình bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ. Trong đó, tận dụng tốt lợi thế đất đai ven biển với diện tích gần 10.000 ha từ vùng cửa sông Văn Úc chạy dài theo bờ biển gần 10km tới cửa sông Thái Bình, vị trí gần Sân bay quốc tế Tiên Lãng và cảng nước sâu Nam Đồ Sơn, mở ra thời kỳ bứt phá mạnh mẽ, đưa địa phương vươn tầm trong thời cơ và vận hội mới.
“Đất đai là tài nguyên vô giá, khi được tích tụ và tập trung với quy mô lớn như ở đây thì chính là tiềm năng to lớn, lợi thế vượt trội mà không phải địa phương nào cũng có được.
Phía ngoài có bãi triều thấp mới được phù sa bồi đắp với hàng trăm hecta rừng ngập mặn tự nhiên tạo thành vành đai xanh chống xói lở bờ biển, giữ đất và tạo ra môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên vô cùng lý tưởng. Khu công nghiệp được xây dựng ở đây chắc chắn sẽ nhanh chóng đạt tiêu chuẩn sinh thái - xanh.
Với những tiềm năng, lợi thế như trên, khi thành phố triển khai xây dựng khu kinh tế ven biển phía Nam thì vùng đất Tiên Minh xưa, Tiên Lãng ngày nay sẽ được đánh thức, cùng Hải Phòng vươn mình phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng”, ông Vũ Minh Đức nhận định.
Đầu tháng 12/2024, thành phố Hải Phòng đón nhận niềm vui lớn khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thuộc TP Hải Phòng.
Theo Quyết định, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng rộng 20.000 ha (trong đó khoảng 2.909 ha là đất lấn biển), nằm ở khu vực phía Đông Nam của TP Hải Phòng; thuộc địa bàn 22 xã của các huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy và quận Đồ Sơn.
KKT ven biển phía Nam Hải Phòng có các khu chức năng phù hợp với mục tiêu phát triển của khu kinh tế. Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung KKT ven biển phía Nam Hải Phòng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2025 tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch; đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn 2026 – 2030 bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng trong KKT. Sau năm 2030 tiếp tục triển khai các hạng mục đầu tư còn lại.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, với những điều kiện tốt nhất, ưu đãi cao nhất để tạo sức cạnh tranh quốc tế, mà khu thương mại tự do là nòng cốt. KKT ven biển phía Nam có 3 động lực để phát triển bền vững gồm: Công nghiệp, Đô thị, Cảng biển, định hướng trở thành KKT sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại.
Đây sẽ là trung tâm của các lĩnh vực công nghiệp mới như: chíp bán dẫn; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại nhờ gắn kết tuyến cao tốc ven biển, cảng nước sâu Nam Đồ Sơn, Sân bay quốc tế Tiên Lãng, 2 tuyến đường sắt (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Nam Định - Hải Phòng - Quảng Ninh).
Đến năm 2030, KKT ven biển phía Nam trở thành một động lực chủ đạo của kinh tế Hải Phòng, tương đương 80% năng lực của KKT Đình Vũ - Cát Hải năm 2023. Khu kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối với các khu vực lân cận tạo thành chuỗi kinh tế ven biển; góp phần thu hút đầu tư xã hội 700.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp 2 triệu tỷ đồng; đóng góp ngân sách 550.000 tỷ đồng; tạo hơn 300.000 việc làm...
Nghị quyết số 45 - NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định Khu thương mại tự do trong KKT ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ là bước đột phá của Hải Phòng và cả nước để thí điểm những cơ chế, chính sách mở cửa mạnh mẽ.
Với vị trí “vàng”, mặt tiền hướng biển chủ chốt là cảng Nam Đồ Sơn, hậu phương là vùng công nghiệp đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc, KKT ven biển phía Nam được kì vọng sẽ là nơi hội tụ của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là lĩnh vực logistics, nâng cao lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Đặc biệt, với vị trí chiến lược trong vùng động lực đồng bằng sông Hồng, thuộc 3 hành lang kinh tế quan trọng, KKT ven biển phía Nam đóng vai trò then chốt trong việc kết nối với các KKT ở Nam Định, Thái Bình và Quảng Ninh, hình thành vành đai kinh tế ven biển.
Trong tương lai, khu vực này kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và phía Nam Trung Quốc qua mạng lưới giao thông đường ven biển, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, các tuyến đường sắt quốc gia, cảng Nam Đồ Sơn và Sân bay quốc tế tại Tiên Lãng.
Bên cạnh đó, tuyến đường ven biển đi xuyên tâm Khu kinh tế đang dần hình thành cùng với tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng được quy hoạch trước năm 2030, giúp hàng hóa của các tỉnh duyên hải phía Bắc kết nối ngắn và thuận lợi với cảng Nam Đồ Sơn.
Sự phát triển của KKT ven biển phía Nam Hải Phòng với các KCN, cảng biển, các loại hình dịch vụ đa dạng, sẽ góp phần quan trọng tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân.
Việc thành lập KKT ven biển với những ưu đãi cao nhất để tạo sức cạnh tranh quốc tế, khai thác những tiềm năng vượt trội để đưa Hải Phòng trở thành thành phố hàng đầu châu Á, là “Trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao”.
Bên cạnh đó, việc xây dựng KKT ven biển phía Nam không chỉ riêng cho Hải Phòng mà còn tạo sự liên kết phát triển vùng, tận dụng tối đa lợi thế vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông kết nối vùng đang dần hoàn thiện.