'Giữ lửa' nghề truyền thống nơi cực Bắc Tổ quốc
Không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh thơ mộng, hài hòa vươn mình giữa thiên nhiên trùng điệp của núi rừng, Hà Giang - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, nơi có đến 90% là đồng bào dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Pà Thẻn, La Chí... còn sở hữu một 'kho tàng' với giá trị văn hóa từ các nghề truyền thống của từng dân tộc. Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, tránh nguy cơ bị mai một luôn được tỉnh Hà Giang quan tâm thực hiện, nhất là khi nghề truyền thống góp phần quan trọng vào lĩnh vực phát triển du lịch tại địa phương.
Đến thăm Hợp tác xã (HTX) dệt lanh Cán Tỷ (huyện Quản Bạ) và trực tiếp được tham quan các công đoạn để làm ra một sản phẩm lanh thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mông, chúng tôi mới thấy được sự kỳ công, tỉ mỉ, khéo léo từ đôi bàn tay của những người phụ nữ dân tộc Mông ở đây. Đứng trước nguy cơ mai một về nghề truyền thống của dân tộc, năm 2010, bà Giàng Thị Say, xã Cán Tỷ cùng một nhóm phụ nữ dân tộc Mông ở địa phương đã đứng lên thành lập HTX dệt lanh Cán Tỷ. Ban đầu, khi mới thành lập, HTX mất 5 năm để khôi phục và truyền lại nghề cho phụ nữ dân tộc Mông ở nơi này; đến năm 2015, HTX dệt lanh Cán Tỷ đã có được những sản phẩm đầu tiên phục vụ khách du lịch.
Sau 14 năm thành lập và đi vào hoạt động, từ những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường của UBND huyện Quản Bạ; sự cố gắng, nỗ lực với công cuộc “giữ lửa” nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống của dân tộc Mông, hiện nay, HTX dệt lanh Cán Tỷ đã sản xuất được 35 sản phẩm: váy, áo, trang phục, khăn quàng, ví, túi đeo điện thoại, ba lô..., trở thành hàng hóa được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng, trong đó có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm của HTX đã tiếp cận và bán ở các thị trường Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản. HTX dệt lanh Cán Tỷ đã vinh dự được UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen vì có thành tích bảo tồn, gìn giữ các giá trị trên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn.
Bà Sùng Thị Máy, Phó Giám đốc HTX dệt lanh Cán Tỷ chia sẻ: "Nghề thêu, dệt vải lanh là nghề truyền thống mà mỗi người phụ nữ dân tộc Mông đều phải biết; bởi trang phục truyền thống được làm từ vải lanh là “linh hồn” không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi người con dân tộc Mông. Để làm ra tấm vải lanh, chúng tôi thực hiện kỳ công trong 12 công đoạn, từ khi thu hoạch cây lanh đến khi cho ra các sản phẩm hoàn chỉnh; trong đó, có nhiều công đoạn thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ như: dệt vải lanh, vẽ họa tiết bằng sáp ong trên vải, thêu hoa văn trên vải... Nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống của HTX không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình, mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng cho các thành viên trong HTX".
Chúng tôi đến thăm làng nghề làm nón hai mê ở xã Xuân Giang (huyện Quang Bình), đây được xem là một biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Tày bản địa. Năm 2023, nghề làm nón hai mê nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị từ nghề truyền thống của cộng đồng người dân Tày ở đây. Nón hai mê được thiết kế với chóp nhọn và vành rộng; mỗi chiếc nón là kết quả của quá trình lao động cần mẫn và khéo léo từ việc chọn nguyên liệu, đan nan, bọc lá cho đến khâu hoàn thiện, tất cả đều thể hiện tinh hoa của nghệ thuật thủ công truyền thống.
Bà Hoàng Thị Yếm, nghệ nhân gắn bó nhiều năm với nghề làm nón hai mê tâm sự: "Làm nón hai mê không chỉ là công việc, mà còn là cách tôi gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc. Mỗi lần hoàn thành một chiếc nón, tôi lại cảm thấy tự hào vì biết rằng, nghề truyền thống của chúng tôi vẫn đang được "giữ lửa". Đối với tôi, từng chiếc nón là một minh chứng sống động cho sự gắn bó của người Tày với nghề truyền thống, đồng thời, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề".
Hà Giang hiện có 39 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận. Tổng số hộ tham gia các làng nghề và làng nghề truyền thống là 1.971 hộ. Trong những năm qua, việc phát triển các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch đã góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập ổn định cho gần 4.000 lao động tại các địa phương trong tỉnh như: Nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống của dân tộc Mông; nghề chạm bạc của dân tộc Dao; nghề làm nón hai mê của dân tộc Tày; nghề chế tác khèn dân tộc Mông; nghề làm giấy bản; nghề đan lát...
Trước những thách thức của thời đại, tỉnh Hà Giang và cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực trong công cuộc “giữ lửa” nghề truyền thống với nhiều giải pháp như: Mở các lớp truyền dạy, khơi dậy niềm đam mê và trách nhiệm trong thế hệ trẻ; làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại gắn kết sản phẩm truyền thống của từng dân tộc với các sự kiện văn hóa lễ hội, chợ phiên và hội chợ thương mại, giúp sản phẩm truyền thống trở nên gần gũi hơn với cộng đồng và du khách; lồng ghép nghề truyền thống vào các hoạt động du lịch trải nghiệm, mang đến cho du khách cơ hội khám phá văn hóa độc đáo của các dân tộc.
“Giữ lửa” nghề truyền thống không chỉ là ngọn lửa được giữ sáng trong cộng đồng, mà còn là động lực để các địa phương trong tỉnh Hà Giang phát triển bền vững, gắn kết văn hóa truyền thống với hiện đại. Cùng với đó, khi lĩnh vực du lịch tại tỉnh đang là bước đột phá thì việc kết hợp phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống vừa góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, vừa đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trong tỉnh để những nghề truyền thống luôn mãi là niềm tự hào, thể hiện sự bền bỉ, kiên trì, sáng tạo của người dân nơi cực Bắc Tổ quốc.
Nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Giang về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 xác định: “Phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc”. Vì vậy, du lịch làng nghề truyền thống là một loại hình du lịch văn hóa mà qua đó, khách du lịch được trải nghiệm những giá trị vật thể, phi vật thể liên quan mật thiết đến các sản phẩm truyền thống, góp phần tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp. Năm 2024, từ giá trị văn hóa truyền thống đã góp phần thu hút trên 3,2 triệu lượt khách đến Hà Giang tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.