Xây dựng hồ sơ về khối tài liệu thời kỳ thuộc Pháp để trình UNESCO
Hiện nay, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang phối hợp với lưu trữ của Pháp xây dựng hồ sơ về khối tài liệu thời kỳ thuộc Pháp (1858 - 1954) để đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới.
Thông tin trên được ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết trong buổi gặp gỡ báo chí vào chiều 14/1 tại Hà Nội. Theo ông Tùng, hoạt động hợp tác với Pháp xây dựng hồ sơ về khối tài liệu thời kỳ thuộc Pháp là một phần của kết quả hợp tác với các quốc gia về lưu trữ. Những năm gần đây, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước luôn chú trọng hợp tác với nhiều quốc gia có bề dày lịch sử về lưu trữ như Nga, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc…
Hoạt động này nhằm tìm kiếm, bổ sung thêm tài liệu quý của Việt Nam mà chúng ta chưa có, nhưng các quốc gia khác lại lưu giữ được. Ví dụ như văn bản cuối cùng mà Bác Hồ ký với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trước khi Bác mất, phía Mỹ lưu trữ được nhưng chúng ta không có. Ngoài ra còn nhiều tài liệu, văn bản khác, do hoàn cảnh chiến tranh, hiện nay chúng ta chưa lưu giữ được…
Riêng về khối tài liệu thời kỳ thuộc Pháp (1858 - 1954), ông Tùng cho biết, Cục đang giao Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chủ trì phối hợp với lưu trữ Pháp để xây dựng, dự kiến sẽ trình UNESCO vào năm 2025. Nếu thuận lợi, năm 2026, chúng ta sẽ có Di sản tư liệu thế giới thứ 4 được công nhận. Ba di sản tư liệu thế giới đã được UNESCO công nhận trước đó gồm có Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Bia Tiến sĩ Văn Miếu.
Trước đó, từ năm 1950, theo Thỏa thuận ký kết giữa Cao ủy Pháp Léon Pignon và Bảo Đại, một phần tài liệu thời kỳ thuộc Pháp đã được chuyển về Pháp và đang bảo quản tại Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp ở Aix-en-Provence. Độc giả muốn tìm hiểu, có thể truy cập tại địa chỉ: https:francearchives.gouv.fr/fr/article/736004879 .
Số tài liệu để lại Việt Nam theo Thỏa thuận nói trên đang được bảo quản tại 3 Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II và IV, với 9.000 mét giá, bao gồm 84 phông. Khối tài liệu bao gồm: Tài liệu hành chính của các cơ quan cấp Đông Dương, cấp kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), cấp tỉnh; Khối tài liệu kỹ thuật (xây dựng cơ bản) gồm gần 150 công trình kiến trúc như các dinh thự trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, công trình thủy lợi, công trình giao thông trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam; hơn 20.000 bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương, bản đồ hành chính các tỉnh.
Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cũng cho biết, bên cạnh thành quả về hợp tác quốc tế, trong năm 2024, ngành Văn thư và lưu trữ còn có nhiều kết quả nổi bật khác, trong đó Luật Lưu trữ năm 2024 được Quốc hội thông qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định và định hướng những hoạt động gìn giữ và phát huy giá trị tài liệu. Lưu trữ như là bộ nhớ của dân tộc. Thay vì chỉ có người làm công tác lưu trữ Nhà nước mới làm lưu trữ như trước đây thì hiện nay, lưu trữ là hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân, gia đình…
Về hoạt động năm 2025, Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cho biết, ngành Văn thư và lưu trữ cũng sẽ có rất nhiều hoạt động đặc biệt nhằm gìn giữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, quan tâm đẩy mạnh lưu trữ số. Chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Lưu trữ Việt Nam (3/1/1946 - 3/1/2026) sẽ được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chủ trì, phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức thực hiện. Dự kiến, hơn 20 hoạt động nổi bật được tổ chức dưới nhiều hình thức như triển lãm, xuất bản ấn phẩm, hội thảo khoa học, hội thi văn nghệ, giải bóng đá và nhiều hoạt động khác.
Mở đầu chuỗi hoạt động là triển lãm “Nghề Lưu trữ, Người Lưu trữ, Ngày Lưu trữ”, giới thiệu khoảng 200 tài liệu lưu trữ, hình ảnh, hiện vật, câu trích, đoạn text, tư liệu… được cung cấp từ các cơ quan Lưu trữ của Đảng, Nhà nước từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành Lưu trữ và từ các cán bộ làm công tác lưu trữ. Đây là những tài liệu về những mốc son lịch sử, những khoảnh khắc về ký ức về nghề và ngày lưu trữ. Các tư liệu hiện đang được triển lãm tại tầng 1 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.