Xây dựng hồ sơ khối tài liệu thời kỳ thuộc Pháp trình UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thế giới
Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang xây dựng hồ sơ về khối tài liệu thời kỳ thuộc Pháp để trình UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, đơn vị đang xây dựng hồ sơ về khối tài liệu thời kỳ thuộc Pháp (1858 - 1954) để trình UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới.
Theo đó, Cục đang giao Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chủ trì phối hợp với ngành lưu trữ của Pháp để xây dựng hồ sơ tư liệu, dự kiến trình UNESCO trong năm 2025.
Ông Tùng cho hay, hiện nay, 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang bảo quản hơn 33.000m giá tài liệu với khoảng gần 1.000 phông/sưu tập tài liệu.
Những tài liệu này được viết bằng các ngôn ngữ Hán, Hán - Nôm, Pháp, Anh, Việt… trên các vật mang tin bằng giấy, mộc bản, phim, ảnh, băng, đĩa… hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu, phản ánh toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta từ thế kỷ XIX đến nay.
Trong số đó, có gần 9.000m giá tài liệu thời kỳ thuộc Pháp (1858 - 1954) đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II và IV. Số tài liệu này gồm: văn bản hành chính của các cơ quan cấp Đông Dương, cấp kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), cấp tỉnh; khối tài liệu kỹ thuật (xây dựng cơ bản) gồm gần 150 công trình kiến trúc như các dinh thự trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, công trình thủy lợi, công trình giao thông trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam; hơn 20.000 bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương, bản đồ hành chính các tỉnh.
Theo Thỏa thuận ký kết giữa Cao ủy Pháp Léon Pignon và vua Bảo Đại năm 1950, một phần tài liệu đã được chuyển về Pháp và đang bảo quản tại Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp ở Aix-en-Provence.
Số tài liệu để lại Việt Nam theo Thỏa thuận nói trên bao gồm 84 phông, trong đó 52 phông đã chỉnh lý nội dung sơ lược và mục lục.
Năm 2023, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã hoàn thiện trang thông tin điện tử, giới thiệu khối tài liệu tiếng Pháp giai đoạn 1858 - 1954 bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp.
Để xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh di sản tư liệu, ngành lưu trữ Việt Nam và Pháp sẽ số hóa những tài liệu này.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, nếu thuận lợi, năm 2026, chúng ta sẽ có Di sản tư liệu thế giới thứ tư được công nhận.
Ba di sản tư liệu thế giới đã được UNESCO công nhận trước đó gồm có Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Bia Tiến sĩ Văn Miếu.
Bên cạnh đó, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Lưu trữ Việt Nam (3/1/1946 - 3/1/2026), trong năm 2025 này, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ tổ chức hơn 20 hoạt động gồm triển lãm, xuất bản ấn phẩm, hội thảo khoa học, hội thi văn nghệ, giải bóng đá…