Xây dựng giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thị trường Âu - Mỹ
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên đặt ra yêu cầu cho kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tăng 12% trở lên. Song, trước diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, đặc biệt là khu vực thị trường Âu - Mỹ vốn là địa bàn XNK trọng điểm của Việt Nam đang từng bước triển khai việc áp dụng những tiêu chuẩn mới, khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu dự báo sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) và tổng kim ngạch XNK.
Xây dựng kịch bản đối phó căng thẳng thương mại toàn cầu
Theo Bộ Công Thương, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên đòi hỏi tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Đầu tư, xuất khẩu (XK) và tiêu dùng là 3 động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, nhiệm vụ đặt ra đối với tổng kim ngạch XNK năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Trên thực tế, XNK tháng đầu tiên của năm 2025 chỉ đạt hơn 63 tỷ USD, giảm cả chiều XK và nhập khẩu khiến mục tiêu tăng trưởng XK cả năm 2025 trở nên đầy thách thức.

Doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, thời gian gần đây, thương mại thế giới nổi lên ba xu hướng rõ rệt. Đó là, "phi toàn cầu hóa" hay phân mảnh trong thương mại quốc tế khiến cho các công cụ thuế quan được sử dụng trở lại; bảo hộ thị trường thông qua các biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại hay các biện pháp phòng vệ thương mại; các động thái chính sách khó đoán định khiến chuỗi cung ứng và sản xuất bị xáo trộn, tổn thương, thậm chí đứt gãy.
Các thị trường XK chính của Việt Nam càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng... Cùng với đó, các nước nhập khẩu cũng từng bước triển khai việc áp dụng những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường... khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Đáng chú ý, gần đây nhất, đầu tháng 2/2025, Tổng thống Donald Trump đã kích hoạt điều khoản về tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Thẩm quyền kinh tế khẩn cấp (IEEPA) với lý do để đối phó với tình trạng người nhập cư bất hợp pháp và chất gây nghiện vận chuyển trái phép vào Hoa Kỳ, để làm căn cứ pháp lý cho việc áp thuế quan bổ sung 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico; 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tận dụng tối đa lợi thế từ 17 FTA
Để đạt được mục tiêu XNK đề ra, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ về chính trị, kinh tế, ngoại giao; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với Mỹ, Trung Quốc và các nước đối tác lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; mở rộng, đa dạng hóa thị trường XK, nhất là các quốc gia mới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện; DN cần tận dụng tối đa để nâng cao giá trị XK, cũng như mở rộng sang các nước khác, nhằm phân tán lượng đầu tư XK, giảm phụ thuộc quá lớn vào một nước, từ đó có thể tránh xảy ra những "cú sốc" khi có sự thay đổi về chính sách thương mại.
Để hạn chế những rủi ro và thúc đẩy XK, Bộ Công Thương đã đưa ra hàng loạt giải pháp thúc đẩy XK, nhất là với thị trường Âu - Mỹ. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ DN, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh, 17 FTA và gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có với các nước (Ủy ban liên chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Hội đồng thương mại...) để khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm và thị trường truyền thống, phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới…
Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Công Thương cho rằng, quan hệ kinh tế, thương mại của hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu XK và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với DN Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ Công Thương đánh giá trụ cột kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ. Các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương nếu có sẽ được chủ động trao đổi thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), là cơ chế đang được duy trì thường xuyên, liên tục và hiệu lực, hiệu quả, ở tất cả các cấp nhằm củng cố lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia, kiến tạo tầm nhìn chung, góp phần định hướng dài hạn và ổn định lộ trình phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
Để tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động và khó khăn, ngoài nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, còn phải dựa vào sự nhạy bén, chủ động bám sát thị trường và khả năng thích ứng, tìm tòi và phát triển năng lực cạnh tranh của bản thân các DN. Các DN cần tiếp tục chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường....
Bên cạnh đó, cần chú trọng việc kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, cũng như đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các DN của những nước đang có căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.