Phó thủ tướng Lê Thành Long dự lễ kỉ niệm 65 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi
Tối 15/1, tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi, công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.
Đến dự sự kiện này có ông Trương Tấn Sang, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc Hội, ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành TW, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo nhiều địa phương vùng ĐBSCL, các cán bộ lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các mạnh thường quân và đông đảo cán bộ, nhân dân Bến Tre.
Diễn văn tại lễ kỷ niệm do bà Hồ Thị Hoàng Yến, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trình bày đã nêu bật được quá trình hình thành của vùng đất “ ba đảo dừa xanh”, thành lập tỉnh Bến Tre, vai trò, vị trí, ý nghĩa lịch sử của phong trào Đồng Khởi năm 1960 tại Bến Tre.
Dưới triều Nguyễn, vùng đất Bến Tre trải qua nhiều biến động về địa giới hành chính qua các tên gọi tổng Tân An, phủ Hoằng Trị. Ngày 01/01/1900 Bến Tre chính thức thành đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, với ưu thế và tiềm năng kinh tế, văn hóa sông nước, gắn bó lâu đời với cây dừa, Bến Tre hôm nay đang ngày càng phát triển và được mệnh danh là quê hương xứ Dừa. Đặc biệt quê hương “Đồng khởi Anh hùng” đã làm nên thương hiệu Bến Tre.
Đầu năm 1960, thực hiện chủ trương của hội nghị Liên tỉnh ủy Trung Nam Bộ, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định phát động và lãnh đạo quần chúng nhân dân nơi đây vùng lên làm cuộc Đồng khởi thần kỳ, trong đó chọn 3 xã Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam ngày nay) làm điểm chỉ đạo. Ngày 17/1/1960, quân dân xã Định Thủy nổi dậy đánh chiếm Tổng đoàn dân vệ đóng tại đình Định Phước, thu toàn bộ súng đạn, mở đầu cuộc Đồng khởi. Sau đó cuộc Đồng khởi nổ ra ở các xã Bình Khánh, Phước Hiệp và các xã khác trong huyện Mỏ Cày Nam, lan ra cả Cù lao Minh và toàn tỉnh Bến Tre. Quần chúng vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác, nổi trống mõ, đốt ống lói, kéo đi bao vây, bức rút, bức hàng đồn bốt, phá thế kìm kẹp của địch.
Cùng với Bến Tre, hàng triệu người, không phân biệt già trẻ gái trai, dân tộc, tôn giáo ở Miền Nam cùng chung sức, đồng lòng đứng lên khởi nghĩa, tạo nên phong trào cách mạng mạnh mẽ, rộng khắp giành được những thắng lợi to lớn. Từ thế đấu tranh chính trị là chủ yếu, ta chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, đập tan từng mảng chính quyền địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ. Phong trào Đồng khởi 1960-đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công chiến lược. Trong phong trào “Đồng khởi” tại Bến Tre đã xuất hiện “Đội quân tóc dài”, biểu tượng sinh động của truyền thống toàn dân đánh giặc, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của dân tộc Việt Nam, góp phần tạo ra một bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược, làm rung chuyển và báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Mỹ - ngụy.
65 năm đã qua đi, nhưng tinh thần Đồng Khởi trên quê hương xứ dừa vẫn luôn được thắp sáng, trở thành nguồn động lực to lớn để các thế hệ con cháu tiếp tục phát huy, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Tinh thần Đồng Khởi 1960 đã tiếp tục được khẳng định khi Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Ngày truyền thống của tỉnh là ngày 17/1.
“Tại buổi Lễ trang trọng này, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau: Thứ nhất, phát huy hơn nữa truyền thống Đồng khởi anh hùng, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt tinh thần anh dũng, ý chí tự lực tự cường, không khuất phục, lùi bước trước khó khăn thử thách, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, đưa phong trào thi đua “Đồng khởi mới” ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, là động lực tinh thần quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với quyết tâm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo nên thế và lực mới cho tỉnh nhà, hiện thực hóa khát vọng Bến Tre vươn mình cùng cả nước vững tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới”, bà Hồ Thị Hoàng Yến, quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh.
Nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi, mừng Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre đã tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự” tỉnh Bến Tre lần thứ 4 năm 2025 với 8 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, đóng góp xây dựng quê hương xứ dừa.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, đánh giá cao bề dày thành tích trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như thời kỳ xây dựng đất nước, Bến Tre đã phát huy thành tích vẻ vang của quê hương Đồng Khởi Anh hùng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre cần thực hiện trong thời gian tới.
“Trong thời gian tới, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Bến Tre cần tiếp tục, gìn giữ, vun đắp tinh thần trong khối đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Quán triệt và cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh của vùng ĐBSCL”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nói.