'Chẩn bệnh' lãng phí nhờ đẩy mạnh kiểm toán hoạt động
Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước tăng cường công tác phòng, chống lãng phí, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán phải nâng cao khả năng phát hiện lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán. Trong đó, cần chú trọng áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động (KTHĐ) trong các cuộc kiểm toán, gia tăng số cuộc KTHĐ độc lập để nâng cao tính cảnh báo, phòng ngừa lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực công.
Công cụ hữu hiệu giúp đánh giá tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực công
Là một trong ba loại hình kiểm toán đang được KTNN chú trọng áp dụng trong tổ chức triển khai kiểm toán, KTHĐ là loại hình kiểm toán mới và khó, song theo các chuyên gia về kiểm toán, chỉ có KTHĐ mới đưa ra được một cách hiệu quả nhất các đánh giá về việc tiền và tài sản của Nhà nước, cũng như đưa ra các đề xuất để nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng ngân sách. Loại hình kiểm toán này sẽ ngày càng có vai trò quan trọng khi vấn đề sắp xếp, cải cách khu vực công đang trở nên cấp thiết với trọng tâm là nâng cao tính kinh tế, hiệu suất và hiệu quả hoạt động của đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng ngân sách công.
Từ thực tiễn kiểm toán, các đơn vị kiểm toán cho rằng, thông qua các tiêu chí kiểm toán được thiết lập và đánh giá cả một quá trình quản lý, sử dụng nguồn lực công, cùng với việc trực tiếp trao đổi với đối tượng thụ hưởng cho phép kiểm toán viên làm rõ tính hiệu quả của chính sách. Đặc biệt, trong đầu tư xây dựng sẽ dựa trên hệ thống tiêu chuẩn, định mức để đánh giá - đây là các yếu tố quan trọng nhất cho thấy ưu thế của loại hình kiểm toán này trong việc đánh giá tính hiệu quả, tính kinh tế. “Với những ưu thế của loại hình, KTHĐ là công cụ quan trọng giúp phát hiện hiệu quả các hành vi lãng phí” - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Vũ Thanh Hải cho biết.
Dẫn chứng cuộc KTHĐ “Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện (Đề án 666) Sơn La tại tỉnh Lai Châu” do KTNN khu vực VII thực hiện vừa qua, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Nguyễn Huy Sáng - Trưởng đoàn kiểm toán - cho biết, Đoàn kiểm toán đã tập trung đánh giá tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực cho Đề án theo tiêu chí kiểm toán được thiết lập. Đơn cử, qua kiểm toán cho thấy, nhiều chỉ tiêu chưa đạt được so với mục tiêu của Đề án, như: Điểm tái định cư có tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tỷ lệ lao động nông nghiệp thất nghiệp vẫn trên mức đề ra; số người đào tạo chuyển đổi nghề và việc làm còn thấp… “Ngoài việc xem xét hồ sơ, làm việc với cơ quan chức năng, đoàn kiểm toán phải xuống hiện trường, phỏng vấn người dân được thụ hưởng, từ đó mới xác định được mức độ hiệu quả trong sử dụng nguồn lực” - ông Sáng chia sẻ.
Xác định vai trò quan trọng của loại hình KTHĐ, thời gian qua, KTNN đã tăng cường các cuộc kiểm toán có sử dụng loại hình kiểm toán này. Số lượng cuộc KTHĐ độc lập cũng tăng dần qua các năm, chiếm khoảng 10-15% số cuộc kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán năm; chủ đề KTHĐ tương đối đa dạng, từ các chương trình/dự án phục vụ an sinh xã hội, các quy trình, hoạt động quản lý nhà nước, đến các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. “Kết quả kiểm toán đã nhận được sự đồng thuận cao từ các đơn vị được kiểm toán, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác sử dụng nguồn lực công; đồng thời góp phần tăng uy tín của KTNN” - lãnh đạo Vụ Tổng hợp đánh giá.
Không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán
Thực tiễn tình hình mới đang đặt ra yêu cầu phải tăng cường số lượng các cuộc KTHĐ để nâng cao khả năng phát hiện, ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, lãng phí. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) khi KTNN chủ trương tăng cường các cuộc KTHĐ và các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới trong kế hoạch kiểm toán.
Song để đạt được mục tiêu này, KTNN phải đồng thời giải quyết vấn đề nguồn lực cho hoạt động kiểm toán, cũng như vướng mắc trong việc tổ chức kiểm toán. Thẳng thắn nhận diện tồn tại trong tổ chức KTHĐ, các đơn vị kiểm toán cho rằng, năng lực và kinh nghiệm về KTHĐ trong những năm qua mặc dù đã từng bước được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn hạn chế trên các mặt: Cách thức lựa chọn chủ đề kiểm toán; kỹ thuật xây dựng tiêu chí kiểm toán; đặc thù về kết luận, kiến nghị trong KTHĐ… Do đó, trước những đòi hỏi ngày càng cao đối với KTHĐ, KTNN cần nghiên cứu có giải pháp cụ thể để tạo sự chuyển biến cả lượng và chất đối với loại hình KTHĐ.
Theo KTNN chuyên ngành V - đơn vị chủ lực của KTNN trong KTHĐ, đối với mỗi cuộc kiểm toán, đặc biệt là với KTHĐ, chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Điều này đặt ra yêu cầu toàn Ngành phải không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về KTHĐ. “Về lâu dài, cần phải xây dựng được đội ngũ kiểm toán viên được đào tạo bài bản để tham gia KTHĐ, thay vì dựa nhiều vào kinh nghiệm như hiện nay” - lãnh đạo KTNN chuyên ngành V cho biết.
Liên quan đến vướng mắc lớn đối với KTHĐ, đó là xác định tiêu chí kiểm toán, từ thực tiễn tổ chức thành công cuộc kiểm toán Đề án 666 tại tỉnh Lai Châu, Phó trưởng đoàn kiểm toán Nguyễn Quang Hợp cho biết, để xây dựng tiêu chí kiểm toán đúng và sát với thực tiễn, kiểm toán viên thực tế phải khảo sát trực tiếp tại địa bàn, kết hợp với báo cáo và nhiều nguồn khác nhau. Trong quá trình kiểm toán, nếu cần thiết vẫn phải điều chỉnh tiêu chí kiểm toán để đảm bảo đạt được mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực công.
Bày tỏ quyết tâm hoàn thành tốt cuộc KTHĐ “Công tác quản lý chất thải y tế các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2022-2024” năm 2025, lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cho biết, để cuộc kiểm toán đạt kết quả cao nhất, đơn vị sẽ tổ chức tập huấn cho đoàn kiểm toán; đồng thời chú trọng việc khảo sát, xây dựng tiêu chí kiểm toán phù hợp để đảm bảo cuộc kiểm toán được tiến hành đúng hướng, đặc biệt là đánh giá được tính hiệu quả trong quản lý chất thải y tế theo đúng mục tiêu đề ra.
Trong bối cảnh nguồn lực kiểm toán có hạn, các chuyên gia về kiểm toán cho rằng, bên cạnh các cuộc KTHĐ độc lập, các đơn vị kiểm toán cần tiếp tục tăng cường nội dung KTHĐ trong các cuộc kiểm toán kết hợp nhiều loại hình kiểm toán, trong đó tập trung đánh giá tính kinh tế, tính hợp lý và về hiệu quả sử dụng nguồn lực công. Trước mắt, cần tập trung kiểm toán một số lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, lãng phí, như kiểm toán môi trường, kiểm toán về các mục tiêu kinh tế, kiểm toán dự án đầu tư xây dựng./.
Năm 2025, KTNN sẽ thực hiện 6 cuộc KTHĐ, gồm: Công tác quản lý chất thải y tế các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2022-2024; Hoạt động quản lý môi trường tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp của tỉnh Hải Dương, Phú Thọ giai đoạn 2022-2024; Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ; Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn TP. Hà Nội, tỉnh Sơn La; Công tác quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đường bộ giai đoạn 2023-2024 tại Bộ Giao thông vận tải; Kiểm toán Đề án 666 tại tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.